Cần sớm ban hành một nghị định riêng cho các trường đại học đã được tự chủ

23/05/2021 07:34
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- "Cần có hệ thống văn bản pháp luật đồng bộ hoặc phải sớm ban hành một nghị định riêng cho các trường đại học đã được tự chủ”, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho biết.

Năm 2014, Chính phủ ban hành Nghị quyết 77/NQ-CP thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 - 2017. Đến nay, có 23 trường đại học công lập được thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo Nghị quyết 77.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện tự chủ đại học vẫn gặp nhiều vướng mắc chưa thể tháo gỡ. Hệ thống văn bản pháp lý chưa đồng bộ, nhất quán nên cách hiểu, cách vận dụng ở mỗi trường có thể còn khác nhau. Đó cũng là lý do thời gian qua, việc bổ nhiệm cán bộ ở một số trường đại học tự chủ còn gây ra nhiều tranh cãi.

Từ ngày 29/3 - 15/4, Hội đồng trường của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đã bầu chọn hiệu trưởng. Tuy nhiên, quy trình thực hiện đã gây ra nhiều tranh cãi.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng đương nhiệm thời điểm đó đã khẳng định, nhà trường đã làm đúng luật, đúng trình tự và hoàn toàn không có bất thường trong quá trình bầu này.

Bộ Y tế đề nghị Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh chủ động thu hồi quyết định bổ nhiệm 2 phó hiệu trưởng (Ảnh: Bệnh viện Đại học Y dược)

Bộ Y tế đề nghị Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh chủ động thu hồi quyết định bổ nhiệm 2 phó hiệu trưởng (Ảnh: Bệnh viện Đại học Y dược)

Ngày 5/4/2021, Giáo sư Trần Diệp Tuấn – Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh đã trao nghị quyết của hội đồng trường, bổ nhiệm 2 ông là Hà Mạnh Tuấn và Ngô Quốc Đạt là Phó hiệu trưởng của trường.

Ngay sau khi thông tin bổ nhiệm này được phát đi, đã có nhiều ý kiến khác nhau phản ứng về việc này. Bộ Y tế đã lập tổ công tác, vào làm việc với nhà trường để xác minh lại quy trình bổ nhiệm.

Biên bản cuộc họp được ban hành ngày 11/5. Trong đó, đề nghị Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh chủ động thu hồi quyết định bổ nhiệm ông Ngô Quốc Đạt và ông Hà Mạnh Tuấn. Lý do thu hồi quyết định bổ nhiệm 2 hiệu phó là vì chưa làm đúng quy trình bổ nhiệm cán bộ.

Cụ thể, 2 phó hiệu trưởng là Phó Giáo sư Ngô Mạnh Đạt, Tiến sĩ Hà Mạnh Tuấn được bổ nhiệm vào tháng ba, khi chưa có hiệu trưởng là không đúng với Điểm d, khoản 2, điều 16 của Luật Giáo dục Đại học sửa đổi.

Trường hợp bổ nhiệm ông Hà Mạnh Tuấn không đáp ứng đủ tiêu chuẩn “Đã tham gia quản lý cấp bộ môn hoặc tương đương trở lên ở cơ sở giáo dục đại học (hoặc tương đương) từ 5 năm trở lên”.

Lý giải việc bầu hiệu phó khi chưa có hiệu trưởng, Giáo sư Trần Diệp Tuấn cho biết, ban giám hiệu chỉ có một hiệu phó điều hành là Phó Giáo sư Nguyễn Hoàng Bắc. Ông Bắc điều hành cả nhà trường và bệnh viện Đại học Y Dược, khối lượng công việc rất lớn, cần bổ sung thành viên vào ban giám hiệu để hỗ trợ công việc quản lý với ông Bắc.

Cũng theo ông Tuấn, đây là 2 phó hiệu trưởng được bổ sung để hỗ trợ công việc cho ông Bắc. Khi nào có hiệu trưởng mới, hiệu trưởng sẽ thực hiện giới thiệu lại phó hiệu trưởng.

Từ tháng 7/2020 đến nay, Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh khuyết vị trí hiệu trưởng. Việc bầu hiệu trưởng phải tuân theo quy trình bổ nhiệm cán bộ của Bộ Y tế.

Quy trình đã được Bộ Y tế ban hành nhưng mỗi trường lại hiểu theo mỗi cách khác nhau, không thống nhất, do mô hình hội đồng trường quá mới. Từ thực tế đó, Bộ Y tế cho biết sẽ ban hành quy trình mẫu. Nhà trường đang chờ quy trình mẫu để kiện toàn các vị trí trong ban giám hiệu.

