“Năm cấp 2, em theo học tại một trường điểm ở Hà Nội, bố mẹ rất kỳ vọng khi em học lớp chuyên Văn, đây được xem là lớp giỏi nhất khối.
Các bạn ở đó đua nhau học, nhưng đôi lúc em cảm thấy mình rất kém cỏi. Bản thân em cũng tìm cách và rất cố gắng học tập, rèn luyện, thậm chí học kỳ 2 lớp 8, em đã đủ điểm trung bình chung học sinh giỏi.
Thế nhưng trong buổi tổng kết, cô giáo chủ nhiệm thông báo rằng em không được học sinh giỏi bởi điểm tổng kết trung bình cả năm môn Toán của em bị thiếu 0,1 điểm.
Trong 4 năm học cấp 2, chưa bao giờ em cảm nhận được tình cảm, tình yêu thương từ giáo viên chủ nhiệm và các thầy cô giáo khác.
Mọi người luôn nhìn em với ánh mắt là một học sinh dốt, em cảm thấy không một ai hiểu em hết. Em thấy bế tắc và sợ những buổi đến trường
Được coi là học sinh dốt nên tất cả các hoạt động trong trường, mọi sinh hoạt của lớp em không được tham gia, với em đây là những tháng ngày buồn và tủi thân.
Trước đây em chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ được bạn bè và thầy cô nhìn với một ánh mắt công nhận, nhưng từ khi lên cấp 3 em được chuyển đến một ngôi trường mới, bạn bè mới, thầy cô mới và đặc biệt ở đây, các thầy cô luôn đề cao tính cách cá nhân của học sinh.
Các học sinh được phát huy sở trường, tiềm năng, được trân trọng, bình đẳng và đặc biệt là sự gần gũi giữa giáo viên và học sinh.
Điều em thấy ở trường này việc học tập rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn nữa là học sinh được rèn luyện kỹ năng của bản thân, kỹ năng sống.
Sau một năm học, em trở thành một thành viên của câu lạc bộ Thủ lĩnh của trường và cũng là một trong những Trưởng nhóm giỏi của trường”, em Nguyễn Thu Trang, học sinh Trường trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm hào hứng nói về ngôi trường mà em đang theo học.
Cô Đào Thị Ninh: Tôi thường nói với học sinh là hạnh phúc trước đã rồi mới học sau. Ảnh: Cô Ninh cung cấp. |
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Đào Thị Ninh, giáo viên Trường trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm, chia sẻ: “Năm lớp 10, em Trang vào học lớp tôi chủ nhiệm, tuần đầu tiên em đó đã làm tôi rất choáng với tính cách khác biệt.
Hôm đó trong giờ học Văn, Trang chưa thực hiện đúng nội quy nên giáo viên dạy Văn có nhắc nhở, Trang lập tức đứng lên tranh luận to tiếng với cô giáo.
Tôi biết tin nên đã gọi Trang ra ngoài, trong khi ra khỏi lớp, Trang dùng tay đóng cánh cửa rất là mạnh với thái độ bất cần.
Khi Trang theo tôi ngồi lên phòng họp, tôi lấy nước cho em uống và để em ngồi yên tĩnh một lúc.
Khá lâu sau tôi mới nói: Lúc nãy con đóng cửa như vậy là mạnh quá làm cô sợ, con phải hiểu ở trường thì cô là giáo viên chủ nhiệm của con và cũng thay mẹ con chăm lo ở trường.
Ai có cái gì cũng gọi cô và trường hợp của con cũng vậy, lúc con đi ra thì cô dạy văn cứ nhìn theo con, các bạn cũng tròn xoe mắt khi con đóng cửa rất mạnh.
Vậy cô giáo và các bạn đang nghĩ gì về con? Cho nên lần sau con phải rút kinh nghiệm không nên đóng cửa như vậy nhé, để tránh ảnh hưởng đến mọi người.
Cô nghĩ con không có ý đóng cửa mạnh như vậy, chỉ vì vô tình nó hút gió và con đóng không khéo mà gây nên tiếng động mạnh thôi, nhưng mình là con gái thì mình nên ý tứ một chút.
Nói như vậy có nghĩa là tôi đổ lỗi cho tự nhiên, nhưng tôi nói rằng cô thì biết là con không cố tình nhưng giáo viên môn Văn và các bạn trong lớp không hiểu con đâu.
Vậy con phải gặp xin lỗi cô giáo và nói rằng hôm đó con không cố ý làm như vậy để cô hiểu.Tôi giải thoát luôn và Trang có nói: Vâng ạ”.
