Thầy cô cứ làm đúng trách nhiệm của mình thì sợ gì camera trong lớp học

13/10/2019 07:32
NGUYỄN NGUYÊN
(GDVN) - Nếu giáo viên chuẩn mực về đạo đức, có phương pháp dạy học tốt, luôn hết mình vì công việc, vì học sinh thì sợ gì camera, sợ gì những lời đàm tiếu.

Ngay sau khi một cô giáo chủ nhiệm ở thành phố Hồ Chí Minh bị camera “giấu kín” của phụ huynh quay lại một số hình ảnh bạo hành học trò và phát tán trên mạng xã hội thì dư luận đã có 2 luồng ý kiến khác nhau.

Nhiều ý kiến tán đồng việc lắp camera trong lớp học nhưng cũng nhiều ý kiến không đồng tình, thậm chí có người còn gọi việc lắp camera trong lớp học sẽ là “nhà tù không song sắt”.

Tuy nhiên, nếu giáo viên chuẩn mực về đạo đức, có phương pháp dạy học tốt, luôn hết mình vì công việc, vì học sinh thì sợ gì camera, sợ gì những đàm tiếu của xã hội đến với mình.

Lắp camera trong lớp học sẽ hạn chế tối đa những điều không phù hợp của cả thầy và trò (Ảnh minh hoạ: //thcsnguyenthainhu.doluong.edu.vn)

Lắp camera trong lớp học sẽ hạn chế tối đa những điều không phù hợp của cả thầy và trò

(Ảnh minh hoạ: //thcsnguyenthainhu.doluong.edu.vn)

Chúng ta biết rằng, khi thực hiện bất kỳ một công việc nào cũng đòi hỏi con người phải thực sự bình tĩnh, tự tin, khéo léo, xử lý công việc phù hợp và mang lại hiệu quả nhiều nhất.

Đối với nghề dạy học thì yêu cầu này lại càng cao hơn. Nhất là trong bối cảnh hiện nay đã có rất nhiều thay đổi và đòi hỏi cao hơn ở nghề dạy học thì người thầy lại càng phải cố gắng để vượt qua được những áp lực trong công việc của mình một cách tốt nhất.

Những khó khăn mà người thầy phải đối mặt hàng ngày

Người xưa từng nói: “Nhất qủy, nhì ma, thứ ba học trò” nhưng qủy, ma như thế nào thì có lẽ các thầy cô chưa có ai gặp phải nhưng một bộ phận học trò không chịu học bài, quậy phá, nghịch ngợm thì giáo viên lại gặp hàng ngày.

Nhất là một số học sinh hay nghịch ngợm lại rất tinh vi, biết che giấu và bao che những trò quậy phá của mình và của các bạn trong lớp.

Hiện tượng học sinh ngày nay không thuộc bài cũ không phải là trường hợp hiếm. Nhiều em kiểm tra đến nhiều lần vẫn thản nhiên ngồi tại chỗ trả lời “không thuộc”. Thậm chí có học sinh còn nộp giấy trắng trong giờ kiểm tra định kỳ cho thầy cô.

Trong khi qui định của ngành là phải vào điểm đúng theo thời gian, đúng với số cột điểm qui định. Vì vậy, một số em không hoàn thành nhiệm vụ của mình dễ khiến giáo viên nổi giận.

Thực tế, trong các trường học vẫn có những học sinh tỏ vẻ bất cần, ương ngạnh, nếu người thầy không thấu hiểu, ít quan tâm đến hoàn cảnh, tính cách của học sinh là gặp vô vàn khó khăn trong quá trình đứng lớp.

Thầy cô cứ làm đúng trách nhiệm của mình thì sợ gì camera trong lớp học ảnh 2Góp tiền lắp camera, phụ huynh chúng tôi đồng ý ngay!

Trong khi đó thì chỉ tiêu thành tích  mà nhà trường giao cho đầu năm và phụ huynh cũng kỳ vọng vào những thầy cô của con mình. Vì thế, nhiều khi thấy học sinh không chịu học bài, không có động lực học tập thì thầy cô không giữ được bình tĩnh, buông lời chửi bới hoặc vung thước đánh học trò.

Nhưng, chỉ cần giáo viên không giữ được bình tĩnh, chửi mắng học trò, đánh học trò mà bị phản ánh lên trên thì người thầy thường bị kỷ luật. Nhẹ thì nhắc nhở, khiển trách, cảnh cáo, nặng thì đuổi việc. Nhiều thầy cô bị đuổi khỏi ngành, bị chuyển công tác trong những năm qua đã minh chứng cho điều này.

Thầy cô nào sợ lắp camera trong lớp?

Dạy học thời nào cũng khó bởi đó là dạy người. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay càng khó khăn hơn do một số học sinh được nuông chiều quá mức. Nhưng, không phải vì thế mà giáo viên phải bất lực trước học trò. Người thầy giỏi là người biết cảm hóa, thuyết phục những học trò ngỗ ngược nhất cũng phải thay đổi tính nết.

Chính vì vậy, những thầy cô giáo có chuyên môn tốt, có năng lực sư phạm, không vụ lợi, không làm trái với đạo đức người thầy thì không bao giờ sợ camera trong lớp học. Vậy, những thầy cô nào ngại khi trong lớp học được lắp camera?

