Ý kiến của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đã không còn khách quan?

17/01/2020 06:53
Trinh Phúc
(GDVN) - Tham gia vào bất cứ cuộc chơi nào ai cũng sợ thiếu công bằng nhưng trước hết bản thân mình phải chơi đẹp cái đã.

Dự thảo Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa đang trong quá trình lấy ý kiến trong đó có nhiều nội dung cho thấy đề cao tính dân chủ, khách quan và trao quyền cho thầy cô trong việc lựa  chọn sách giáo khoa.

Với những nội dung quy định như tại Điều 4, Điều 8 của dự thảo này thì việc chọn sách giáo khoa đang đặt trách nhiệm lên vai trực tiếp những thầy cô đang giảng dạy chứ không phải của những nhà quản lý.

Đây là quan điểm đúng đắn, do đó việc cần thiết lúc này là tạo điều kiện để cô thầy được tiếp cận các bộ sách, dạy thử nghiệm từ đó đưa ra các nhận xét, đánh giá khách quan trước khi tiến hành bỏ phiếu.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, người thứ 2 từ trái sang (ảnh Thùy Linh).
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, người thứ 2 từ trái sang (ảnh Thùy Linh).

Tuy nhiên vì lợi ích nên các bên có sách giáo khoa luôn tìm cách để  sách giáo khoa của mình được lựa chọn nhiều hơn nên đã tiến hành quảng bá thổi phồng hoặc "kể tội" đối thủ cạnh tranh.

Chính điều này sẽ khiến cho nhiều thầy cô rất khó nhận thức được đâu là lời nói tâm huyết, đâu là lời nói khách quan có sự tin cậy.

Và hệ lụy của việc này có thể ảnh hưởng đến việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 phù hợp cho năm học 2020 - 2021 của từng địa phương. 

Cụ thể, trên báo Tiền phong đưa tin: Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông mới cho rằng, Thông tư hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa mới giao quyền lựa chọn cho các trường và chọn sách theo từng môn là hợp lý, tránh hiện tượng “bán bia kèm lạc”. Các trường có thể chọn cuốn này ở bộ này, cuốn khác ở bộ khác nếu đánh giá hay và phù hợp.

Hãy để yên cho thầy cô lựa chọn sách, đừng tung hỏa mù!
Hãy để yên cho thầy cô lựa chọn sách, đừng tung hỏa mù!

Tuy nhiên, Giáo sư Thuyết lo ngại, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chi trả lương cho cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2015 đến nay vì họ ở trong Ban chỉ đạo biên soạn 1 bộ sách giáo khoa dễ dẫn đến chuyện lựa chọn sách giáo khoa không công bằng, khách quan.

“Nói giao quyền cho các nhà trường nhưng trên thực tế, các trường luôn nhận được các chỉ đạo từ cấp trên là nên chọn sách tham khảo này, sách tham khảo khác thì làm sao các nhà trường dám trái lệnh”, ông Thuyết nói.

Cũng theo Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, trong 5 bộ sách giáo khoa, có tới 4 bộ sách của nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 1 bộ còn lại của 2 nhà xuất bản là đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Sư phạm Hà Nội. Nếu bộ sách của 2 nhà xuất bản này “sống” thì trong những năm tới, các cá nhân, tổ chức mới dám “nhảy vào” làm sách. Nếu bị cơ chế độc quyền đè bẹp thì chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa khó thành công. [1]. 

Nếu chỉ đọc nội dung trong bài viết này, mấy ai biết Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cũng là Tổng chủ biên của cuốn sách giáo khoa Tiếng Việt 1 của bộ sách “Cánh Diều” - một trong năm cuốn sách giáo khoa Tiếng Việt 1 theo chương trình mới vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành theo Quyết định số 4507/QĐ-BGDĐT ngày 22/11/2019.

Trên báo Kinh tế nông thôn trong một bài viết “Đằng sau việc chi thù lao cho cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh” còn cho rằng, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết hiện là Tổng chủ biên bộ sách giáo khoa Ngữ văn – Tiếng Việt của Công ty cổ phần đầu tư Xuất bản và Thiết bị giáo dục Việt Nam (Vepic) – chủ sở hữu bộ sách “Cánh Diều”. [2].