Tôi đánh giá Trang là một học sinh rất thông minh, nhưng Trang đã bị tổn thương một cái gì đó từ những năm học trước và không được tháo gỡ về tâm lý. Tất cả về Trang tôi có đọc học bạ, tiếp xúc nói chuyện và hiểu được con người em.
“Thậm trí thời gian đầu năm học, hôm nào Trang bỏ học là em lại ngầm báo cho các bạn nghỉ theo khiến cho tôi cũng rất vất vả.
Tôi nói với Trang: Những năm cấp 2 con phải chịu áp lực rất nhiều về học tập, cũng như các mối quan hệ với giáo viên và các bạn trong lớp.
Cô biết con có những tổn thương nên có điều gì thì cứ chia sẻ với cô, và có những thứ cô phải học ở con. Sau khi chia sẻ tôi thấy Trang rất thoải mái về tâm lý.
Hàng ngày tôi dành thời gian quan tâm đến Trang nhiều hơn, tôi có giao một số quyền và để cho con làm cán bộ lớp.
Tôi quan niệm nếu với một bài Toán mà thầy giáo giảng kĩ thì học sinh sẽ làm được, khi hiểu và làm được rồi thì em học sinh đó có thể giảng lại cho các bạn khác trong lớp và bản thân bạn đó cũng sẽ hiểu kĩ hơn một lần nữa.
Các em đã hiểu, thực hiện việc đó thì các em sẽ không bao giờ quên, cho nên đối với Trang cũng vậy.
Trang làm cán bộ lớp và phải tự nhận thức, thay đổi mình để làm sao xứng đáng với vị trí đó và không dám vi phạm nữa, em phải là tấm gương cho các bạn trong lớp.
Cứ như vậy từng ngày từng ngày một cho đến gần hết năm lớp 10 là Trang đã có tiến bộ rõ rệt, kể cả về học tập lẫn ý thức tự giác trong mọi công việc, em dần lấy lại được lòng tin của các bạn trong lớp cũng như các giáo viên bộ môn.
Trang là một cán bộ lớp xuất sắc, làm phong trào gì cũng dẫn đầu vì đặc biệt trường này có rất nhiều hoạt động giao lưu và cũng là cơ hội để các học sinh khẳng định bản thân.
Nhiều giáo viên trong trường nói với tôi rằng: Trang lớp chị tuyệt vời thế, làm các sự kiện giỏi thế.
Những lần như vậy tôi lại khen trang trước lớp, đồng thời thông báo để bố mẹ Trang biết và động viên con kịp thời, điều đó khích lệ tinh thần các con rất nhiều”, cô Ninh cho biết.
Quan điểm của tôi là dạy dỗ các em mình phải kiễn nhẫn, kiên trì. Ảnh: Cô Ninh cung cấp. |
Chỉ có lòng yêu thương và sự kiên trì thì sẽ giúp học sinh tiến bộ.
Khi nhận một khóa học sinh mới thì việc đầu tiên tôi làm là phát cho mỗi em một tờ giấy, và nói các em hãy viết cảm xúc của mình vào đó, qua đó tôi cũng nắm bắt được tâm tư của các em.
Các em viết cái gì cũng được hoặc có thể các con thấy từ khi học tiểu học cho đến nay thì các con cảm thấy hạnh phúc nhất khi nào?
Tôi thấy mỗi con có một hạnh phúc khác nhau, có con được mẹ nấu cho một món ăn ưa thích, có con muốn bố về ăn cơm tối…và cũng có những con có nỗi buồn và có lòng trắc ẩn.
“Tôi nói với các con rằng: Cô luôn quan tâm đến hạnh phúc của các con, nếu như cảm thấy không hạnh phúc khi đến trường thì các con sẽ không học được.
Vậy nên nếu có những niềm vui, nỗi buồn hay điều gì băn khoăn chưa vừa ý thì các con hãy cứ chia sẻ cho cô biết.
Có học sinh lớp tôi được giáo viên phê vào sổ đầu bài rằng: Em A có thái độ với cô giáo trong giờ học.
Tôi gặp và trao đổi với giáo viên đó ngay lập tức, đầu tiên tôi góp ý rằng trong trường hợp này nếu cô giáo thấy con bướng bỉnh thì hãy bình tĩnh hoặc cô cứ giảng bài và trước mắt hãy tạm quên học sinh đó.
Giáo viên không nên cố chấp hoặc trắng đen rõ ràng với học sinh, có gì cô cứ nói với tôi. Các cô nghe và đều hiểu ra vấn đề khi đã trót ghi từ thái độ.