Thứ nhất là những thầy cô giáo mà yếu về chuyên môn, có những cách hành xử không phù hợp với học trò. Vì yếu chuyên môn, phương pháp giảng dạy chưa tốt mới để cho học sinh trong lớp ồn, thầy nói mà học sinh không nghe lời.

Trong khi đó, theo quy định thì cấp tiểu học là 35 học sinh/ lớp, cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông là 45 học sinh/lớp. Nhưng thực tế có những nơi đông hơn quy định rất nhiều. Chừng ấy chục học sinh mà thầy cô không giảng bài hoặc giảng không hay, không thuyết phục thì học trò nói chuyện, quậy phá là điều không thể nào tránh khỏi.

Thứ hai là những giáo viên dạy thêm ở nhà nhiều nên đến lớp chỉ giảng qua qua loa rồi ra bài tập cho học sinh làm, sau đó lại yêu cầu học sinh khá giỏi, học sinh đã học thêm với mình chữa bài tập. Còn giáo viên thì đi làm việc khác.

Thứ ba là những giáo viên ngại đứng giảng. Hiện nay cũng có một số thầy cô lên lớp thường cứ ngồi ở bàn giáo viên để giảng rồi đọc cho học trò chép. Có camera thì tất nhiên chuyện ngồi như vậy là không ổn chút nào.

Thứ tư là giáo viên hay bạo hành, ít thấu hiểu học trò. Khi học trò có hành vi sai trái, thay vì tìm hiểu, thay vì nhắc nhở, uốn nắn thì lại vung tay, vung thước đánh học trò.

Thứ năm là một số giáo viên nghiện điện thoại di động và bán hàng online. Trong giờ dạy, trong giờ kiểm tra đều có thể tranh thủ ngồi chơi game, lướt Facebook, zalo, trả lời khách hàng...

Thầy cô đừng ngại camera trong lớp học

Thầy cô cứ làm đúng trách nhiệm của mình thì sợ gì camera trong lớp học ảnh 3Nếu bí mật lắp camera trong lớp sẽ còn nhiều giáo viên bị đuổi dạy

Câu chuyện lắp camera trong lớp học không phải là chuyện xa lạ trong thời điểm hiện tại. Nhiều trường học họ đã gắn và thực tế đây vẫn là kênh giám sát tốt cho công việc dạy và học của cả thầy với trò ở trong lớp học.

Những thầy cô nào đã từng đi chấm thi tuyển sinh 10, chấm thi trung học phổ thông quốc gia thì chuyện camera không có gì xa lạ. Áp lực chấm thi là vậy mà cũng có sao đâu, thậm chí là công việc còn làm hiệu quả và trách nhiệm cao hơn rất nhiều.

Trong khi, lớp học thì mỗi lớp chỉ có 1 thầy cô giảng dạy, thầy cô luôn làm chủ được tình hình lớp học cơ mà. Có những cái lạ ban đầu rồi cũng sẽ quen dần, áp lực thì cũng chỉ là vài ngày đầu rồi mọi thứ sẽ đi vào quy củ cả thôi.

Bây giờ, đến với các cơ quan, công sở, các bệnh viện, các xưởng làm việc của công nhân cũng đều có camera đó thôi. Họ vẫn làm tốt công việc của mình và mỗi khi có sự cố thì chính những hình ảnh camera ghi lại là bằng chứng tốt nhất.

Trong ngành giáo dục hiện nay có hơn 1 triệu giáo viên đang công tác, đa phần các thầy cô vẫn đang cháy hết mình cùng học trò, đang làm trọn thiên chức của một người đứng lớp.

Thế nhưng, thực tế vẫn có một số ít thầy cô chưa tốt, chưa có kỹ năng, phương pháp truyền đạt hiệu quả cho học trò, chưa quản lý học trò tốt thì mới xảy ra sự cố.

Vì vậy, những chiếc camera sẽ giúp cho Ban giám hiệu nhà trường quản lý việc dạy và học được tốt hơn. Những hành vi chưa phù hợp trong môi trường sư phạm sẽ được góp ý, điều chỉnh kịp thời. Và, tất nhiên là giáo viên cũng nâng cao được trách nhiệm của mình.

Những chiếc camera còn giúp cho một số thầy cô biết dừng lại trước những hành vi nóng nảy của mình. Vậy, cớ gì mà thầy cô phải ngại camera trong lớp học làm gì?

Chúng tôi cho rằng việc lắp camera trong lớp học không phải là “nhà tù không song sắt” mà lắp để thực hiện công việc được tốt hơn cho cả thầy và trò.

Hơn nữa, thầy cô cũng nên hiểu là không thể bắt tất cả học trò trong lớp đều ngoan, đều giỏi bởi đó là điều không tưởng. Vì thế, phải có nhiều biện pháp cho từng nhóm học trò khác nhau.

Thầy cô cứ làm tốt công việc của mình, cứ hết lòng vì học trò sẽ được học trò tôn trọng và tất nhiên sẽ không có học trò chống đối hay có những lời xấc xược với mình.

NGUYỄN NGUYÊN