Để hiểu rõ những trách nhiệm nặng nề của thầy cô giáo chủ nhiệm bậc tiểu học bạn phải trải nghiệm một ngày trong vai thầy cô chủ nhiệm thì mới thấu hiểu hết những nhọc nhằn, những vất vả, gian nan.
Muốn làm công tác chủ nhiệm đạt hiệu quả thì giáo viên chủ nhiệm phải đầu tư khá nhiều thời gian, công sức. (Ảnh chỉ mang minh họa: Giaoducthoidai.vn) |
Nếu giáo viên bậc trung học cả ngày không có mặt ở lớp chủ nhiệm cũng chẳng sao nhưng vắng giáo viên chủ nhiệm ở tiểu học một ngày, lớp đã xảy ra biết bao nhiêu chuyện.
Nói thế để thấy được vai trò nặng nề của những thầy cô giáo làm chủ nhiệm bậc tiểu học. Thế nhưng thù lao của ngành dành cho giáo viên chủ nhiệm chúng tôi chưa thật tương xứng.
Giáo viên chủ nhiệm tiểu học làm gì mỗi ngày?
Giờ vào học của các em học sinh tiểu học khoảng 7 giờ kém 10(buổi sáng) và 2 giờ kém 5 phút buổi chiều.
Giáo viên chủ nhiệm phải có mặt ở trường trước 30 phút. Thầy cô chủ nhiệm sẽ cùng một số học sinh dọn dẹp phòng học, chỉnh trang bàn ghế, quét dọn vệ sinh trong lớp và khu vực xung quanh lớp đã được phân công.
Với lớp nhỏ (lớp 1, 2) chủ yếu giáo viên quét dọn nhưng vừa làm vừa hướng dẫn trẻ nhỏ cách cầm chổi, cách quét, cả cách hốt rác sao cho sạch và đổ rác nơi nào cho đúng quy định…
Vào lớp, kiểm tra sĩ số, liên hệ với phụ huynh, dặn dò, nhắc nhở các em thực hiện tốt nội quy trong ngày.
Thầy cô còn phải lắng nghe học sinh phản ánh để xử lý những sai phạm mà một số em mắc phải trong những tiết học chuyên, tiết học của thầy cô không chủ nhiệm.
Học sinh nhỏ nên sai đâu nhắc đó, dặn dò và nhắc nhở liên tục để các em ghi nhớ. Thầy cô chủ nhiệm tiểu học chẳng khác gì cha mẹ các em ở trường vì luôn phải theo sát cả giờ học, giờ chơi của các em.
Ngoài dạy kiến thức, giáo viên chủ nhiệm phải dành khá nhiều thời gian để dạy học sinh một số kĩ năng cần thiết trong cuộc sống.
Từ việc gọi dạ, bảo vâng, đưa và nhận từ người lớn bằng 2 tay, biết nói lời cảm ơn, xin lỗi, biết nói lời yêu cầu, đề nghị với thầy cô, với bạn bè.
Dạy từng việc đi vệ sinh sao cho sạch (nhất là với học sinh lớp 1,2).
Đầu năm, giáo viên phải dẫn các em ra nhà vệ sinh để hướng dẫn tỉ mỉ từ cách ngồi, cách vệ sinh sao cho sạch sẽ bản thân và cách giữ gìn nhà vệ sinh chung.
Những buổi sinh hoạt ngoại khóa như kể chuyện, đóng hoạt cảnh, văn nghệ chào mừng, đi dã ngoại…giáo viên chủ nhiệm gần như ôm hết mọi việc từ chuẩn bị, tập dợt, lo trình diễn, đảm bảo an toàn cho các em…
Những điều kể trên có thấm tháp gì so với việc phải lo duy trì sĩ số, lo thu các khoản tiền trường. Chỉ cần một vài học sinh nghỉ học thì xem như bao công sức cuối năm của thầy cô chủ nhiệm cũng đi tong.
Thế nên, giáo viên phải bỏ công đến nhà phụ huynh, có khi đi mòn đường mỏi gối. Trước là vận động, sau là năn nỉ để phụ huynh cho các em đi học lại.
Chuyện thu tiền cũng vô cùng gian nan, ngoài một số địa phương không bắt giáo viên chủ nhiệm thu tiền nhưng đa phần các trường vẫn buộc giáo viên chủ nhiệm làm công việc này để việc thu đạt kết quả cao.
Thế là vào lớp, thầy cô chưa dạy mà lo thu tiền và nhắc nhở học sinh chưa đóng. Công việc này, xảy ra cả năm học (đầu năm nhiều khoản tiền nên vất vả hơn) chứ không phải một thời gian. Có phụ huynh chây ì, thầy cô còn phải đến tận nhà vận động.
Trên trường là thế, về nhà thầy cô chủ nhiệm còn phải lên kế hoạch cho lớp chủ nhiệm. Nào kèm cặp học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi, rèn đạo đức cho các em…
Ngoài những kế hoạch trên, giáo viên chủ nhiệm còn phải làm sổ kế hoạch chủ nhiệm hàng tuần cho lớp mình chủ nhiệm.
Công việc vất vả thế nhưng đãi ngộ thì sao?
|
Thời gian thầy cô giáo bỏ ra cho lớp chủ nhiệm khá nhiều.
Thế nhưng giáo viên chủ nhiệm tiểu học được giảm trừ 3 tiết dạy/tuần có thể nói rằng chưa thật sự thỏa đáng.
Một tiết dạy ở tiểu học 35 phút, vậy một tuần giáo viên chủ nhiệm bậc tiểu học chỉ được giảm 3 tiết dạy tương đương 105 phút, nghĩa là chưa được 2 tiếng đồng hồ.
Trong khi đó, thầy cô chủ nhiệm 2 bậc học còn lại ( học sinh đã lớn nên ý thức cao hơn) nhưng công tác chủ nhiệm vẫn được giảm 4 tiết học/tuần.
Để làm tròn vai trò của một giáo viên chủ nhiệm, để lớp chủ nhiệm đạt kết quả tốt thầy cô giáo chủ nhiệm phải bỏ thời gian ra khá nhiều.
Thế nhưng, chế độ đãi ngộ chưa tương xứng nên phần lớn giáo viên không có hứng thú gì khi được phân công làm chủ nhiệm.
Nhiều giáo viên còn có nhu cầu xin được ra làm giáo viên dự khuyết để có thêm thời gian làm nghề tay trái chăm lo cho gia đình.
Có thầy cô làm chủ nhiệm nhưng cũng chẳng tận tâm. Vì thế, chất lượng lớp chủ nhiệm không được như mong muốn.
Để học trò phát triển một cách toàn diện thì công tác chủ nhiệm của giáo viên cần được chăm lo một cách đúng mức. Có thế, giáo viên mới cống hiến hết mình cho công tác chủ nhiệm của mình.