Sinh viên "kêu trời" vì chuẩn đầu ra đòi hỏi chứng chỉ Tin học, tiếng Anh

22/07/2021 06:57
Thanh Sơn - Vân Ánh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trường tôi có học phần tiếng Anh nhưng vẫn yêu cầu Toeic 450 mới đủ điều kiện ra trường. Rất tốn thời gian và tiền bạc cho chuyện ôn tập, thi cử.

Thời gian qua Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh của nhiều sinh viên về chuyện các em đã hoàn thành học phần Tin học, Ngoại ngữ trong quá trình học tập tại cơ sở giáo dục đại học tuy nhiên điều kiện bắt buộc để được xét và công nhận tốt nghiệp (chuẩn đầu ra) là phải có chứng chỉ tiếng Anh, Tin học tùy vào ngành học, tùy trường mà mức độ khác nhau.

Như vậy cho thấy kết quả học tập các học phần tiếng Anh và Tin học đại cương không được xét công nhận đạt chuẩn đầu ra Năng lực ngoại ngữ và Kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin để ra trường, do đó dù đã hoàn thành toàn bộ các học phần, tín chỉ nhưng các em phải tham gia ôn tập, thậm chí đến các “lò luyện” để có được chứng chỉ mới có cơ hội cầm bằng tốt nghiệp trên tay điều này gây ra lãng phí về thời gian, tiền bạc.

Chia sẻ với phóng viên, Phan Văn Hiệp (Học viện Ngân hàng, Hà Nội) – sinh viên chuẩn bị thi chứng chỉ B1 cho rằng, kiến thức học phần bắt buộc trên trường đã đầy đủ và phù hợp với ngành học, ứng dụng được sau khi tốt nghiệp chứ tài liệu cũng như kỳ thi chuẩn đầu ra chỉ nhằm mục đích đạt được chứng chỉ mà thôi.

“Đối với môn tiếng Anh, nhà trường yêu cầu học hết 4 học phần (bao gồm cả đại cương và chuyên ngành). Còn với Tin học thì đa số sinh viên trong trường đều học 1 học phần là tin học đại cương, trừ những khoa đặc biệt thì có thêm học phần chuyên ngành.

Theo em nghĩ, việc học 4 học phần là đã hoàn thành xong chương trình đối với bộ môn tiếng Anh, nếu không đạt thì sinh viên phải thi lại, học lại chứ không phải ai cũng được “qua” môn do đó việc thi chứng chỉ rất mất thời gian cũng như tiền bạc.

Bởi lẽ, theo khung chương trình đưa ra thì 4 học phần đã đáp ứng đủ kiến thức trong nhà trường, giờ ôn thi B1 tài liệu, kiến thức nằm ngoài chương trình học”, Hiệp thông tin.

Thực tế cho thấy, sinh viên của hầu hết trường đại học đều phải học ngoại ngữ ở trường nếu không có chứng chỉ Ielts hay Toeic phủ điểm. Thế nhưng, sau khi học ngoại ngữ bắt buộc tại trường thì nhiều sinh viên lại tiếp tục đến các lớp luyện thi, ôn thi để thi các bằng có giá trị quốc tế như: Ielts, Toeic,.. làm điều kiện được tốt nghiệp đại học.

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Đơn cử, nói về việc tốt nghiệp đại học, không ít sinh viên tại Học viện Ngân hàng phải tốn thời gian, tiền bạc để lấy có tấm bằng chứng chỉ tin học, ngoại ngữ. Nếu như với khóa tuyển sinh 2018 trở về trước phải bỏ thời gian đi học ôn thi để có chứng chỉ ra trường thì từ khóa tuyển sinh 2019 trở đi được sử dụng kết quả học phần đại cương để thay cho chuẩn đầu ra Tin học, Tiếng anh.

Khi thông tin này được công bố nhiều sinh viên khóa trước đã bày tỏ sự tiếc nuối và cũng như có phần bất ngờ. Một số em chia sẻ: “Quyết định này mà áp dụng cho cả K20 (tức tuyển sinh 2017) thì mình đỡ mất gần 2 triệu đồng. Mình thi lại mấy lần vẫn không qua”…

Nói về việc quyết định được áp dụng cho khóa sau, sinh viên Phan Văn Hiệp (tuyển sinh năm 2018) có chia sẻ thêm: “Nếu quyết định được áp dụng cho cả khóa mình nữa thì tốt quá, vừa tiết kiệm được thời gian cũng như tiền học thêm. Như tôi, đã hoàn thành học phần tiếng Anh ở trường, giờ đang ôn thi chứng chỉ B1 bở hơi tai”.

