Mở rộng cơ chế để giải quyết bài toán học phí cho các trường đại học tự chủ

15/05/2021 06:49
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tự chủ vẫn phải quan tâm quyền lợi của người học, các trường cần cơ chế thoáng hơn trong hợp tác, phát triển để không đổ dồn mọi gánh nặng vào học phí sinh viên.

Thời gian qua, nhiều trường đại học công bố tăng học phí trong năm học 2021 - 2022. Câu chuyện học phí của các trường đại học tự chủ lại trở thành vấn đề “nóng” gây nhiều tranh cãi.

Trong cuộc trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đã chia sẻ những băn khoăn, trăn trở về vấn đề tăng học phí khi thực hiện tự chủ giáo dục đại học:

“Tự chủ đã phần nào “cởi trói”, mở rộng con đường phát triển cho các trường đại học. Tuy nhiên, bước vào cơ chế tự chủ, các trường cũng đối mặt với rất nhiều áp lực! Không còn nguồn chi thường xuyên, nếu chất lượng đào tạo kém, không tuyển sinh được thì sẽ ảnh hưởng đến “nồi cơm” của toàn trường.

Khi không dựa vào ngân sách nhà nước, nếu đổ dồn mọi gánh nặng vào học phí của người học liệu có hợp lý không? Nhưng nếu không tăng học phí, không có nguồn thu thì làm sao để các trường đầu tư, phát triển?”

Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng cho rằng, cần mở rộng cơ chế cho các trường đại học tự chủ hợp tác phát triển, tạo nguồn thu, giảm áp lực học phí cho người học (Ảnh: NEU)

Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng cho rằng, cần mở rộng cơ chế cho các trường đại học tự chủ hợp tác phát triển, tạo nguồn thu, giảm áp lực học phí cho người học (Ảnh: NEU)

Theo Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng, hiện nay, mặt bằng thu nhập của người dân Việt Nam rất chênh lệch. Nhiều người ở thành phố có mức sống tốt và có đủ khả năng chi trả cho con em mình học đại học. Tuy nhiên, với đại đa số bộ phận người dân nông thôn, một sinh viên theo học ở trường tự chủ là điều không dễ dàng. Có những gia đình cả nhà đi làm không đủ nuôi một người con học đại học.

Tăng học phí quá cao vô tình cản trở con đường học tập, cản trở cơ hội thay đổi đổi cuộc đời của nhiều em học sinh.

Với đa số các trường đại học tự chủ, gần như toàn bộ ngân sách phụ thuộc vào học phí, điều này làm tăng thêm gánh nặng với phụ huynh, sinh viên. Nếu chúng ta đi sâu mà tìm hiểu, thời gian qua, có những gia đình kinh doanh khó khăn vì dịch bệnh mà sinh viên phải bỏ học. Thậm chí nhiều em đi làm thêm ngày đêm gây ảnh hưởng rất lớn đến việc học.

“Đó là con dao hai lưỡi, tăng học phí để nâng cao chất lượng giáo dục nhưng cũng sẽ kéo theo những hệ lụy khác. Nhiều sinh viên vì phải lo trang trải cuộc sống để tồn tại trước khi lo đến việc học, để rồi kết quả học tập kém, để rồi bị buộc thôi học…

Một số giải pháp được đưa ra là hỗ trợ từ các nguồn vay ngân hàng. Thế nhưng, nguồn vay này cũng chỉ nhỏ giọt, đôi khi không đáp ứng đủ chi phí học tập cho các em.

Rồi chúng ta nói đến những suất học bổng lớn cho sinh viên nghèo học giỏi nhưng học bổng chỉ dành cho một bộ phận nhỏ trong khi số lượng sinh viên khó khăn còn rất nhiều.

Trong những năm trên cương vị quản lý, tôi luôn trăn trở về câu chuyện này. Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh là một trong 23 trường tự chủ có mức học phí thấp nhất. Để giữ được mức học phí như vậy, nhà trường vừa phải tiết kiệm, vừa tranh thủ đi vận động tài trợ từ các doanh nghiệp, để họ hỗ trợ trang thiết bị thực hành, thí nghiệm, giúp giảm bớt áp lực lên học phí cho sinh viên”, Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng chia sẻ.

