Vì sao tuyển dụng giáo viên nơi thiếu vẫn thiếu, nơi thừa vẫn thừa?

19/09/2019 06:10
Vũ Ninh
(GDVN) - Việc tuyển dụng giáo viên nên giao cho đơn vị sử dụng lao động; có sự tham mưu của ngành giáo dục và thực hiện theo cơ chế đặt hàng các trường Sư phạm.

Đẩy đi thì thiếu, giữ lại thì thừa

Thành phố Hà Nội là một trong số những địa phương có số lượng giáo viên hợp đồng tương đối lớn (gần 3000 giáo viên). 

Để đảm bảo thực hiện theo đúng lộ trình nâng cao chất lượng, trình độ của giáo viên, chuẩn hóa trình độ đào tạo, thành phố Hà Nội chủ trương tổ chức thi tuyển viên chức đảm bảo theo đúng theo Nghị định 161/2018/NĐ-CP.

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và công việc của số giáo viên hợp đồng này.

Nói thiếu giáo viên không ảnh hưởng đến năm học mới là chưa hiểu giáo dục
Nói thiếu giáo viên không ảnh hưởng đến năm học mới là chưa hiểu giáo dục

Từ câu chuyện của thành phố Hà Nội chỉ ra một thực tế việc tuyển dụng giáo viên hiện nay vừa thiếu lại vừa thừa.

Thừa ở chỗ hơn 3000 giáo viên hợp đồng không nằm trong chỉ tiêu biên chế nhưng thiếu ở chỗ nếu đẩy số giáo viên này đi lại không có người dạy học.

Bên cạnh đó mặc dù nhiều Quận, huyện, thị xã khẳng định: thừa giáo viên nhưng trên thực tế vẫn thường xuyên tuyển hợp đồng mới.

Tình trạng tuyển dụng giáo viên nơi thiếu vẫn thiếu, nơi thừa vẫn thừa không chỉ xảy ra tại Hà Nội mà còn xảy ra cục bộ tại nhiều địa phương.

Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, theo Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ: Việc lập kế hoạch tuyển dụng không bám sát điều kiện thực tế cũng như không dự đoán được biến động của nhu cầu tuyển dụng giáo viên.

Phó giáo sư Nhĩ trả lời; “Việc tuyển dụng giáo viên hiện nay giao cho sở nội vụ các địa phương lập kế hoạch, quy định chỉ tiêu biên chế. 

Trong quá trình tuyển dụng nếu như kế hoạch không sát với thực tế sẽ dẫn đến tình trạng có nơi thiếu, có nơi thừa.

Cơ chế tuyển giáo viên hiện nay là giao chỉ tiêu từ trên Trung Ương xuống không căn cứ vào tình hình thực tế về nhu cầu sử dụng giáo viên của địa phương”.

Chuyện giáo viên hợp đồng lùm xùm nhiều tháng qua là hệ quả của những bất cập trong tuyển dụng giáo viên tồn tại nhiều năm (Ảnh:V.N)
Chuyện giáo viên hợp đồng lùm xùm nhiều tháng qua là hệ quả của những bất cập trong tuyển dụng giáo viên tồn tại nhiều năm (Ảnh:V.N)

Theo Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ: Cách làm hay nhất là giao trách nhiệm trực tiếp cho các địa phương và thực hiện cơ chế đặt hàng.

Thầy Nhĩ nói: “Việc tuyển dụng giáo viên nên giao trực tiếp cho các địa và thực hiện theo cơ chế đặt hàng. Ví dụ như địa phương người ta có nhu cầu sử dụng bao nhiêu giáo viên thì người ta đặt hàng cho các trường Đại học Sư phạm đào tạo.

Lãnh đạo địa phương sẽ tiến hành khảo sát và đưa ra nhu cầu sử dụng giáo viên sau đó đặt hàng các trường theo cơ chế tôi đặt hàng, tôi trả tiền. Các trường sẽ nhận đơn đặt hàng từ các địa phương và tiến hành đào tạo.

Chẳng hạn địa phương cần 100 giáo viên. Chi phí đào tạo 1 giáo viên là 20 triệu đồng thì sau từng ấy thời gian đào tạo, địa phương trả cho nhà trường 2 tỷ đồng và nhận số giáo viên này về. Như thế sẽ không bao giờ có chuyện thừa thiếu giáo viên”.

Ngoài ra theo Phó giáo sư Nhĩ, cách làm này cũng tăng năng lực cạnh tranh giữa các trường Đại học và khiến họ buộc phải nâng cao chất lượng đào tạo.

Thầy Nhĩ nhận định: “Việc đặt hàng như thế này sẽ nâng cao chất lượng đào tạo của các trường. Bởi nếu anh không làm tốt thì địa phương họ sẽ đặt hàng của trường khác là anh mất nguồn thu. 

Cho nên bằng mọi cách anh phải nâng cao chất lượng đào tạo nếu không muốn bị đào thải”.

Chuyên gia cho rằng: Tuyển dụng giáo viên nên giao cho các địa phương theo cơ chế đặt hàng (Ảnh:Thùy Linh)
Chuyên gia cho rằng: Tuyển dụng giáo viên nên giao cho các địa phương theo cơ chế đặt hàng (Ảnh:Thùy Linh)

Theo thống kê của Phó giáo sư Bùi Văn Quân – đến năm 2020 sẽ có khoảng 70.000 cử nhân sư phạm không tìm được việc làm.

Trong bối cảnh đó nhiều trường Sư phạm vẫn tuyển sinh ồ ạt dẫn đến tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp nhiều. 

