Những tình nguyện viên môi trường "truyền lửa" chưa bằng cấp

24/11/2013 07:46
Theo HaNoiTV
(GDVN) - Nhiều bạn trẻ đang tình nguyện giảng dạy miễn phí các kiến thức về báo chí và môi trường cho những em nhỏ mà mình không quen biết.
Chủ nhật hàng tuần (từ 11/8 – 29/9/2013), gần 15 tình nguyện viên của Câu lạc bộ Nhà báo xanh đã thay nhau về ngoại thành Hà Nội để dạy cách viết báo về môi trường cho trẻ em ở đây. Thông qua những bài giảng sinh động bằng tranh vẽ, video và các tài liệu minh họa, một nhóm 8 em (trong độ tuổi 9 -10 tuổi) đã hiểu cách viết một tin, một bài báo về cuộc sống và sự tham gia bảo vệ môi trường của bản thân và những người xung quanh mình.
Các tình nguyện viên đều còn rất trẻ. Người nhiều tuổi nhất chưa vượt quá tuổi 23 và người trẻ nhất chưa đến 18 tuổi. Họ đều là học sinh, sinh viên của các trường trung học phổ thông, đại học đóng trên địa bàn thủ đô như Đại học Điện lực, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại học FPT, Học viên Quân y.... Dưới sự hướng dẫn nhiệt tình và trẻ trung của những giáo viên "không bằng cấp", các học sinh đã hứng thú tiếp thu các kiến thức môi trường và thể hiện hiểu biết của mình bằng những hình vẽ minh họa, những vở kịch về tác hại của túi ni lông, giữ vệ sinh đường phố.
Không chỉ dừng ở các bài giảng và thực hành kiến thức trong lớp, các "giảng viên không chuyên" khuyến khích các bạn nhỏ tự mình thu thập thông tin qua những người dân địa phương.
Sự tự tin, ham tìm kiếm thông tin của các "phóng viên nhí" đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các phụ huynh trong thôn. Các cô, các bác không chỉ đánh giá cao sự nỗ lực của các bạn nhỏ mà còn cảm thấy vui vì thế hệ trẻ trong thôn đã tiến xa hơn trong nhận thức về vai trò và trách nhiệm đối với môi trường sống.
Các học sinh đồng thời là thành viên của Câu lạc bộ Bút xanh. Các bạn cùng nhau làm một tờ báo tường về hoạt động gìn giữ môi trường ở xã Tam Đồng, huyện Mê Linh. Các tin, bài do chính các em viết dựa trên thông tin từ những cuộc phỏng vấn thực hiện trong nhiều ngày.
Không hiểu và viết về những hoạt động trong thôn, các em nhỏ cũng trực tiếp làm các sản phẩm tái chế từ những đồ tưởng như bỏ đi như giấy quảng cáo, vỏ lon, vải thừa, dưới sự hướng dẫn của các anh chị sinh viên.

Đặc biệt, các tình nguyện viên và học sinh cùng nhau tổ chức "Trung thu Xanh" bằng các đồ chơi tái chế như đèn giấy, đèn ông sao từ ni lông. “Chiếc đèn ông sao này không lấp lánh bằng đèn mua ngoài chợ nhưng độc đáo, chỉ mình chúng em có” – Kim Hồng, một thành viên của CLB Bút Xanh, cho biết. Kim Hồng đã tự làm hàng chục đèn ông sao giấy rất cá tính.

Buổi phá cỗ trông trăng của các tình nguyện viên của CLB Nhà báo xanh và các thành viên của CLB Bút Xanh đã thu hút nhiều trẻ em trong thôn, và cả các phụ huynh. “Tôi không ngờ các cháu nhỏ lại hiểu và biết nghĩ đến như thế". Bà Kiều Oanh, một người dân trong làng cho biết: "Mấy ngày trước, đi học về, thấy con cặm cụi nhặt nhạnh túi nylon, tôi còn nạt con nghịch bẩn. Nhưng cùng các cháu dự đêm Trung thu xanh thì tôi đã hiểu… Là người lớn, nhưng đúng là lần này phải học theo mấy đứa trẻ con”

Những hoạt động vui tươi và bổ ích của các tình nguyện viên CLB Nhà báo xanh đã mang đến một luồng gió mới cho cuộc sống ít hoạt động của các em nhỏ ở thôn Tam Đồng.

Do đó, các em nhỏ đã thể hiện nồng nhiệt tình cảm của mình qua những hình vẽ đáng yêu và những câu thơ mộc mạc, rất tình cảm. "Trung thu trăng sáng chẳng quên/Công ơn anh chị dạy em ngày ngày/Dạy em cách viết báo hay/Dạy em những câu báo hay một thời".

Và những tình cảm trong trẻo, ngây thơ đó cũng lay động bản thân các tình nguyện viên. H"Cuộc sống sinh viên xa nhà nên sự trải nghiệm về những kỉ niệm Đêm Trung Thu không nhiều, ngoài những kí ức của tuổi thơ làm đèn lồng giấy, đốt hạt bưởi cháy lép bép lóe sáng quanh sân… Thực sự lòng mình hôm ấy nhiều cảm xúc, với những kí ức của tuổi thơ một thời và đâu đó là những nụ cười trong vắt của các em…", một tình nguyện viên tâm sự.

Sau hai tháng học và thực hành cùng nhau trong dự án CLB Bút xanh do Tổ chức Live & Learn tài trợ, "Các em được chúng tôi truyền ngọn lửa nhiệt huyết để có thể tự tạo ra nhiều hơn thế - những ngọn lửa nhỏ nói lên tiếng nói của mình, suy nghĩ của mình về môi trường, và rộng hơn, về cuộc sống", Đàm Thanh Tùng, một tình nguyện viên chia sẻ.

Nước mắt đã rơi từ hai phía và tình cảm của "thầy và trò" rất khăng khít đến tận hôm nay. Ngay cả khi lớp học làm báo không chuyên kết thúc, các tình nguyện viên vẫn về Tam Đồng để tham gia sinh hoạt cùng các thành viên của Câu lạc bộ Bút Xanh. 

Hiện nay, các "giáo viên không chuyên" đang nỗ lực tìm nguồn tài trợ để mang mở rộng dự án CLB Bút Xanh tại ngoại thành Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc. Khi có đủ kinh phí, họ sẽ tiếp tục cùng các học sinh cấp II viết tin, bài về môi trường qua con mắt trẻ thơ.
Theo HaNoiTV