Qua 7 tháng phát động, Cuộc thi viết “Sống Đẹp – Sống Xanh” năm 2024, Ban Tổ chức đã nhận được gần 1800 bài dự thi của học sinh, sinh viên, thầy, cô giáo, chuyên gia,.. cùng các tác giả tự do đến từ 63 tỉnh thành trên cả nước. Trong đó, số lượng người dự thi nhiều đến từ Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Cao Bằng, Điện Biên, Thanh Hóa, Nghệ An, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Sóc Trăng, Cà Mau, Quảng Bình, Thành phố Huế, Quảng Nam, Bình Thuận, Lâm Đồng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Long An, Kon Tum, Bình Định, Vĩnh Long, Quảng Trị, Trà Vinh, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu… (tên tỉnh thành trước khi sáp nhập).

Nhiều sở giáo dục và đào tạo cũng có công văn phối hợp hưởng ứng, phổ biến, triển khai đến các trường học trên địa bàn tham gia viết bài dự thi Cuộc thi viết Sống đẹp - Sống xanh do Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức như: Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Cần Thơ, Ninh Bình, Điện Biên…

Tác giả nhỏ tuổi nhất có em mới chỉ học lớp 2 như em Nguyễn Ngọc Bảo Vy - học sinh lớp 2 Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chính, Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, nhiều thầy cô giáo đã về hưu cũng tích cực gửi bài tham dự.

Nhiều đơn vị trường học đã phát động cho toàn thể các khối lớp của nhà trường tham gia, mỗi lớp đều có đại diện tác giả gửi bài dự thi. Đặc biệt có trường tới hơn 100 bài dự thi gửi về Ban Tổ chức.

gdvn-2.png
Nhiều bài dự thi đã lan tỏa những câu chuyện về sống đẹp - sống xanh trong cộng đồng.

Có thể kể đến một số đơn vị tiêu biểu như: Trường Trung học phổ thông Tây Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh (hơn 100 bài); Trường Trung học cơ sở Nguyễn Thị Hương, Thành phố Hồ Chí Minh (65 bài); Trường Trung học phổ thông Lê Thị Hồng Gấm, Thành phố Hồ Chí Minh (64 bài); Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, Lâm Đồng (52 bài); Trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Tất Thành, Kon Tum (43 bài); Trường Trung học phổ thông Thạnh Lộc, Thành phố Hồ Chí Minh (30 bài); Trường Trung học cơ sở Thới Hòa, Cần Thơ (29 bài); Trường Trung học cơ sở Nguyễn Duy, Thành phố Huế (28 bài); Trường Trung học cơ sở Thới Bình, Cần Thơ (27 bài); Trường Trung học cơ sở Nguyễn Bỉnh Khiêm, Thành phố Hồ Chí Minh (26 bài); Trường Trung học cơ sở số 1 Đồng Sơn, Quảng Bình (24 bài); Trường Tiểu học Vĩnh Lộc 2, Thành phố Hồ Chí Minh (22 bài); ...

Ban Tổ chức đã chọn ra những bài viết đáp ứng được tiêu chí, thể lệ của cuộc thi đăng tải trên chuyên mục “Sống đẹp” của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam. Tính từ tháng 11/2024 phát động cuộc thi và mở chuyên mục “Sống đẹp” trên trang tới ngày 9/7/2025, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải 210 bài viết.

gdvn-1-6706.jpg
Ban giám khảo vòng chung khảo Cuộc thi viết Sống đẹp - Sống xanh năm 2024.

