Phân rõ quyền hạn của Bộ chủ quản, cơ quan quản lý nhà nước và Hội đồng trường

17/06/2021 06:07
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo sư Hoàng Văn Cường nhận định, phải trao quyền quyết định của cơ quan chủ quản và quyền quyết định của các cơ quan quản lý nhà nước cho Hội đồng trường

Làm sao để các trường đại học được quyền tự quyết, làm sao để hội đồng trường có được thực quyền? Đó vẫn là bài toán nan giải được đặt ra khi nhắc đến vấn đề tự chủ đại học hiện nay.

Những vướng mắc về cơ chế, hành lang pháp lý chưa đồng bộ khiến cho thực tiễn hoạt động của Hội đồng trường gặp muôn vàn khó khăn.

Giáo sư Hoàng Văn Cường cho rằng, hoạt động của Hội đồng trường hiện nay còn gặp khó khăn vì hệ thống văn bản pháp lý chưa đồng bộ, rõ ràng, đồng thời năng lực của Hội đồng trường ở các trường đại học vẫn còn hạn chế (Ảnh: Phạm Minh)

Giáo sư Hoàng Văn Cường cho rằng, hoạt động của Hội đồng trường hiện nay còn gặp khó khăn vì hệ thống văn bản pháp lý chưa đồng bộ, rõ ràng, đồng thời năng lực của Hội đồng trường ở các trường đại học vẫn còn hạn chế (Ảnh: Phạm Minh)

Trong cuộc trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Văn Cường - Đại biểu Quốc hội đoàn Thành phố Hà Nội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã chỉ ra những nguyên nhân và vấn đề bất cập còn tồn tại về mối quan hệ giữa Bộ chủ quản, cơ quan quản lý nhà nước với Nhà trường, giữa Hội đồng trường và Ban giám hiệu.

Hội đồng trường vẫn chưa có thực quyền

Theo Giáo sư Hoàng Văn Cường, luật pháp đã quy định rõ Hội đồng trường là cơ quan đại diện của chủ sở hữu, nghĩa là Hội đồng trường gần như thay thế vai trò của cơ quan chủ quản trước đây.

Hội đồng trường thay mặt Nhà nước thực hiện vai trò đại diện cho chủ sở hữu để thực hiện quyền của chủ sở hữu. Một khi Hội đồng trường đã đại diện cho Nhà nước thì Cơ quan chủ quản không còn quyền đại diện.

Khi đó, toàn bộ hoạt động như việc vạch ra định hướng, kế hoạch, thực hiện hoạt động và giám sát hoạt động của trường đều là quyền hạn, nhiệm vụ của Hội đồng trường.

Vấn đề hiện nay là chúng ta chưa có một cơ chế để phân định rõ ràng về vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chủ quản (cơ quan quản lý trực tiếp) và các cơ quản lý nhà nước chuyên ngành với Hội đồng trường.

Sự mập mờ giữa quyền của bộ chủ quản với quyền của Hội đồng trường dẫn đến việc cơ quan chủ quản vẫn đang can thiệp trực tiếp, can thiệp sâu vào những việc mà đáng ra Hội đồng trường phải được quyền quyết định.

“Hiện nay, không riêng gì bộ chủ quản mà các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành vẫn can thiệp vào công việc của các trường. Nếu tình trạng này vẫn diễn ra thì trường đại học không thể tự chủ đúng tinh thần như luật pháp đã quy định.

Ví dụ, một trường đại học thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo thì Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan quản lý trực tiếp. Tuy nhiên, những vấn đề liên quan đến tuyển dụng nhân sự, đánh giá nhân sự vẫn phải chịu sự can thiệp của Bộ Nội vụ.

Trong khi Luật đã trao quyền tự chủ cho các trường đại học nhưng việc tuyển dụng, đánh giá nhân sự, Hội đồng trường vẫn phải tuân theo Thông tư, Nghị định Bộ Nội vụ ban hành thì không còn là tự chủ.

