Thi tuyển sinh 10 có cần thiết phải nhiều môn và nhân điểm hệ số 2 hay không?

16/01/2020 10:57
THANH AN
(GDVN) - Chỉ cần tổ chức thi nghiêm túc, gọn nhẹ và bình đẳng cách tính điểm các môn thi là đương nhiên các trường sẽ lựa chọn được những học sinh tốt nhất vào lớp 10.

Kỳ thi tuyển sinh 10 hiện nay chỉ trừ một số trường nội thành ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có tỉ lệ chọi khá cao còn các trường, các địa phương khác thường có tỉ lệ chọi thấp.

Một số trường chỉ cần học sinh không bị điểm liệt là tuyển như năm học 2019-2020 vừa qua đã được báo chí phản ánh khá nhiều.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy thi tuyển sinh 10 ở một số địa phương vẫn còn rất nặng. Đó là tình trạng thi nhiều môn và đặc biệt điểm một số môn thi nhân điểm hệ số 2 dẫn đến tính hên xui cho thí sinh khá cao.

Tổ chức thi nhẹ nhàng, nghiêm túc vẫn tuyển được những em tốt nhất vào lớp 10 (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại)

Tổ chức thi nhẹ nhàng, nghiêm túc vẫn tuyển được những em tốt nhất vào lớp 10 (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại)

Có nên thi nhiều môn thi trong kỳ thi tuyển sinh 10?

Thực tế, thi tuyển sinh 10 là rất dễ tính số lượng dự thi và trúng tuyển bởi số lượng học sinh lớp 9 của các Phòng Giáo dục rất cụ thể và báo cáo về Sở. Đến giữa học kỳ II là các địa phương đã cho học trò đăng ký sơ bộ để nắm số lượng học sinh dự thi.

Số lượng tuyển vào cấp Trung học phổ thông thì Sở đã đưa ra số liệu tuyển cụ thể. Vì vậy, sự xáo trộn về số lượng thi và số thí sinh trúng tuyển vào các trường là không xảy ra.

Một khi Sở và nhà trường chủ động trong thi tuyển thì việc tăng thêm nhiều môn thi sẽ khiến cho học học sinh mệt mỏi và phụ huynh sẽ tốn kém hơn rất nhiều.

Trường nào cũng sợ học sinh mình rớt nhiều, không đảm bảo chỉ tiêu, thua các trường bạn nên sang học kỳ II là nhiều trường học dạy tăng tiết chính khóa và tổ chức dạy thêm cho học sinh.

Càng nhiều môn thì đương nhiên học sinh phải học thêm nhiều.Trong khi, số lượng tuyển đã cố định thì việc đơn giản kỳ thi là điều cần thiết. Thế nhưng, theo thông báo của một số Sở Giáo dục và Đào tạo về kế hoạch thi tuyển sinh 10 cho năm học 2020-2021 thì chúng ta vẫn thấy rất nặng.

Chẳng hạn, tỉnh Vĩnh Phúc thi 3 môn thi bắt buộc là Toán, Văn và bài thi tổ hợp. Riêng thí sinh đăng ký thi vào Trường Trung học phổ thông chuyên Vĩnh Phúc làm thêm bài thi môn chuyên.

Bài thi tổ hợp sẽ vẫn gồm kiến thức 3 môn: Tiếng Anh, môn Khoa học xã hội (chọn 1 trong các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân) và môn Khoa học tự nhiên (chọn 1 trong các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học). Như vậy học sinh Vĩnh Phúc sẽ phải làm 5 bài thi trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10

Thi tuyển sinh 10 có cần thiết phải nhiều môn và nhân điểm hệ số 2 hay không? ảnh 2Thi vào 10, nên thống nhất một mốc thời gian chung trong cả nước

Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cũng vừa công bố phương án thi vào lớp 10 cho năm học tới gồm 2 bài thi độc lập (Toán, Ngữ văn) và 1 bài thi tổ hợp.

Năm 2020-2021, môn tổ hợp Nghệ An sẽ giảm chỉ còn 2 môn thi, gồm ngoại ngữ và 1 môn thành phần khác (trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân).

Nhìn chung, phương án thi tuyển sinh 10 của các địa phương hiện nay mỗi nơi mỗi khác. Có địa phương chọn phương án thi 3 môn thi độc lập, có địa phương chọn thi 2 môn độc lập với 1 bài thi tổ hợp. Trong đó, bài thi tổ hợp từ 2-3 môn học.

Tất nhiên, càng nhiều môn thi thì áp lực cho học trò càng cao hơn và sự tốn kém cho gia đình và ngân sách địa phương càng nhiều hơn. Trong khi, số lượng tuyển đã được ấn định từ trước đó mấy tháng. Cũng chừng ấy số lượng dự thi, chừng ấy chỉ tiêu tuyển mà thôi.