Tuy nhiên, giải pháp thực sự cho bài toán học phí là gì? Trên thực tế, việc tăng học phí ở các trường đại học cũng đang chịu ràng buộc từ Nghị định của Chính phủ. Vậy, phải làm sao để các trường đại học có nguồn thu, đầu tư phát triển chất lượng đào tạo mà không chỉ dựa vào học phí?

Theo quan điểm của ông Đỗ Văn Dũng, các trường đại học tự chủ cần được trao nhiều quyền hơn, cần có cơ chế thoáng hơn để tăng cường hợp tác, phát triển và từ đó tăng nguồn thu.

Điều quan trọng là cần hành lang pháp lý đủ rộng để trường đại học tự kinh doanh, phát triển, trường cần có quyền sử dụng tài sản công trong việc hợp tác với các đơn vị, các tập đoàn, công ty bên ngoài.

Tuy nhiên, hiện nay, Luật Tài sản công vẫn còn quy định không được sử dụng tài sản công của Nhà nước để liên kết kinh doanh, điều này đang kìm hãm cơ hội hợp tác, phát triển của các trường.

Đa phần các vấn đề nghiên cứu ở các trường đại học không thể thương mại hóa được ngay, nếu trường được trao quyền, có cơ chế hợp tác với các doanh nghiệp, tập đoàn thì sẽ thúc đẩy hoạt động thương mại. Chính trường đại học cũng sẽ được hưởng lợi từ nguồn thu đó.

Các công ty họ không có đủ nhân lực nghiên cứu, họ có thể tập trung vào việc xây dựng phòng nghiên cứu, đầu tư trang thiết bị nghiên cứu cho trường đại học.

Quá trình hợp tác sẽ tạo ra sản phẩm, lợi nhuận, tạo ra cơ chế đôi bên cùng có lợi, giá trị nhận được từ việc hợp tác với doanh nghiệp sẽ giúp các trường đại học phát triển mạnh mẽ.

“Ở Hàn Quốc, cơ chế tự chủ rất tốt, nó biến các trường đại học trở thành những tập đoàn giáo dục. Tất cả khuôn viên nghiên cứu, phòng nghiên cứu,... của trường đều được các công ty đầu tư xây dựng để hợp tác nghiên cứu.

Và đối với các tập đoàn giáo dục, họ có quyền thuê những chuyên gia từ các nước phát triển làm hiệu trưởng, họ có quyền chọn nhân tài để làm lãnh đạo, quản lý. Vị trí lãnh đạo được chọn gắn với những nhiệm vụ, đặt ra KPI, định mức doanh số bao nhiêu để hoàn thành.

Với những tập đoàn giáo dục ở Mỹ, trường đại học còn thành lập ra công ty kinh doanh, tạo ra nguồn thu lớn để đầu tư trở lại cho giáo dục.

Đó là những cách làm mà giáo dục đại học của chúng ta cần phải học hỏi để nâng cao chất lượng. Cũng là cách để giải quyết bài toán học phí với các trường đại học tự chủ”, Ông Dũng khẳng định.

Cũng theo Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng, tự chủ hiện nay đang khiến các trường đại học rơi vào cơ chế nửa công nửa tư. Một phần trường đại học phải tự lo nhiều chi phí, một phần lại chịu sự ràng buộc của những quy định do vẫn là một cơ sở giáo dục công lập.

Cũng vì vậy, đang có sự bất công giữa các trường đại học tự chủ và các trường đại học chưa tự chủ. Trường tự chủ bị cắt chi thường xuyên và ngân sách đổ dồn cho các trường không tự chủ, trong khi đó, các trường đại học tự chủ đã có những nỗ lực vươn lên mạnh mẽ, tạo ra những đột phá trong phát triển chất lượng giáo dục.

Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng cho rằng, tự chủ đại học vẫn cần có sự hỗ trợ cho các trường, cần có sự quan tâm đến quyền lợi của người học. Muốn vậy, cơ chế, hành lang pháp lý phải đủ rộng và thoáng để các trường có thể vững bước trên con đường tự chủ, đạt được mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đề ra.

Phạm Minh