Hay sự chồng chéo, thiếu rõ ràng, nhất quán về hệ thống văn bản pháp lý cũng đang gây khó khăn cho hoạt động của Hội đồng trường.

Liên quan đến việc bổ nhiệm của Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh thời gian vừa qua, nhà trường đã thực hiện đúng với Luật 34/2018/QH14, Nghị định 99/2019/NĐ-CP về tự chủ đại học nhưng lại không đúng với Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức áp dụng đối với các đơn vị sự nghiệp hành chính công lập. Như vậy còn đâu là tự chủ, còn đâu quyền tự quyết của trường đại học”, Giáo sư Hoàng Văn Cường khẳng định.

Bên cạnh đó, theo Giáo sư Hoàng Văn Cường, Hội đồng trường chưa phát huy được thực quyền còn vì lý do nội bộ các trường chưa có sự phân định rõ về vai trò, nhiệm vụ của Hội đồng trường và Ban giám hiệu.

Cụ thể, Hội đồng trường là cơ quan đưa ra phương hướng, đặt ra các nhiệm vụ mục tiêu phải thực hiện, kiểm tra, giám sát các hoạt động của trường và Ban giám hiệu chỉ là cơ quan thực thi.

Thế nhưng, ngay trong nội bộ của các cơ sở giáo dục đại học thì nhận thức này chưa rõ ràng.

Ví dụ Nghị định 99 có quy định “Ban giám hiệu báo cáo với Hội đồng trường về phương hướng tuyển sinh, song không có quy định phương hướng tuyển sinh là gì”. Trong khi đó, phương hướng tuyển sinh không phải là yếu tố quan trọng mà phải là đề án tuyển sinh.

Đề án tuyển sinh, những vấn đề quan trọng nhất như tuyển sinh như thế nào, chỉ tiêu tuyển từng ngành bao nhiêu, cách thức tính toán các tiêu chí tuyển sinh ra sao thì Hội đồng trường lại không được quyết định. Như vậy, Hội đồng trường vẫn chưa có thực quyền.

Phải trao quyền quyết định của cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý nhà nước cho Hội đồng trường

Giáo sư Hoàng Văn Cường cho rằng, Hội đồng trường chưa thể hoạt động đúng nghĩa là đại diện chủ sở hữu nếu không được phân định rõ quyền hạn, không có quyền tự quyết. Chính vì vậy, cần phải trao quyền quyết định của cơ quan chủ quản và quyền quyết định của các cơ quan quản lý nhà nước cho Hội đồng trường.

Cơ quan chủ quản là cơ quan quản lý nhà nước phải thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của mình, không can thiệp vào những công việc điều hành của nhà trường.

“Vậy nhiệm vụ quản lý nhà nước đó là gì? Quản lý nhà nước không phải là anh đưa ra các quy định, đặt ra các quy trình bước 1, bước 2, bước 3 và bắt nhà trường phải làm theo.

Dựa vào hành lang pháp lý đã quy định, các trường thực hiện theo đúng tinh thần tự chủ. Vai trò quản lý nhà nước là kiểm tra, giám sát xem nhà trường có thực hiện đúng luật không, có công khai, minh bạch theo những công bố đã nêu ra và có thực hiện trách nhiệm giải trình được không?

Ví dụ khi một trường công bố công khai đề án tuyển sinh nhưng thực hiện không đúng như đề án đó thì vai trò quản lý nhà nước là giám sát, kiểm tra hoạt động này.

Trường đại học tự chủ là đại diện của chủ sở hữu sẽ có quyền tương đương như một cơ quan thay mặt nhà nước quản lý các hoạt động của mình, cơ quan chủ quản không có quyền chỉ đạo và bắt trường làm theo quy định của mình, nếu đó không phải là điều Luật quy định”, Giáo sư Hoàng Văn Cường phân tích.