Nguồn cung nhiều nhưng nhu cầu ít, để giải quyết số cử nhân sư phạm này các địa phương lựa chọn giải pháp ký hợp đồng lao động điển hình như thành phố Hà Nội (gần 3000 giáo viên hợp đồng).

Việc ký hợp đồng tràn lan như vậy đến khi có quyết định tuyển dụng viên chức thì lại không biết làm sao để xử lý số giáo viên này: đẩy đi thì thiếu, giữ lại thì thừa.

Giáo sư Phạm Tất Dong nói: “Hiện nay đang có tình trạng giáo viên đẩy đi thì thiếu, giữ lại thì thừa. Lấy ví dụ tại Hà Nội, số giáo viên hợp đồng hiện nay ít nhất đã ra trường phải được 6-7 năm. 

Nếu bộ máy giáo dục thấy thừa giáo viên tức là cách đây vài năm đã đào tạo thừa rồi. Để gỡ cho số giáo viên này các huyện tiến hành ký hợp đồng, một anh thì có người dạy, một anh thì có công việc; lợi cả đôi bên.

Nhưng đến khi có quy định chuẩn hóa giáo viên thông qua thi tuyển buộc phải đẩy số giáo viên này đi. 

Nhưng đẩy đi thì lại thiếu giáo viên do sĩ số học sinh tăng lên qua các năm, yêu cầu về giáo viên cũng rất cần thiết”.

Việc tuyển dụng giáo viên giữa hai Bộ đang có sự vênh nhau

Một nguyên nhân được nhiều chuyên gia đồng tình: Hiện nay việc tuyển dụng giáo viên đang có sự vênh nhau giữa Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Lý giải về điều này, Giáo sư Phạm Tất Dong phân tích: “Ngành giáo dục không được quyền chủ động trong việc tuyển dụng giáo viên mà do Bộ Nội vụ quy định. 

Nếu giữa hai Bộ không khớp nối về quy hoạch đào tạo chắc chắn sẽ vênh nhau. Điều này được cụ thể hóa bằng số lượng giáo viên thiếu hoặc thừa.

Thực hiện luân chuyển giáo viên để tránh tình trạng thừa thiếu cục bộ
Thực hiện luân chuyển giáo viên để tránh tình trạng thừa thiếu cục bộ

Theo cơ chế, Bộ Nội vụ sẽ tuyển giáo viên theo căn cứ: Có bao nhiêu học sinh thì tương ứng với một số lượng giáo viên nhất định.

Nhưng trên thực tế ngành giáo dục là một ngành có tính chất đặc thù và thay đổi nhanh, biến đổi nhanh.

Nếu anh không dự báo đúng chắc chắn sẽ bị thừa hoặc thiếu giáo viên.

Tại sao một ngành đào tạo nhưng biên chế lại do một ngành khác quy định?

Đối với một số môn đặc thù như tiếng Anh, thể dục, âm nhạc – mỹ thuật, việc tính biên chế và chỉ tiêu giáo viên không thể theo cách thông thường là có bao nhiêu học sinh sẽ tương ứng với số lượng giáo viên nhất định.

Theo tôi việc tuyển dụng nên trả về cho Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các địa phương”.

Đồng tình với ý kiến trên, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ cho rằng: Ngành giáo dục đào tạo nhưng biên chế do Bộ Nội vụ quy định là một nguyên nhân khiến cho việc tuyển giáo viên có nơi thiếu, có nơi thừa.

Theo Phó giáo sư Nhĩ chính xác nhất nên giao việc tuyển dụng cho chính những người sử dụng lao động cụ thể là các địa phương phối hợp với ngành giáo dục.

Đánh giá về số lượng giáo viên hiện nay, thầy Nhĩ cho rằng: Số lượng giáo viên hiện nay là thiếu chứ không phải là thừa.

Thầy Nhĩ nói: “Theo tôi số lượng giáo viên hiện nay trên thực tế là thiếu. Bởi thực tế mỗi lớp bình quân 40-50 em trong khi đó theo tiêu chuẩn 1 lớp chỉ có từ 20-30 học sinh/ giáo viên. 

Ngoài ra chúng ta cũng thiếu đội ngũ giáo viên dạy tích hợp; thiếu đội ngũ giáo viên dạy tiếng Anh, song ngữ”.

Cần giải quyết, tháo gỡ những bất cập trong tuyển dụng giáo viên để không có những chuyện tương tự như chuyện giáo viên hợp đồng Hà Nội (Ảnh:V.N)
Cần giải quyết, tháo gỡ những bất cập trong tuyển dụng giáo viên để không có những chuyện tương tự như chuyện giáo viên hợp đồng Hà Nội (Ảnh:V.N)

Đối với số giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo theo Luật giáo dục 2019 (khoảng 35%), theo Giáo sư Phạm Tất Dong có thể tận dụng và tạo điều kiện bằng cách hướng dẫn họ vừa học vừa làm, vừa dạy học, vừa đào tạo lại.

Thông qua những lời chia sẻ của các chuyên gia có thể thấy được một số bất cập trong công tác tuyển dụng giáo viên hiện nay. 

Thực tế câu chuyện của gần 3000 giáo viên hợp đồng Hà Nội kêu cứu trong 6 tháng qua là một ví dụ: Nói thiếu thì không phải là thiếu, nói thừa cũng không hẳn là thừa. 

Giải quyết số giáo viên hợp đồng, tổ chức thi tuyển viên chức đồng thời rút ra những kinh nghiệm bài học để hạn chế tình trạng này trong tương lai là cách làm mà các ban ngành có thể tham khảo.

Vũ Ninh