Tại sao cậu bé lớp 5 dễ dàng 'hạ gục' bốn sinh viên?

25/09/2011 16:52
Câu trả lời là bởi vì " Em tự tin. Em cố gắng điềm đạm và nghĩ mình sẽ chiến thắng”.
Đỗ Nhật Nam - cậu học sinh lớp 5 đã 'hạ gục' bốn sinh viên của các đại học danh tiếng để giành chiến thắng trong cuộc thi tiếng Anh Wordstorm. Vậy tại sao Nam lại dễ dàng “vượt mặt” các sinh viên trên?

Câu trả lời là bởi vì " Em tự tin. Em cố gắng điềm đạm và nghĩ mình sẽ chiến thắng”.

Từ khuôn mặt đến ngoại hình, Nam cũng giống như bao học sinh lớp 5 khác ở cái tuổi còn cắp sách đến trường, nhưng những suy nghĩ của em khiến người ta phải ngạc nhiên.

Khi được hỏi tại sao, trong cuộc thi tiếng Anh Wordstorm do CLB nói tiếng Anh GALEC tổ chức, Nam có thể trả lời câu hỏi nhuần nhuyễn như vậy, cậu bé lớp 5 trả lời: “Đó là do em đã cố gắng hết mình”.

“Em đã đọc một số bài đọc về án tử hình và suy nghĩ rằng án tử hình trong một số trường hợp nào đó, xét về mặt con người và xã hội có vẻ hơi tàn nhẫn, thậm chí không có tác dụng răn đe và không được chấp nhận cho lắm”, Nam lý giải về câu trả lời của mình.

“Từ suy nghĩ của riêng em và ý kiến của một số nhà làm luật qua những thông tin em đọc được, em thấy tử hình là loại án không tốt và không nên thực thi”, Nam nói tiếp.

Tại cuộc thi nói tiếng Anh Wordstorm, Nam đã vượt qua gần 100 thí sinh để lọt vào vòng chung kết. Khi cậu bé lớp 5 xuất hiện tại vòng thi với các sinh viên ĐH Ngoại thương, ĐH Hà Nội và Học viện Ngân hàng, nhiều người nghĩ rằng đó là cuộc đấu không cân sức.
“Em cũng đã trải qua một số cuộc thi với các anh chị lớn hơn nhưng em vẫn thấy hơi run. Em nghĩ kết quả em đạt được là do nỗ lực của em nhưng em cần cố gắng hơn nhiều”, Nam chia sẻ.

Nam đã xuất sắc giành được giải nhất của cuộc thi nói tiếng Anh Wordstorm. Bên cạnh kiến thức tiếng Anh tương đối, em còn được ban giám khảo cuộc thi đánh giá là trình bày tốt, ý kiến sát thực và yếu tố giúp em “ăn điểm” là cử chỉ điệu bộ và phong cách thuyết trình.

Kết quả này đã khiến gia đình Nam bất ngờ. Chị Hồ Điệp, mẹ của Nam cho biết, Nam đã “lẳng lặng” đăng ký dự thi Wordstorm và gia đình hoàn toàn bất ngờ khi nhận được thông báo về kết quả của Nam.

Sở dĩ, Nam có được kết quả này là do cậu bé tiếp xúc với tiếng Anh từ khá sớm. Ngay từ khi học lớp 1, gia đình đã nhận thấy Nam có năng khiếu tiếng Anh rất tốt.

Năm lớp 2, Nam đã thi đỗ chứng chỉ Starter của ĐH Cambridge, đồng thời hoàn thành chứng chỉ Mover với số điểm tuyệt đối 15/15.

Đồng thời, tại kỳ thi TOEIC do hội đồng thi Anh ngữ London tổ chứ, Nam đã lập kỷ lục khi giành số điểm cao nhất: 650 điểm.

Đặc biệt, cũng khi còn học lớp 2, cậu bé đã được ghi tên vào sách kỉ lục Guinness Việt Nam với danh hiệu Dịch giả nhỏ tuổi nhất cho cuốn sách Sun up, sun down - The story of day and night (Mặt trời mọc, mặt trời lặn - Câu chuyện của ngày và đêm) của Thai Ha Books.

Nổi tiếng với kỹ năng hùng biện tiếng Anh “siêu đỉnh” song cậu bé 10 tuổi chưa bao giờ học quá 21 giờ tối.

“Một ngày của Nam cũng giống như nhiều bạn nhỏ khác. Buối sáng và buổi chiều Nam đi học. Đi học về, Nam chơi thể thao với bố, sau đó tẳm rửa và ăn cơm và học bài. Mỗi buổi tối Nam dành ra 20 phút viết bài luận Tiếng Anh và chỉ học đến 21 giờ là nghỉ”, chị Hồ Điệp cho biết thêm.

Niềm đam mê thích của Nam là đọc sách và nghiên cứu các loại sách bằng tiếng Anh. Ngoài ra, em cũng thường xuyên theo dõi tin tức trên các kênh truyền hình như CNN, BBC, National Geographic, Bloomberg…

Ước mơ sau này của Nam là trở thành nhà sinh học, nghiên cứu tìm hiểu về gen di truyền và ảnh hưởng tác động của môi trường đối với các loài thủy sinh.

“Nam đặc biệt thích xem National Geographic và sau này ước mơ trở thành nhà sinh học mặc dù trước đó, Nam đã dự định trở thành nhà ngoại giao, giảng viên đại học, doanh nhân giỏi như Bill Gates…”, chị Điệp bật mí.

Nam luôn coi thần tượng lớn nhất của đời là bố em. Bố Nam hiện đang công tác tại ĐH Sư phạm Hà Nội.

Hiện tại, song song với công việc học tập ở trường, Nam đang tiếp tục dịch cuốn sách thứ hai cho Thai Ha Books. Bên cạnh đó, em đang quyết tâm, dồn sức ôn tập để đạt điểm cao khi dự TOEFL Ibt – chương trình thi trực tuyến, phức tạp yêu cầu thí sinh phải có kỹ năng cao về nghe, nói và viết.