Các bài viết đã chia sẻ những câu chuyện, góc nhìn, tích cực nhằm xây dựng thế hệ trẻ Việt Nam văn minh, có đủ tố chất là công dân toàn cầu, giữ gìn bản sắc Việt Nam; những tấm gương trong việc bảo vệ môi trường xanh và phát triển bền vững của trái đất; những tấm gương có khát vọng cống hiến, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ. Nhiều tác giả cũng đưa ra các ý kiến, giải pháp, góp ý trong việc giáo dục – đào tạo thế hệ trẻ Việt Nam về sống đẹp - sống xanh, đón chào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Có thể kể đến một số bài viết chia sẻ câu chuyện chuyển đổi xe xăng sang xe điện của một giáo viên dạy môn Toán tại Trường Trung học phổ thông Phan Đình Phùng (Hà Nội); Phụ huynh khuyến khích con cái sử dụng phương tiện "giao thông xanh" để nâng cao trách nhiệm với môi trường và cộng đồng hay góc nhìn về Sống đẹp - Sống xanh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Nhiều thầy cô giáo cũng chia sẻ lại hành trình gieo chữ ở vùng cao, công tác thiện nguyện, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó cũng có những câu chuyện giản dị, đời thường được các bạn học sinh kể lại khi tận mắt chứng kiến hành động đẹp của những người xung quanh.

gdvn-2-1110.jpg
Các giám khảo đã phải mất nhiều thời gian để lựa chọn ra tác phẩm xuất sắc nhất.

Những tấm gương Sống đẹp - Sống xanh được lan tỏa như câu chuyện về cô gái bại não vượt nghịch cảnh, từng bước tốt nghiệp đại học, giành học bổng du học của tác giả Nguyễn Trần Thanh Trúc; hay câu chuyện về người thợ sửa xe 58 tuổi sau thời gian đạp xe qua những tuyến đường thấy nhiều xe bị thủng lốp do cán phải đinh, sắt nhọn đã nảy ra ý tưởng chế tạo một chiếc xe xích lô đặc biệt có gắn thanh nam châm dài 1 mét ở phía trước để hút đinh, sắt trên đường, giảm mối nguy hại cho bà con của tác giả Nguyễn Thị Yến. Câu chuyện về cô giáo có nhóm máu hiếm đã hiến máu 21 lần và 2 lần hiến tiểu cầu với mong muốn gieo thêm sự sống cho cộng đồng như một lời hứa âm thầm với người anh đã khuất.

Bên cạnh đó cũng có những bài viết thể hiện sáng kiến lan tỏa lối sống xanh của học sinh phổ thông. Trong đó có thể kể đến bài viết của tác giả Trần Thành Vinh - Học sinh lớp 11A8 Trường Trung học phổ thông FPT Đà Nẵng với ý tưởng sử dụng phương tiện giao thông công cộng hoặc đi xe đạp, xe điện thay vì ô tô riêng dùng xăng...; Nhóm tình nguyện viên lan tỏa sống đẹp – sống xanh ở miền quê Hải Dương của tác giả Đinh Hoàng Phúc.

gdvn-1-9.jpg
Giám khảo vòng chung khảo - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng (VUSTA), Chủ tịch Hội Nữ Trí thức Thành phố Hà Nội - Phó chủ tịch Hội Nữ Trí thức Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khoá XIII.

Ngoài ra, còn có câu chuyện các bạn học sinh xây dựng những câu lạc bộ xanh nhặt rác, xử lý đồ tái chế, tổ chức các chương trình “Ngày hội đổi rác lấy quà”, “Ngày hội đổi nhựa lấy cây”, phân loại rác tại nguồn, sử dụng năng lượng tái tạo và hạn chế rác thải nhựa, các chiến dịch làm sạch môi trường, gây quỹ bảo vệ thiên nhiên.

Những giải pháp về bảo vệ môi trường, gắn với giáo dục STEM, xây dựng mô hình trường học xanh cũng được các nhà trường triển khai để giáo dục học sinh nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường.

Đồng thời cũng có những bài học về sống đẹp, sống xanh được thầy cô giáo lan tỏa tại trường học, những giờ thực hành trồng cây xanh, trồng rau... hay bài học về cách sống đẹp từ việc giao tiếp văn minh lịch sự "đi đến nơi nào lời chào đi trước" của cô giáo Trần Thị Kiên Thăng - Giáo viên Trường Tiểu học Đuốc Sống, Thành phố Hồ Chí Minh...

Ban Tổ chức đã mời những chuyên gia uy tín trong lĩnh vực giáo dục và môi trường trực tiếp chấm chọn ra các tác phẩm xuất sắc nhất.

