Đến tháng 4/2020 thì công tác lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 hoàn thành. Đến nay, có 5 bộ sách và 32 sách giáo khoa để giáo viên, nhà trường, phụ huynh và học sinh lựa chọn.
Một chương trình nhiều sách giáo khoa là quan điểm tiến bộ để thu hút nhiều nhà khoa học, nhà giáo tham gia vào viết sách và tăng cơ hội lựa chọn cho giáo viên, học sinh tuy nhiên khi đi vào thực tế thì còn rất nhiều vấn đề gây băn khoăn.
Trước hết đó là nguyên tắc dân chủ trong lựa chọn sách giáo khoa liệu có được đảm bảo như quy định. Thứ hai là tính kế thừa, ổn định của các bộ sách giáo khoa lớp 1 có được duy trì trong các lớp học tiếp theo.
Còn nhiều vấn đề băn khoăn trong lựa chọn sách giáo khoa (ảnh B.Đ). |
Trong dự thảo Thông tư lựa chọn sách giáo khoa quy định thành viên hội đồng lựa chọn sách giáo khoa có ít nhất 11 người trong đó chiếm 2/3 là tổ trưởng chuyên môn và giáo viên.
Quy trình lựa chọn yêu cầu tổ chuyên môn tổ chức nghiên cứu, thảo luận và đánh giá sách giáo khoa của các môn học thuộc chuyên môn phụ trách theo tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa, đề xuất với Hội đồng bằng văn bản danh mục lựa chọn sách giáo khoa;
Hội đồng họp, thảo luận, đánh giá đề xuất danh mục lựa chọn sách giáo khoa của các tổ chuyên môn theo các nguyên tắc quy định tại Điều 2 Thông tư này và tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa do sở giáo dục và đào tạo địa phương quy định để bỏ phiếu lựa chọn sách giáo khoa bằng hình thức bỏ phiếu kín; sách giáo khoa được lựa chọn phải được trên 50% (năm mươi phần trăm) số thành viên của Hội đồng bỏ phiếu đồng ý lựa chọn.
Nếu bỏ phiếu khách quan, nguy cơ cả năm chọn chưa xong sách giáo khoa! |
Ngoài ra, các thành viên còn phải tham khảo ý kiến của giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh về việc lựa chọn sách giáo khoa.
Các quy định trên nếu được thực hiện một cách nghiêm túc thì đó là điều rất tốt. Tuy nhiên, không ít người lo ngại nguyên tắc dân chủ trong chọn lựa sách giáo khoa bị vi phạm.
Việc nhà xuất bản giáo dục chi thù lao cho Ban chỉ đạo biên soạn bộ sách giáo khoa miền Nam thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh cho thấy nguyên tắc dân chủ trong lựa chọn sách giáo khoa có thể bị vi phạm.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa 13 nhận định: “Nhà xuất bản là doanh nghiệp lại trả thù lao cho cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục thì việc lựa chọn sách giáo khoa cho các trường trên địa bàn làm sao còn bảo đảm tính khách quan, công bằng nữa” [1].
Dư luận đặt ra những lo lắng thiếu khách quan trong lựa chọn sách giáo khoa là không thừa. Đặc biệt, trong bối cảnh có 5 bộ sách giáo khoa đều đạt chuẩn và về lý thì chọn bất cứ bộ sách nào cũng đều được.
Ngoài lo lắng về sự mất dân chủ trong chọn lựa sách giáo khoa một nhu cầu hiện nay là phụ huynh muốn được biết tinh thần của từng bộ sách giáo khoa lớp 1 liệu còn được tiếp tục thể hiện trong các bộ sách giáo khoa lớp 2, lớp 3 hay không?
Nếu lớp 1 học sách của nhóm tác giả A với một triết lý, quan điểm đặc trưng nhưng sang lớp 2 lại học của một nhóm tác giả khác với một triết lý mới thì chẳng khác nào “râu ông nọ, chắp cằm bà kia”.
Đến thời điểm này, chưa có nhóm tác giả viết sách lớp 1 nào đảm bảo sẽ viết thành công sách giáo khoa lớp 2 và cho thấy tinh thần triết lý mà họ đã thể hiện trong sách giáo khoa lớp 1 được tiếp nối khi viết sách giáo khoa ở lớp 2, lớp 3. Do đó đến nay câu hỏi tính kế thừa, phát triển tư tưởng của từng bộ sách vẫn chưa được làm rõ.
Tài liệu tham khảo
1 https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/can-bo-nhan-tien-cua-nha-xuat-ban-noi-thang-ra-la-di-dem-voi-nhau-de-chon-sach-post205318.gd?