Thầy cô đủ chứng chỉ ngoại ngữ chuẩn châu Âu, trò tốt nghiệp tiếng Anh bét bảng

30/08/2020 06:41
Thanh An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Một kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông nhưng chỉ có 36,87% thí sinh dự thi đạt điểm trên trung bình môn Tiếng Anh đang là một dấu hỏi, một nỗi lo lớn.

Dù kết quả có khả quan hơn các năm trước nhưng điểm thi môn Tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 vẫn thấp hơn hẳn so với các môn thi khác.

Bởi, nhìn vào điểm thi môn Tiếng Anh, chúng ta thấy có tới 63,13% thí sinh có điểm thi dưới trung bình mà đây chỉ là kỳ thi tốt nghiệp, nội dung kiến thức phổ thông và học sinh đã được học liên tục 10 năm về môn học này với số tiết nhiều thứ ba trong chương trình, chỉ sau môn Văn và Toán.

Trong khi, với yêu cầu hiện nay thì công chức, viên chức, đặc biệt là đội ngũ giáo viên phải có chứng chỉ A2 trở lên theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam nhưng các trường đại học chỉ đào tạo, tổ chức thi trong vài tuần lễ là có chứng chỉ.

Nghịch lý ở chỗ kiến thức học chứng chỉ A2, B1, B2… cao hơn nhiều kiến thức thi tốt nghiệp trung học phổ thông và muốn được cấp chứng chỉ thì học viên phải đạt từ 5 điểm trở lên nhưng đa phần người học đều đậu, khác hoàn toàn với kết quả các kỳ thi ở cấp phổ thông.

Việc dạy, học ngoại ngữ và học để có chứng chỉ ngoại ngữ đang tồn tại nhiều bất cập (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại)

Việc dạy, học ngoại ngữ và học để có chứng chỉ ngoại ngữ đang tồn tại nhiều bất cập

(Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại)

Kết quả điểm Tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông vẫn rất đáng lo ngại

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố thì điểm trung bình môn Tiếng Anh năm nay là 4,57 điểm, điểm trung vị là 4,2 điểm, điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 3,4 điểm.

Trong số 749.285 thí sinh dự thì thì có 472.990 bài thi dưới điểm trung bình (chiếm tỷ lệ 63,13%). Đặc biệt, có tới 543 thí sinh bị điểm liệt (chiếm tỷ lệ 0,07%).

Trong số 62 địa phương tham gia kỳ thi (Đà Nẵng chưa thi) thì chỉ có 5 tỉnh (thành phố) có điểm thi trung bình là trên 5,0 điểm.

Địa phương có điểm tiếng Anh cao nhất là Thành phố Hồ Chí Minh (5,853 điểm) và địa phương có điểm trung bình môn thi này thấp nhất là tỉnh Hà Giang (3,233 điểm).

Rõ ràng, một kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông nhưng chỉ có 36,87% thí sinh dự thi đạt điểm trên trung bình môn Tiếng Anh đang là một dấu hỏi, một nỗi lo lớn về hiệu quả dạy và học môn học này.

Bởi lẽ, chương trình hiện hành đưa môn Tiếng Anh vào học bắt buộc từ năm lớp 3 đến lớp 12. Mỗi tuần, học sinh đều đặn học 3 tiết Tiếng Anh, mỗi năm có 105 tiết.

Nếu cộng cả 10 năm học tiếng Anh thì học sinh phổ thông đã học chương trình chính khóa là 1050 tiết trên lớp.

Ngoài ra, đa phần học sinh hiện nay đều học thêm môn Tiếng Anh mỗi tuần 2-3 buổi, nhiều học sinh còn học tiếng Anh từ lớp 1.

Đặc biệt, trong 2 kỳ thi là thi tuyển sinh 10 và thi tốt nghiệp trung học phổ thông thì học sinh đều phải trải qua quá trình ôn tập, luyện thi với một số lượng tiết học khá lớn, nhiều hơn cả học chính khóa trên lớp.

Vậy mà năm nay dù cao hơn các năm trước nhưng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông vẫn có tới 63,13% thí sinh dự thi có điểm dưới trung bình môn Tiếng Anh!

Người lớn học “hiệu quả” hơn nhiều học sinh phổ thông?

Thông thường theo quy luật nhận thức và phát triển của não bộ, tuổi học ngoại ngữ hiệu quả nhất tuổi trẻ, nhất là độ tuổi học sinh.

Thực tế ở Việt Nam chúng ta cũng vậy, học sinh phổ thông thường học ngoại ngữ tốt hơn nhiều người lớn, các em học nhanh hơn, phát âm chuẩn hơn. Điều này thể hiện rất rõ ở các Trung tâm ngoại ngữ khi có người lớn và trẻ em cùng học chung một trình độ.

Nhưng nghịch lý chất lượng dạy học tiếng Anh bậc phổ thông tỉ lệ nghịch với các chứng chỉ ngoại ngữ 6 bậc theo khung tham chiếu châu Âu mà giáo viên phải có để thăng hạng. Chứng chỉ ngoại ngữ nếu học và thi nghiêm túc sẽ khó hơn rất nhiều, ấy vậy nhưng thầy cô nào cần là có dù sắp đến tuổi về hưu, chỉ cần chuẩn bị đủ tiền.

Còn học sinh phổ thông thường có điểm tiếng Anh thấp nhất các môn học, gần như kỳ thi nào thì tiếng Anh cũng có điểm dưới trung bình cao hơn.

Trong kỳ thi tuyển sinh 10, thi trung học phổ thông quốc gia (trước đây) và thi tốt nghiệp trung học phổ thông (năm nay) thì chúng ta cũng thấy môn Tiếng Anh có điểm thấp nhất.

63,13% thí sinh dự thi có điểm dưới trung bình trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay đang phản ánh thực tế giảng dạy và học tập ở các nhà trường phổ thông.

Nói thẳng ra là hiệu quả đào tạo quá thấp, chưa đáp ứng được kỳ vọng và sự đầu tư của Nhà nước và Nhân dân cho việc dạy và học môn Tiếng Anh ở các cấp học phổ thông.

Vậy nhưng, việc đào tạo và cấp chứng chỉ Tiếng Anh những năm qua lại quá dễ dàng, hiện nay dù có khó hơn nhưng việc học chứng chỉ A2, B1 thì đa số người học đều thi đậu (trên 5 điểm).

Rất hiếm học viên thi rớt, nhất là khi các trường đại học liên kết đào tạo cho các địa phương ở các Trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc ký đào tạo với các Sở, Phòng Nội vụ, Giáo dục cho công chức, viên chức học.

Phải chăng não bộ người Việt Nam khác với phần còn lại của thế giới, người lớn học ngoại ngữ “hiệu quả” hơn trẻ em, các kỹ năng “nghe, nói, đọc, viết” tiếng Anh giỏi hơn học sinh phổ thông nên dù học chứng chỉ A2, B1, thậm chí là B2 thì cũng chỉ một vài tuần là được cấp chứng chỉ?

Hay vì người lớn đi học chứng chỉ phải đóng học phí, lệ phí thi bình quân từ 5-7 triệu đồng nên điểm số lớn hơn và đủ điều kiện để cấp chứng chỉ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam?

Chừng nào giáo viên vẫn phải chạy đua với các loại chứng chỉ, trong đó có chứng chỉ ngoại ngữ để giữ vị trí việc làm và đồng lương eo hẹp như hiện nay, chừng đó khó mong cải thiện chất lượng giáo dục, trong đó có môn tiếng Anh.

Thanh An