Tôi cũng gặp và trao đổi riêng với em học sinh đó: Con ơi, con đừng buồn vì lời phê thái độ đó.
Con đừng tỏ ra ương bướng trước mặt các bạn trong lớp như vậy, các bạn sẽ nghĩ mình không ngoan vì cách nhìn nhận của mỗi người một khác.
Cô thì hiểu lúc đó con không làm chủ được bản thân, nhưng nếu con tỏ ra bướng bỉnh như vậy thì cô giáo bộ môn cho rằng con không tôn trọng cô.
Tôi thường dạy bảo các em học sinh từng chút một như vậy, tùy theo học sinh nam và nữ với từng sự việc cụ thể, không có một công thức chung nào”, cô Ninh nói.
Tôi không bao giờ đập bàn ghế, nói to hay là phạt học sinh, nếu làm như vậy có nghĩa là mình bất lực.Ảnh: Cô Ninh cung cấp. |
Đối với tôi thì người giáo viên phải luôn có cảm xúc tích cực và vui vẻ, đối với những việc chưa đúng mực của học sinh trên lớp thì tôi cố gắng chuyển hóa nó thành một việc hài ước, cả lớp nhìn em đó và cười, và em đó cũng tự nhận ra cái sai của mình.
“Tôi nhớ có lần một giáo viên bộ môn gọi điện thông báo cho tôi: Bạn Bảo A hôm nay không chịu ghi chép bài, em có nhắc nhở nhưng bạn đó còn cãi lại em.
Nghe thấy vậy tôi xuống lớp ngay, một phần cũng là để cho giáo viên đó có chỗ dựa về tinh thần để tiếp tục bài giảng.
Tôi gọi em Bảo A ra ngoài và nói: Cô thấy buồn quá, cô đang dạy ở lớp khác nhưng nghe tin con làm cô giáo bộ môn mất mặt trước các bạn, vậy phải làm thế nào bây giờ?
Lúc đó em bảo A có nói rằng con xin lỗi vì đã làm ảnh hưởng đến cô, và con hứa sẽ thay đổi.
Có nhiều em nói trống không với giáo viên nhưng tôi biết các em mải chơi, hồn nhiên và nhiều lúc nói hay hành động đều theo thói quen, chứ tôi không đánh giá đó là một hành động gì ghê gớm.
Với những em như vậy thì đến cuối giờ tôi sẽ gọi riêng ra và nhắc nhở: Này em, hôm nay nói trống không với cô giáo đấy nhé, việc này cô nói bí mật và để cho em rút khinh nghiệm.
Cách tôi giải quyết mọi vấn đề luôn nhẹ nhàng, không bao giờ tôi làm lớn chuyện, luôn luôn trao đổi để các em nhận ra cái sai của mình, khi nhận ra thì các em sẽ thay đổi và có như vậy thì các em sẽ không tái phạm nữa.
Tôi không bao giờ đập bàn ghế, nói to hay là phạt học sinh, nếu làm như vậy có nghĩa là mình bất lực.
Vào lúc ngủ trưa có một số em vẫn đùa, tôi nhẹ nhàng nói các em không thương cô sao? Cô cũng đang thèm ngủ trưa đây, nghe vậy một số em quay sang tự nhắc nhở và tất cả đều trật tự.
Các em tự bảo nhau thì rất là dễ và người giáo viên phải làm được điều đó để các em ý thức được”, cô Ninh chia sẻ.
Bài học nhớ đời và bí quyết chuyện trò với học sinh của cô giáo Thủy |
Đôi điều suy nghĩ.
“Tôi nghĩ khi mình là một giáo viên thì mình hãy dạy và chăm các em học sinh như chăm con mình ở nhà, mình chăm con mình như thế nào thì hãy chăm học sinh như thế.
Các em tuy bé và hồn nhiên, nghịch ngợm như thế nhưng các em rất hiểu và biết tình cảm của các thầy cô giáo dành cho mình.
Quan điểm của tôi là dạy dỗ các em mình phải kiễn nhẫn, kiên trì và chỉ có lòng yêu thương như của cha mẹ dành cho các em thì mới mong các em tiến bộ.
Tôi luôn đặt vị trí của mình vào vị trí của phụ huynh, mong muốn rằng phụ huynh được hạnh phúc khi tin tưởng vào thầy cô ở trường và sự tiến bộ từng ngày của con em mình”, cô Ninh nêu quan điểm.