Trong khi đó, Trần Thúy Hà (sinh viên vừa tốt nghiệp năm 2020) cho biết, bản thân cũng tốn khá nhiều tiền cũng như thời gian để tham gia luyện thi và đi thi để lấy chứng chỉ quốc tế là MOS (Tin học Văn phòng chuẩn Quốc tế do Microsoft trực tiếp cấp) và Toeic (Kỳ thi tiếng Anh giao tiếp quốc tế và chứng chỉ do Viện Khảo thí giáo dục Hoa Kỳ cấp) .

“Với chứng chỉ Tin học, tôi đi ôn thi MOS. Với môn tiếng Anh, dù bản thân có kiến thức nền nhưng tôi vẫn thuê gia sư ôn cho kỳ thi Toeic với mong muốn có được kết quả tốt nhất. Chi phí cho thi 2 chứng chỉ hết 7 triệu đồng”, Hà thông tin.

Trong khi đó, Mạnh Long (sinh viên trường Đại học Xây dựng) chia sẻ: “Trường tôi có học phần Tiếng Anh nhưng vẫn yêu cầu Toeic 450 mới đủ điều kiện ra trường. Trường có tổ chức kì thi Toeic và có công nhận chứng chỉ khi sinh viên thi bên ngoài.

Tuy nhiên, tôi thấy việc học xong chương trình của học phần đó rồi, thi chứng chỉ chỉ có ý nghĩa tốt nghiệp chứ không có giá trị thực tế”.

Cùng chung quan điểm với Long, sinh viên Đường Thị Trang (Trường Đại học Luật Hà Nội) cũng đã hoàn thành chương trình ngoại ngữ bắt buộc tại trường và đang theo học 1 lớp ôn Toeic cho hay:

“Hiện tại, theo tiến trình của trường thì sinh viên bắt buộc phải học 2 học phần ngoại ngữ (tương đương khoảng 5 tín chỉ). Học phần ngoại ngữ có thể lựa chọn tiếng Nga, tiếng Trung hoặc tiếng khác trong khung chương trình đào tạo ngoài tiếng Anh.

Tuy nhiên, học phần bắt buộc này không liên quan gì đến chuẩn đầu ra ngoại ngữ để sinh viên tốt nghiệp. Trong trường hợp sinh viên học ngôn ngữ khác tiếng Anh nhưng nộp chứng chỉ tiếng Anh để xét tốt nghiệp ra trường cũng được. Đa số, sinh viên đều học xong ngoại ngữ ở trường rồi ra ngoài ôn thi Toeic để có bằng ngoại ngữ giá trị hơn. Bản thân tôi cũng đang theo học 1 lớp Toeic khoảng 6 triệu đồng để kỳ tới ra trường được”.

Có thể thấy, sinh viên hoàn thành học phần bộ môn tiếng Anh và Tin học những vẫn phải ôn tập, thi để lấy chứng chỉ làm điều kiện tốt nghiệp đang gây nhiều bất cập dẫn đến việc các em tốn không ít thời gian, tiền bạc.

Mang thông tin này đi trao đổi với một số chuyên gia kỳ cựu của giáo dục đại học thì được cho rằng, rõ ràng sinh viên học theo học chế tín chỉ phải tích lũy tất cả các học phần có trong chương trình, có nghĩa là, sinh viên chỉ phải thi (đạt) một lần cho mọi học phần thuộc chương trình và không phải thi thêm bất kỳ nội dung nào khác ngoài chương trình.

Do đó việc bắt sinh viên phải dự thi cuối khóa để lấy 2 chứng chỉ tin học và ngoại ngữ ( để đạt chuẩn đầu ra) như quy định ở Mục a) Khoản 1, Điều 14 của Quy chế đào tạo 08/2021/TT-BGDĐT là trái với bản chất của học chế tín chỉ, cần loại bỏ sớm.

Được biết, Tháng 3/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT về Quy chế đào tạo trình độ đại học, có hiệu lực từ ngày 3/5/2021, áp dụng đối với các khóa tuyển sinh sau ngày thông tư có hiệu lực thi hành.

Mục a) Khoản 1, Điều 14 của Quy chế đào tạo 08/2021/TT-BGDĐT quy định: Sinh viên được xét và công nhận tốt nghiệp khi có đủ các điều kiện sau:

a) Tích lũy đủ học phần, số tín chỉ và hoàn thành các nội dung bắt buộc khác theo yêu cầu của chương trình đào tạo, đạt chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo.

Thanh Sơn - Vân Ánh