Thi học sinh giỏi đã được dư luận quan tâm, đánh giá nhiều trong thời gian qua. Nhiều ý kiến cho rằng ngành giáo dục cần bỏ thi học sinh giỏi các lớp, các cấp.
Một thầy giáo (đề nghị không nêu tên) là chuyên gia bồi dưỡng học sinh giỏi môn Hóa học trung học cơ sở chia sẻ: “Nếu lấy những đề thi học sinh giỏi của 15 năm trước so với đề thi học sinh giỏi năm nay chúng ta sẽ thấy một trời, một vực về kiến thức.
Độ khó của đề cứ tăng lên theo thời gian. Nếu lấy đề 15 năm trước cho học sinh đang luyện thi năm nay làm, gần như các em đạt điểm tuyệt đối.
Bất cập nhất của đề thi học sinh giỏi chính là lấy nội dung, kiến thức của lớp trên, cấp học sau đưa xuống lớp dưới.
Người ra đề “sáng tạo”, ra theo kiểu đố thầy em giải được, vì vậy mới có hiện tượng “Thí sinh 1-1,5 điểm vẫn đạt học sinh giỏi cấp huyện”.
Nội dung, kiến thức đề quá khó, không phát huy được năng lực trí tuệ cho học sinh, chỉ đẻ thêm việc dạy thêm, dạy trước chương trình”.
(Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: hanomoi.com.vn) |
Tại sao thi học sinh giỏi là nguồn cơn của dạy thêm?
Đề thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh môn nào thường được coi là “chỉ đạo chuyên môn” của môn đó, để các tổ bộ môn trong trường, trong huyện hướng đến.
Vì thế, để có học sinh giỏi cho trường mình, buộc giáo viên phải “phát hiện và bồi dưỡng nhân tài” càng sớm càng tốt, tiến hành “nuôi” ngay trong nghỉ hè.
Ngân sách nhà trường không có để “bồi dưỡng nhân tài”, vì thế gia đình phải “xã hội hóa” kinh phí “bồi dưỡng nhân tài” cho con em mình ở các lớp học thêm.
Nghe thầy cô bảo con em mình thuộc dạng có khả năng “bồi dưỡng nhân tài”, gần như ít phụ huynh nào đủ tự tin từ chối.
Cứ thế, “gà chọi” được đào tạo từ lớp 6, nếu cứ ra đề mức độ như năm ngoái làm sao mà phân loại, chọn học sinh giỏi? Cứ thế độ khó ngày càng tăng.
Đề học sinh giỏi toán cấp huyện, nhưng có những câu cả thầy cô tổ toán không giải được!
Không ít giáo viên lại mượn đề thi học sinh giỏi cho vào phần “vận dụng cao” của đề kiểm tra để “khích lệ”, thưởng cho học sinh đi học thêm.
Bên cạnh đó, những “cây đa cây đề” lại viết sách, bán chuyên đề, dạy tủ, học tủ. Những lò luyện “gà nòi” cứ thế nhồi nhét cho học sinh, học sinh chỉ biết làm ba việc, thứ nhất là học, thứ hai là học, thứ ba là làm hai việc trên.
Thế mới có chuyện học sinh nọ tâm sự “ăn toán, ngủ toán, đi toán, đứng toán... toán”.
Như một vòng luẩn quẩn tỷ lệ thuận, độ khó đề thi học sinh giỏi ngày càng tăng thì học sinh học thêm càng nhiều.
Thi học sinh giỏi đã bộc lộ nhiều tiêu cực, một giáo viên có thể đóng ba vai, từ ra đề, bồi dưỡng, giám khảo...
Chính thi học sinh giỏi là một tác nhân gây bệnh thành tích, đang gặm nhấm giáo dục. Nhưng nguy hại hơn, học sinh chỉ biết học làm “thợ giải bài”, thiếu kỹ năng sống, thiếu trải nghiệm sẽ thất bại sau khi rời ghế nhà trường, dù quá khứ là học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, cấp ... quốc gia.
Với mục tiêu chương trình giáo dục 2018:
Chương trình giáo dục trung học cơ sở giúp học sinh phát triển các phẩm chất, năng lực đã được hình thành và phát triển ở cấp tiểu học; tự điều chỉnh bản thân theo các chuẩn mực chung của xã hội; biết vận dụng các phương pháp học tập tích cực để hoàn chỉnh tri thức và kỹ năng nền tảng; có những hiểu biết ban đầu về các ngành nghề và có ý thức hướng nghiệp để tiếp tục học lên trung học phổ thông, học nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động.
Chương trình giáo dục trung học phổ thông giúp học sinh tiếp tục phát triển những phẩm chất, năng lực cần thiết đối với người lao động, ý thức và nhân cách công dân; khả năng tự học và ý thức học tập suốt đời; khả năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân để tiếp tục học lên, học nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động; khả năng thích ứng với những đổi thay trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp mới.
Đã đến lúc nên bỏ thi học sinh giỏi, ít nhất là bậc trung học cơ sở, càng sớm càng tốt để khỏi “di căn” sang chương trình giáo dục mới đang triển khai hiện nay.
Tài liệu tham khảo:
https://doanhnghiepvn.vn/tin-tuc/thi-sinh-1-1-5-diem-van-dat-hoc-sinh-gioi-cap-huyen/20191113094616355
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả.