Những quy định của pháp luật về dạy thêm, học thêm

17/01/2021 07:34
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Một số điều trong thông tư 17/2012/TT-BGDĐT đã hết hiệu lực, tuy nhiên, Thông tư này vẫn đảm bảo được nhu cầu học thêm chính đáng của học sinh, phụ huynh.

Vào tháng 8-2019, Bộ GD-ĐT đã ban hành Quyết định số 2499/QĐ-BGDĐT về việc công bố hết hiệu lực các điều: 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 của Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16-5-2012 của Bộ trưởng GD-ĐT ban hành quy định về dạy thêm, học thêm.

Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã có công văn yêu cầu phải tạm dừng tất cả các hoạt động dạy thêm, học thêm.

Một số sở giáo dục và đào tạo các tỉnh cũng tạm ngưng cấp phép dạy thêm, học thêm trong và ngoài trường học

Đến nay tất cả các giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm được cấp trước đó 1 năm đã hết thời hạn. Tuy nhiên, nhiều cơ sở dạy thêm, học thêm hiện vẫn chưa được cấp phép. Điều này đặt ra cho dư luận nhiều vấn đề tranh cãi.

Thạc sĩ Hoàng Anh Đức,Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục EdLab Asia (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Thạc sĩ Hoàng Anh Đức,Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục EdLab Asia (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Xoay quanh vấn đề này, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ Hoàng Anh Đức, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục EdLab Asia.

Phóng viên: Thưa ông, một số điều trong Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT Bộ GD-ĐT ban hành quy định về dạy thêm, học thêm đã hết hiệu lực. Vậy liệu rằng Thông tư này còn có giá trị pháp lý quy định về việc học thêm, dạy thêm ở thời điểm hiện tại không?

Thạc sĩ Hoàng Anh Đức: Hoạt động dạy thêm, học thêm là nhu cầu thực tế của phần lớn phụ huynh ở nhiều quốc gia, bao gồm cả các nước phát triển như Mỹ, Anh, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, hay các nước đang phát triển như Việt Nam, Indonesia, Malaysia.

Mục đích của các hoạt động học thêm thường có hai loại chính, tuỳ thuộc vào năng lực của học sinh và nhu cầu của phụ huynh, bao gồm bổ trợ những kiến thức bị yếu hoặc học trước các dạng bài tập và luyện đề thi.

Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phân loại hai hình thức "hoạt động dạy thêm, học thêm" trong và ngoài nhà trường.

Theo Luật Đầu tư năm 2014, một số điều (6, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14) của thông thư 17/2012/TT-BGDĐT sẽ tự động hết hiệu lực từ 01/07/2016. Tại thời điểm 2014, "tổ chức hoạt động dạy thêm" là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Quyết định số 2499/QĐ-BGDĐT ngày 26/8/2019 đã công bố hết hiệu lực các điều trên, loại bỏ những quy định về điều kiện liên quan đến hoạt động dạy thêm bên ngoài nhà trường. Trong danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện năm 2019, 2020, cũng không thấy xuất hiện cụ thể thuật ngữ "dạy thêm".

Đồng thời, các điều 1, 2, 3, 4 của Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT vẫn đảm bảo chỉ dẫn rõ phạm vi, quy định về việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường.

Khoản 2 điều 7 của Thông tư này vẫn nêu nguyên tắc thu phí với hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường.

Điều 15, 16 quy định trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh và sở Giáo dục và Đào tạo trong việc quản lý, chủ trì, phối hợp các quy định về dạy thêm và học thêm; Điều 17, 18 cũng nêu rõ trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân cấp huyện và phòng Giáo dục và Đào tạo trong việc cấp giấy phép.

Về cơ bản, hoạt động quản lý dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường là hoạt động kinh doanh không có điều kiện bắt buộc, thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh.

Các hoạt động dạy thêm do nhà trường tổ chức trong phạm vi nhà trường, đảm bảo đúng các yêu cầu theo điều 3 Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT vẫn diễn ra bình thường.

Các hoạt động dạy thêm bên ngoài nhà trường, các cấp chính quyền địa phương có thể chủ động trong phạm vi, quyền hạn của mình, thay vì chờ thông tư của Bộ GDĐT.

Phóng viên: Các văn bản pháp luật phải quy định như thế nào để đảm bảo quyền được học thêm của học sinh, phụ huynh trong trường hợp họ có nhu cầu chính đáng, đồng thời cũng ngăn chặn những tiêu cực từ việc dạy thêm, học thêm, ví dụ như việc nhà trường, giáo viên dùng chiêu trò ép học sinh phải học thêm, dạy thêm vì mục đích cá nhân, đưa chương trình chính khóa vào dạy thêm,…?

Thạc sĩ Hoàng Anh Đức: Cá nhân tôi đánh giá, Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT đã quy định rất rõ để đảm bảo nhu cầu được học thêm chính đáng của học sinh, phụ huynh. Tuy nhiên, có thể do phụ huynh không biết, hoặc ngại có ý kiến đối với trường hợp nhà trường tổ chức sai.

