Giáo sư đầu ngành về tim mạch chia sẻ về chuyện nghề, chuyện đời

27/02/2013 07:12
N.Huệ - T.Long
(GDVN) - Đã hơn 12h trưa nhưng GS. TS Nguyễn Lân Việt (Viện trưởng Viện Tim mạch - Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) vẫn tất bật với công việc của một bác sĩ. Sự tất bật ấy không chỉ riêng Giáo sư mà cả tập thể hơn 200 cán bộ, viên chức của Viện Tim mạch. Ai cũng chung nhịp công việc như thế.

Mỗi lần nhắc tới Viện Tim mạch – Bệnh viện Bạch Mai, nơi tuyến điều trị cuối cùng, phải đón tiếp tất cả những bệnh nhân nặng nhất về tim mạch trong cả nước, GS. TS Nguyễn Lân Việt không khỏi tự hào. Sau hơn 20 năm có quyết định thành lập Viện Tim mạch, trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai của Bộ Y tế (ngày 11/11/1989) tới nay, tuy so với nhiều nước trên thế giới, cơ sở vật chất của mình chưa sánh bằng họ nhưng về lĩnh vực tim mạch, Giáo sư khẳng định, mình đã đuổi kịp họ.

Thậm chí có những lĩnh vực mình làm tốt hơn họ. Trong những năm 1999 - 2008, Viện Tim mạch luôn là đơn vị mũi nhọn của bệnh viện Bạch Mai và của ngành trong việc ứng dụng các kỹ thuật cao để chẩn đoán và điều trị những bệnh lý về tim mạch.

Hơn 20 năm xây dựng và phát triển, một chặng đường chưa dài nhưng các y, bác sĩ của Viện, với đôi tay khéo léo kết hợp với kĩ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị bệnh tim mạch đã mang lại nhịp đập khỏe mạnh cho hàng vạn trái tim người bệnh. Đó là bước tiến vượt bậc mà thành công ấy, với Giáo sư, không thuộc về cá nhân ai.

Một buổi đi buồng thăm khám bệnh nhân của Viện trưởng Viện Tim mạch (Ảnh: bachmai.gov.vn).
Một buổi đi buồng thăm khám bệnh nhân của Viện trưởng Viện Tim mạch (Ảnh: bachmai.gov.vn).

Hơn 70 bác sĩ đang công tác tại Viện, hầu hết đều có trình độ sau đại học với trình độ chuyên môn giỏi. Họ là những người trẻ tuổi, những người làm cầu nối, nhịp giao lưu giữa kĩ thuật tiên tiến trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh tim mạch trong và ngoài nước.

Chia sẻ về đội ngũ bác sĩ trẻ, niềm tự hào của Viện, GS. TS Nguyễn Lân Việt nói: “Có nhiều bác sĩ hiện đang là chuyên viên của Tổ chức Y tế thế giới và giảng dậy về chuyên ngành tim mạch ở nhiều nước. Họ đều có một cái “tâm” và cái “tầm” nhất định”.

Ở Viện Tim mạch, đã có nhiều thế hệ chuyển giao, mỗi thế hệ là một bước đệm để tạo nên những bước ngoặt lớn, tạo đà cho sự “trưởng thành” không ngừng của Viện. Sự trưởng thành ấy được ghi dấu ấn sâu sắc trong việc kết hợp giữa Viện Tim mạch và trường Đại học Y Hà Nội. Có nhiều Phó Giáo sư của Viện cùng tham gia công tác giảng dậy ở bộ môn tim mạch của trường.

Trong tâm sự của người thầy thuốc, người thầy đứng trên bục giảng ấy chất chứa rất nhiều những trăn trở để có được đội ngũ y bác sĩ thực sự tâm huyết với nghề. Chính vì thế GS rất ấn tượng với mô hình Viện – Trường mà hiện nay, Viện Tim mạch đang triển khai và áp dụng, nhằm tạo nên sự gắn kết các hoạt động của bộ môn tim mạch (trường Đại học Y Hà Nội) với Viện Tim mạch.

Theo Giáo sư, khi có sự kết hợp mật thiết giữa thầy cô giáo của Đại học Y với đội ngũ bác sĩ của Viện cũng như các bệnh nhân sẽ tạo điều kiện tốt cho học viên, sinh viên nâng cao tay nghề, tạo động lực để bản thân mỗi người cập nhật được những kiến thức mới nhất, tiên tiến nhất trong và ngoài nước về lĩnh vực tim mạch.