Theo Giáo sư Trần Diệp Tuấn, việc Bộ Y tế đề nghị Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh chủ động thu hồi quyết định bổ nhiệm 2 phó hiệu trưởng khiến nhà trường rơi vào tình trạng hết sức khó khăn. (1)

Chia sẻ về những câu chuyện liên quan đến việc bổ nhiệm cán bộ ở một số trường đại học tự chủ trong thời gian qua, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng: “Lý do là vì chưa có hệ thống hành lang pháp lý đồng bộ, nhất quán, đặc biệt là chưa có một nghị định riêng cho các trường đại học tự chủ.

Hiện nay, việc bổ nhiệm ở các trường đại học tự chủ vẫn phải thực hiện theo văn bản pháp lý áp dụng chung cho các đơn vị sự nghiệp hành chính công lập. Có nghĩa là, các trường đại học tự chủ đang thiếu cơ sở, căn cứ pháp lý cho riêng mình”.

Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, tự chủ đại học là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, được thể hiện qua hàng loạt những nghị quyết, các chỉ thị của Đảng, của Chính phủ.

Tuy nhiên, những nghị quyết, chỉ thị lại không phải là những văn bản có tính chất pháp lý. Ví dụ Nghị quyết 77/NQ-CP thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 - 2017 cũng không phải văn bản pháp lý.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, cần sớm ban hành nghị định riêng cho các trường đại học tự chủ (Ảnh: Tùng Dương)

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, cần sớm ban hành nghị định riêng cho các trường đại học tự chủ (Ảnh: Tùng Dương)

Cho đến thời điểm hiện tại, chỉ có Luật 34/2018/QH14, Nghị định 99/2019/NĐ-CP là những căn cứ pháp lý cho các trường đại học tự chủ.

Mặc dù vậy, việc bổ nhiệm ở các trường đại học tự chủ vẫn đang phải thực hiện theo cả Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức áp dụng đối với các đơn vị sự nghiệp hành chính công lập.

Nghị định 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn việc bổ nhiệm theo một quy trình nhưng Nghị định 115/2020/NĐ-CP lại quy định bổ nhiệm theo một quy trình khác. Chính sự thiếu đồng bộ, nhất quán giữa các văn bản pháp lý khiến quá trình thực hiện, vận dụng trở nên phức tạp hơn, khó khăn khăn hơn.

“Nói vậy để thấy rằng, không phải thực hiện theo Nghị định 115/2020/NĐ-CP là sai. Nhưng Nghị định này lại ban hành cho các đơn vị hành chính sự nghiệp công lập, mà không phải đơn vị sự nghiệp công lập nào cũng giống với các trường đại học tự chủ.

Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập mà không phải là các trường đại học thì không thể theo Luật 34/2018/QH14 , mà phải theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP về Quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

Chính vì thế. các trường đại học cũng cần một nghị định riêng để đảm bảo thực hiện đúng theo tinh thần và nguyên tắc tự chủ”, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến khẳng định.

Nghị định 16/2015/NĐ-CP cũng đã đưa ra yêu cầu phải tiếp tục ban hành các nghị định riêng đối với từng lĩnh vực. Thế nhưng, cho đến bây giờ, ngoài lĩnh vực khoa học công nghệ, không có nghị định nào được ban hành theo từng lĩnh vực cả. Bản thân Nghị định 16/2015/NĐ-CP cũng chưa thực sự đi vào cuộc sống.

Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, hệ thống văn bản pháp lý đang mâu thuẫn, văn bản đã ban hành chung cho các cơ sở hành chính sự nghiệp công lập nhưng không ban hành riêng cho các đơn vị tự chủ.

Trong khi đó, các trường, các cơ sở tự chủ thì cho đến bây giờ vẫn chưa có một văn bản pháp lý riêng biệt nào.

Điều “tréo ngoe” hiện nay là các trường bước vào con đường tự chủ nhưng đang thiếu cơ sở, căn cứ pháp lý cho riêng mình.

Do đó, quy trình bổ nhiệm ở một số trường vẫn gặp nhiều vướng mắc. Cùng một sự việc nhưng nhìn nhận dưới hệ thống văn bản pháp lý khác nhau dẫn tới những kết luận đúng sai khác nhau.

Thậm chí, thực tế đã có những câu chuyện là cùng một hoạt động nhưng khi các đơn vị giám sát kiểm định vận dụng Luật 34/2018/QH14 thì đúng, nhưng vận dụng luật khác như Luật đầu tư công, Luật Công chức viên chức lại sai. Đó chính là vấn đề khó khăn của các trường đại học tự chủ hiện nay.

“Bài toán đặt ra cho cơ quan quản lý nhà nước hiện nay là cần sớm ban hành nghị định riêng cho các trường đại học tự chủ.

Phải hoàn thiện hành lang pháp lý đảm bảo đồng bộ, nhất quán thì tự chủ đại học mới đi vào thực tiễn cuộc sống", Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nhấn mạnh.

Tài liệu tham khảo:

(1) https://zingnews.vn/dh-y-duoc-tphcm-noi-ve-viec-bo-nhiem-2-hieu-pho-post1215513.html

Phạm Minh