Giám khảo vòng chung khảo gồm: Nhà báo Nguyễn Tiến Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng (VUSTA), Chủ tịch Hội Nữ Trí thức Thành phố Hà Nội - Phó chủ tịch Hội Nữ Trí thức Việt Nam; Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn kinh tế Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khoá XIII; Ông Dương Trung Quốc - nhà nghiên cứu lịch sử, Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, XIII, XIV; cố vấn biên soạn nội dung cho nhiều chương trình truyền hình.

gdvn-1-6.jpg
Giám khảo vòng chung khảo - ông Dương Trung Quốc, nhà nghiên cứu lịch sử, đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, XIII, XIV; cố vấn biên soạn nội dung cho nhiều chương trình truyền hình.

Qua vòng sơ loại, chung khảo, Ban Tổ chức đã tìm ra các tác giả xuất sắc nhất giành giải Nhất, Nhì, Ba của cuộc thi dựa trên tổng hợp điểm chấm khách quan từ Ban giám khảo chung khảo. Cụ thể như sau:

Giải Nhất: Bài dự thi “Nhóm tình nguyện viên lan tỏa sống đẹp – sống xanh ở miền quê Hải Dương” của tác giả Đinh Hoàng Phúc - Học sinh lớp 12K Trường Trung học phổ thông Đường An, tỉnh Hải Dương (nay là Thành phố Hải Phòng).

Giải Nhì: 02 bài viết có điểm cao tiếp theo được tổng hợp từ điểm của Ban giám khảo vòng chung khảo lần lượt thuộc về các tác giả:

Tác giả Lê Thị Thúy - Học sinh lớp 12A4, Trường Trung học phổ thông Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng với bài viết: Hành trình “Xanh - Sạch - Đẹp cùng 12A4” và sự gắn kết người trẻ hành động;

Tác giả Đỗ Trang Linh - Sinh viên Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội với bài viết: Tôi được truyền cảm hứng về khát vọng cống hiến từ tỷ phú Phạm Nhật Vượng.

Giải Ba: 03 bài viết có điểm cao tiếp theo được tổng hợp từ điểm của Ban giám khảo vòng chung khảo lần lượt thuộc về các tác giả:

Tác giả Đinh Thị Khánh Vy - Học sinh lớp 7D, Trường Trung học cơ sở Vĩnh Hồng, tỉnh Hải Dương (nay là Thành phố Hải Phòng) với bài viết: “Bố dạy em sống có ước mơ từ chuyện người thật việc thật của bác Phạm Nhật Vượng”;

Tác giả Nguyễn Thị Thanh Tuyền - Học sinh lớp 10C5 Trường Trung học phổ thông Tây Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh với bài viết: “Thầy Hiệu trưởng Trường THPT Tây Thạnh truyền cảm hứng sống xanh đến học trò”;

Tác giả Nguyễn Thị Yến - Giáo viên Trường Trung học cơ sở Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh với bài viết: “Người thợ sửa xe mang trái tim thiện lương”.

Cơ cấu giải thưởng Cuộc thi viết "Sống Đẹp - Sống Xanh" năm 2024:

Giải Nhất: 1 xe máy điện VinFast Motio (kèm pin) và suất học bổng trị giá 10 triệu đồng.

2 giải Nhì: mỗi giải 1 xe máy điện VinFast Motio (kèm pin) và suất học bổng trị giá 5 triệu đồng tiền mặt.

3 giải Ba: mỗi giải 1 xe máy điện VinFast Motio (kèm pin) và suất học bổng trị giá 2 triệu đồng tiền mặt.

Giải đồng hạng: 600 Voucher Sống đẹp - Sống xanh – trị giá 1 triệu đồng/ voucher để mua bất kỳ dòng xe máy điện nào của VinFast (Thời hạn sử dụng voucher: Từ 01/02/2025 - 30/9/2025) dành cho 600 tác giả có bài viết được Ban tổ chức xét qua vòng sơ loại (danh sách tác giả đạt giải đã được Ban Tổ chức công bố).

Nhật Lệ