Trong mỗi bài giảng của mình, không chỉ kiến thức trong sách giáo khoa, mỗi thầy cô giáo, đặc biệt là những người đang công tác tại Viện luôn mang những câu chuyện vui buồn trong đời người bác sĩ tim mạch ra kể cho sinh viên của mình nghe. Để các em lắng nghe, các em phân tích và cùng trải mình trong từng kíp trực ấy. Và thầy cô cũng thức ngủ cùng các em trong từng ca trực. Những bài học dần mang đậm tính thực tế.

Có rất nhiều thành công nhưng cũng có những chẩn đoán chưa chính xác. Điều quan trọng người thầy phân tích được cái chưa chính xác ấy nguyên nhân xuất phát từ đâu, để làm bài học kinh nghiệm đắt giá cho chính mình và cho cả đồng nghiệp, học sinh. “Những lúc phân tích được như thế, chúng tôi thấy rõ nét chăm chú trên từng gương mặt sinh viên. Sự mẫu mực, mô phạm của người thầy được thể hiện qua đó. Tấm gương người thầy giảng dậy trong lĩnh vực y học còn thể hiện qua từng lời ăn, cách thức giao tiếp với bệnh nhân”, Giáo sư cười.

Một buổi phẫu thuật tim hở của các bác sĩ Viện Tim mạch (Ảnh: bachmai.gov.vn)
Một buổi phẫu thuật tim hở của các bác sĩ Viện Tim mạch (Ảnh: bachmai.gov.vn)

Từng đồng hành cùng đồng nghiệp, sinh viên chuyên ngành tim mạch, bệnh nhân… trên chặng đường đi tìm những nhịp đập khỏe mạnh của hàng vạn trái tim, GS. TS Nguyễn Lân Việt hiểu, những vui buồn trong đời người bác sĩ tim mạch nhiều lắm, để kể sẽ chẳng bao giờ hết được.

Những diễn biến về bệnh tim mạch rất phức tạp và có cả yếu tố đột ngột nên đòi hỏi người bác sĩ tim mạch phải được trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn để có thể phản ứng nhanh trước mọi tình huống. Với mỗi cán bộ, nhân viên của Viện, Giáo sư luôn đặt lên hàng đầu yếu tố nhạy bén nghề nghiệp. “Với những ca, đặc biệt là những ca khó nhưng mỗi đồng nghiệp của tôi chẩn đoán và điều trị, cứu sống được bệnh nhân, đó chính là niềm vui lớn nhất với người làm bác sĩ. Càng vui hơn khi thấy được nụ cười đầy sức sống của người bệnh và ánh nhìn lạc quan của người nhà bệnh nhân”, Giáo sư cho biết.

Kể về nỗi buồn, sự vất vả của người bác sĩ tim mạch, Giáo sư chỉ cười: “Có lẽ chính vì vất vả mà nhiều con em của cán bộ trong Viện không muốn nối nghiệp bố mẹ. Vì cái thiếu thốn nhất với bác sĩ tim mạch nói riêng và bác sĩ nói chung đó chính là quỹ thời gian dành cho gia đình. Thời gian họ ở trong viện, thời gian họ tâm huyết dành cho bệnh nhân có khi nhiều hơn. Vất vả đấy nhưng nếu thực sự đam mê và có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực này thì không có việc gì là khó cả”.

Khó khăn trước mắt của Viện Tim mạch sẽ còn rất nhiều, nhưng có thể nói, việc ứng dụng thành công, rộng rãi các kỹ thuật tiên tiến vào công tác chẩn đoán và điều trị bệnh lý tim mạch đã mang lại hiệu quả cao cả về kinh tế và xã hội. Và vào đúng dịp kỷ niệm 20 năm thành lập (năm 2009), Viện Tim mạch trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.


Viện đã hoàn thiện và đưa vào ứng dụng nhiều quy trình kĩ thuật thăm dò chẩn đoán và điều trị hiện đại như: siêu âm cản âm, siêu âm gắng sức; siêu âm tim qua thực quản; Holter điện tâm đồ 24h; Holter huyết áp 24h; kỹ thuật Chụp và can thiệp động mạch vành; kỹ thuật nong van hai lá bằng bóng qua da, điều trị loạn nhịp tim bền bỉ và phức tạp bằng RF; cấy máy tạo nhịp trong điều trị rối loạn nhịp chậm; cấy máy tạo nhịp phá rung tim; cấy máy tạo nhịp điều trị suy tim…

Ngoài ra, Viện cũng đã triển khai rất hiệu quả nhiều kỹ thuật can thiệp qua da (không cần phải phẫu thuật) trong điều trị một số bệnh tim bẩm sinh thường gặp (bít các lỗ thông liên nhĩ, thông liên thất, đóng các ống động mạch bằng dụng cụ qua đường mạch máu).

N.Huệ - T.Long