Ví dụ, một số nhà trường tổ chức dạy thêm theo cơ cấu các lớp học chính khoá, giảm nội dung trong chương trình chính khoá để đưa vào chương trình dạy thêm là hoàn toàn trái với khoản 2, 4 điều 3 thông tư 17/2012/TT-BGDĐT.

Đối với việc học thêm bên ngoài nhà trường, đó hoàn toàn là mối quan hệ dân sự giữa phụ huynh và đơn vị tổ chức lớp học. Nhưng để hạn chế tối đa các tiêu cực, Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT cũng đã nêu rất cụ thể "Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó".

Tôi nghĩ việc cần làm là tăng cường công tác truyền thông để cả nhà trường, phụ huynh và học sinh cùng nắm được quy định rõ ràng, thay vì tranh cãi hoặc lo lắng một cách mơ hồ.

Phóng viên: Thưa ông, liệu việc đợi chờ một Thông tư mới để tiến hành cấp phép hay quản lý việc học thêm, dạy thêm có thực sự phù hợp trong khi học thêm với học sinh, phụ huynh vẫn là nhu cầu bức thiết?

Thạc sĩ Hoàng Anh Đức: Tôi nghĩ không cần thiết phải ban hành Thông tư mới, vì Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT vốn dĩ đã có đầy đủ các nguyên tắc cơ bản nhất để đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của học sinh, phụ huynh có nhu cầu học thêm bên ngoài nhà trường.

Những điều khoản hết hiệu lực đa phần thuộc về điều kiện kinh doanh, vốn không phải là điều cốt lõi mà học sinh, phụ huynh quan tâm khi tìm kiếm các lớp học. Việc hạn chế dạy thêm, học thêm bên ngoài nhà trường tuỳ thuộc vào tình hình từng địa bàn cụ thể, nên do sở Giáo dục và Đào tạo địa phương quyết định.

Phóng viên: Có ý kiến cho rằng, nhiều trường học có sĩ số hơn 50 em/lớp, việc dạy học đảm bảo chất lượng đồng đều cho học sinh là rất khó, những học sinh yếu sẽ có nhu cầu học thêm. Trong những trường hợp như vậy, việc cấm dạy thêm, học thêm là không phù hợp. Ông có thể chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề này không ạ?

Thạc sĩ Hoàng Anh Đức: Chất lượng đồng đều 50 em/lớp đều có học lực như nhau ở tất cả các môn là điều không tưởng và cũng không phải là mục đích của giáo dục.

Mỗi học sinh đều có thể học khá môn này và hơi sao lãng ở một môn học khác. Bản thân sự khác biệt về học lực ấy cũng là cơ hội tốt để các em có thể học hỏi được lẫn nhau, giúp đỡ bạn và giúp đỡ chính bản thân mình.

Đối với nhu cầu bổ túc, không chỉ học sinh yếu, mà cả học sinh khá, giỏi cũng cần được bổ túc để có thể phát triển được tốt hơn.

Các lớp học thêm trong nhà trường có thể tổ chức dưới hình thức câu lạc bộ, học sinh đăng kí tham gia câu lạc bộ và được xếp nhóm tuỳ theo học lực. Cách tổ chức này đem lại tác động giáo dục tốt hơn nhiều so với việc tổ chức lớp học thêm như lớp chính khoá và bắt buộc học sinh tham gia.

Phóng viên: Theo ông, bản chất, mục tiêu của quy định cấm học thêm, dạy thêm là gì? Với mục tiêu đó, giải pháp nào mới thực sự tác động làm thay đổi những vấn đề? Ông có thể đề xuất một số giải pháp cho quy định dạy thêm, học thêm hiện nay được không ạ?

Thạc sĩ Hoàng Anh Đức: Một hệ thống giáo dục quốc dân thường xoay quanh ba trụ cột là Chương trình và sách giáo khoa; Kiểm tra và đánh giá; Hoạt động dạy và học.

Các hoạt động dạy thêm, học hêm hiện nay đa phần vẫn theo hơi hướng "học tủ, luyện lò" để đi thi.

Tuy nhiên, chỉ sau 4 năm nữa, khi Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể 2018 hoàn tất một chu trình đầu tiên, thì lối "học tủ, luyện lò" chắc sẽ không còn được ưa chuộng nữa. Hiện tại, nhiều trường đại học cũng đã có các phương án tuyển sinh không lệ thuộc vào kết quả kì thi Trung học phổ thông Quốc gia.

Sự chuyển mình ở mốc kiểm tra, đánh giá mang tính quan trọng nhất này, phối hợp với quá trình thay đổi chương trình, sẽ tác động đến việc tổ chức dạy và học trong nhà trường phổ thông. Trong dài hạn, bên cạnh sự thay đổi về mặt kỹ thuật trên, mắt xích quan trọng nhất để giảm thiểu các tiêu cực trong dạy và học, có lẽ lại nằm ở bài toán sinh kế, thu nhập dành cho giáo viên.

Trân trọng cảm ơn ông!

Phạm Minh