Có nên duy trì nhân điểm hệ số 2 đối với môn Văn và Toán?

Một điểm chung của tất cả các địa phương trong kỳ thi tuyển sinh 10 lâu nay là nhân điểm hệ số 2 đối với một số môn thi. Những thí sinh thi vào các trường Trung học phổ thông không chuyên thì nhân điểm hệ số 2 đối với môn Văn và Toán.

Đối với những trường Trung học phổ thông chuyên thì nhân điểm hệ số 2 môn chuyên. Tuy nhiên, nhân điểm hệ số 2 như vậy cũng rất hên xui cho thí sinh mà vô tình vẫn môn trọng, môn khinh giữa các môn thi với nhau. Thực tế cho thấy, các trường không chuyên thì môn Toán và Văn bao giờ cũng nhân điểm hệ số 2, môn còn lại thì điểm thi hệ số 1.

Đối với trường Trung học phổ thông chuyên thường có yêu cầu cao hơn như phải là học sinh có học lực từ khá trở lên mới được đăng ký thi. Trước khi thi thì nhà trường phải thực hiện bước sơ tuyển ban đầu. Khi thi, môn chuyên thường được khống chế ngưỡng điểm và môn này đều nhân điểm hệ số 2, các môn còn lại là hệ số 1.

Thi tuyển sinh 10 có cần thiết phải nhiều môn và nhân điểm hệ số 2 hay không? ảnh 3
Hết lớp 9 có nhiều con đường, cha mẹ học sinh đừng tự gây áp lực

Việc đề cao môn Toán và Văn cũng có lý bởi đây là 2 môn học cơ bản trong trường phổ thông. Song, thực tế thì học sinh học giỏi 2 môn này rất ít nên đối với những học sinh thi ở các trường Trung học phổ thông không chuyên thường có điểm đầu vào thấp.

Hơn nữa, nếu như môn thứ 3,4,5 cao điểm nhưng điểm Văn và Toán thấp thì cơ hội đậu cũng thấp hơn. Thực tế cho thấy, học sinh bây giờ không có nhiều em giỏi tất cả các môn học nên việc thi tuyển sinh 10 nhân điểm hệ số 2 đối với 2 môn Văn, Toán sẽ có nhiều bất cập nảy sinh.

Bởi, với quy chế nhân đôi điểm Văn, Toán nên bắt buộc học trò phải đầu tư quá nhiều cho 2 môn học này và đương nhiên những môn thi khác sẽ bị xem nhẹ hơn. Và, tất nhiên trong trường học vẫn hình thành tình trạng môn chính, môn phụ.

Nên giảm áp lực và bình đẳng các môn thi

Nhiều năm theo dõi kỳ thi tuyển sinh 10, chúng tôi nhận thấy kỳ thi này chỉ cần 3 môn là phù hợp, không cần thiết phải thi nhiều môn làm gì vì đây cũng chỉ là thi chuyển cấp mà thôi. Bởi, đa phần các địa phương đều có tỉ lệ chọi thấp.

Thậm chí có những trường thí sinh đăng ký dự thi thấp hơn số chỉ tiêu tuyển nên giảm áp lực thi cho học trò là cần thiết.

Đối với môn Văn và Toán cũng nên bỏ nhân điểm hệ số 2 vì thực tế nhân điểm thì lấy điểm cao hơn cho đẹp điểm đầu vào nhưng bản chất thì nhân lên, chia cho số môn thi vẫn giống nhau.

Trong khi, nhiều học sinh không học tốt môn Toán và Văn nhưng các môn thi khác các em lại học tốt nhưng có thể vẫn rớt vì Toán và Văn thấp điểm. Chính vì vậy, nên tính điểm hệ số 1 tất cả các môn thi có lẽ sẽ hợp lý hơn.

Chỉ cần tổ chức thi nghiêm túc, gọn nhẹ và bình đẳng cách tính điểm các môn thi là đương nhiên các trường sẽ lựa chọn được những học sinh tốt nhất vào lớp 10.

Thực tế, khi vào lớp 10 thì các em đã bắt đầu định hướng nghề nghiệp cho mình rồi nên việc nhân điểm hệ số 2 đối với Văn và Toán chưa hẳn là một phương án hay nhưng nó đã duy trì suốt nhiều năm qua.

Tài liệu tham khảo:

//laodong.vn/giao-duc/nhieu-doi-moi-trong-ky-thi-tuyen-sinh-vao-lop-10-778370.ldo

THANH AN