Cơ quản quản lý là thay mặt người dân, thay mặt xã hội thực hiện giám sát, nếu trường thực hiện không đúng với Luật và các qui định đã ban hành về tự chủ, nếu trường không thực hiện đúng với công bố mình đưa ra, không giải trình được thì trường sẽ bị “thổi còi” xử lý.

Nâng cao năng lực của chính Hội đồng trường

Theo Giáo sư Hoàng Văn Cường, bên cạnh vấn đề khung pháp lý chưa rõ ràng thì năng lực của Hội đồng trường, của thành viên trong Hội đồng trường vẫn còn hạn chế. Đây cũng là lý do khiến thực tiễn hoạt động của Hội đồng trường còn nhiều khó khăn.

Hội đồng trường là một mô hình mới, trong khi cơ chế chưa rõ ràng thì mô hình này lại chưa có khuôn mẫu, lãnh đạo và thành viên trong Hội đồng trường đều chưa có kinh nghiệm.

Đặc biệt nếu bản thân những người trong Hội đồng trường chưa có kinh nghiệm điều hành trường, chưa qua vị trí nào trong Ban giám hiệu thì làm việc vô cùng khó khăn.

Đó là chưa kể, bộ máy tổ chức trong Hội đồng trường cũng chưa đủ các bộ phận chuyên môn để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình.

Hội đồng trường quyết định các vấn đề liên quan đến tài chính ngân sách thì ít nhất bộ máy này phải đủ năng lực để nắm được, giám sát được hoạt động tài chính; vấn đề kiểm toán, kiểm tra hoạt động tài chính thế nào đòi hỏi phải có bộ máy làm được nhiệm vụ đó. Nhưng thực tế, đa số Hội đồng trường hiện nay vẫn chưa có khả năng này.

Giáo sư Hoàng Văn Cường nhận định, muốn có một bộ máy Hội đồng trường đủ năng lực và hoạt động hiệu quả thì Chủ tịch Hội đồng trường - người nắm vai trò lãnh đạo phải có kinh nghiệm quản lý, điều hành trường và nên là những người từng kinh qua vị trí Ban giám hiệu.

Nếu thiếu kinh nghiệm quản lý thì người đứng đầu Hội đồng trường sẽ rất khó khăn để điều hành một bộ máy, một mô hình mới như vậy. Hơn nữa đây lại là cơ quan quan trọng, có nhiệm vụ định hướng, thực hiện triển khai mọi hoạt động của trường.

Bên cạnh đó, không nên quy định, giới hạn độ tuổi của Chủ tịch Hội đồng trường và các thành viên. Có thể là từ Hiệu trưởng sang vị trí Chủ tịch Hội đồng trường, tiêu chí về kinh nghiệm quản lý là quan trọng nhất chứ không phải độ tuổi.

Một điều không kém phần quan trọng là phải có bộ máy độc lập của Hội đồng trường.

“Bộ máy độc lập của Hội đồng trường phải có ít nhất hai ban là Ban Tài chính và Ban chiến lược phát triển.

Hội đồng trường muốn thẩm định vấn đề tài chính mà lại sử dụng Phòng Tài chính thì không còn độc lập, minh bạch, rõ ràng. Ban Tài chính của Hội đồng trường quản trị tất cả những vấn đề liên quan đến tài chính, tài sản, vật chất. Phải đảm bảo giám sát được việc thực thi ở Ban giám hiệu.

Tương tự, Ban chiến lược phát triển cũng có nhiệm vụ xem xét, giám sát toàn bộ hoạt động đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của nhà trường.

Ngoài ra, trong bối cảnh khó khăn về cơ chế, mô hình Hội đồng trường còn mới mẻ, để tăng năng lực của Hội đồng trường thì cần tăng cường chia sẻ giữa các trường đại học. Các trường cần trao đổi, học tập, chia sẻ với nhau để hoạt động của Hội đồng trường đi vào thực chất và cơ sở giáo dục đại học được tự chủ thực sự”, Giáo sư Hoàng Văn Cường khẳng định.

Phạm Minh