Việc được giới thiệu trong bài báo với tư cách là Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông mới nhưng Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết còn tư cách là Tổng chủ biên của cuốn sách giáo khoa Tiếng Việt 1 của bộ sách “Cánh Diều” cần thiết phải được giới thiệu đầy đủ để dư luận hiểu đúng và đủ.

Thương trường là chiến trường, người ta hay tìm cách này hay cách khác để làm đối thủ yếu đi, nhưng giáo dục lại là lĩnh vực đặc biệt, sản phẩm giáo dục là con người chính vì thế khi tham gia vào cuộc chơi trên lĩnh vực này cần thiết mình phải đàng hoàng trước đã.

Khi Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết là chủ biên của sách giáo khoa Tiếng Việt 1 của bộ sách "Cánh Diều" thì những phát ngôn của ông liên quan đến sự bắt tay giữa Nhà xuất bản giáo dục và Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh sẽ không còn khách quan.

Nghe thầy Thuyết nói về sách Tiếng Việt lớp 1 mới, giáo viên chúng tôi lo quá
Nghe thầy Thuyết nói về sách Tiếng Việt lớp 1 mới, giáo viên chúng tôi lo quá

Hy vọng, Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa sau khi được ban hành sẽ là cơ sở pháp lý đủ mạnh để tạo điều kiện cho các thầy cô giáo chọn sách giáo khoa một cách độc lập, khách quan tránh nhóm lợi ích chi phối.

Trước đó, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có bài viết "Nghe thầy Thuyết nói về sách Tiếng Việt lớp 1 mới, giáo viên chúng tôi lo quá", tác giả phản biện ý kiến của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết khi nói về Sách giáo khoa Tiếng Việt 1 của bộ sách giáo khoa “Cánh Diều” do ông làm: “Sách Tiếng Việt 1 mới, dạy được ngay, không cần tập huấn".

Trong bài viết đó, tác giả Phan Tuyết đã phân tích nhiều góc cạnh và cuối cùng tác giả nhấn mạnh: “Được biết, sách giáo khoa mới sẽ giảm tải cho học sinh những kiến thức quá tải, nhưng tại sao những kiến thức dạy ở lớp 2 lại được đưa xuống dạy ở lớp 1 như thế này liệu có phải là giảm tải?

Sách giáo khoa Tiếng Việt 1 có thể dạy được ngay và không cần tập huấn. Liệu căn cứ vào đâu để thầy Thuyết đưa ra nhận định chủ quan này?

Còn nếu dựa vào tình hình thực tế mà giáo viên chúng tôi đang trải qua hằng ngày, chúng tôi thấy lo cho chương trình quá nặng sẽ làm khổ học sinh, sẽ buộc phụ huynh phải cho con đi học thêm tối ngày”.

Hiện dự thảo Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trao quyền lớn cho giáo viên

Điều 4 dự thảo Thông tư quy định: “Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở giáo dục phổ thông (sau đây gọi là Hội đồng) do người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông thành lập, giúp cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức lựa chọn sách giáo khoa.

Mỗi trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông thành lập 01 (một) Hội đồng. Đối với trường phổ thông có nhiều cấp học, mỗi cấp học thành lập 01 (một) Hội đồng.

Hội đồng bao gồm: người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện giáo viên dạy các môn học, hoạt động giáo dục (sau đây gọi chung là môn học) có sách giáo khoa lựa chọn, đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh trường.

Số lượng thành viên Hội đồng là số lẻ, tối thiểu là 11 (mười một) người, trong đó có ít nhất 2/3 (hai phần ba) là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên.

Người đã tham gia biên soạn, thẩm định sách giáo khoa của các nhà xuất bản không được tham gia Hội đồng”.

Tài liệu tham khảo

1.    https://www.tienphong.vn/giao-duc/chon-sgk-vua-da-bong-vua-thoi-coi-1494351.tpo

2.    https://kinhtenongthon.vn/dang-sau-viec-chi-thu-lao-cho-can-bo-so-gddt-tp-ho-chi-minh-post32482.html?

Trinh Phúc