Khó và Khéo của giáo viên chủ nhiệm

25/11/2019 14:27
NHẬT DUY
(GDVN) - Làm giáo viên chủ nhiệm vất vả nhưng có những niềm vui nhất định bởi học trò luôn có những ấn tượng, tình cảm đặc biệt với thầy, cô giáo chủ nhiệm lớp mình.

Làm công tác chủ nhiệm lớp, dù cấp học nào thì giáo viên cũng đều chịu nhiều vất vả và áp lực lớn hơn so với giáo viên không chủ nhiệm lớp. Song, đã là giáo viên thì việc làm chủ nhiệm lớp cũng là một lẽ thường tình của người thầy.

Vì vậy, để công việc này được tốt, được lòng cấp trên, vừa lòng phụ huynh và được học trò tin yêu luôn đòi hỏi người thầy phải thực sự khéo léo trong ứng xử và cả trong xử lý công công việc.

Thầy cô chủ nhiệm lớp thường được học trò quý mến và tin yêu (Ảnh minh họa: TTXVN)
Thầy cô chủ nhiệm lớp thường được học trò quý mến và tin yêu (Ảnh minh họa: TTXVN)

Lựa chọn giáo viên chủ nhiệm không hề dễ dàng

Việc được phân công chủ nhiệm lớp đối với giáo viên tiểu học là chuyện rất bình thường bởi cấp học này chỉ có giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật, Thể dục, Tiếng Anh là Ban giám hiệu không phân công chủ nhiệm. Các giáo viên còn lại đều phải làm chủ nhiệm lớp hàng năm.

Tuy nhiên, đối với cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông thì giáo viên dạy theo từng môn nên việc phân công giáo viên chủ nhiệm thường được luân phiên, chỉ trừ một số tổ chuyên môn mà dư tiết thì Ban giám hiệu không phân công chủ nhiệm.

Khi được phân công chủ nhiệm đương nhiên là Ban giám hiệu kỳ vọng vào rất nhiều đội ngũ thầy cô này phát huy được khả năng của mình để quản lý lớp học của mình được tốt nhất.

Bởi mỗi lớp có mấy chục em học sinh, nếu giáo viên chủ nhiệm làm tốt thì đương nhiên là nền nếp sẽ ổn định, các em có ý thức cao hơn trong học tập và đương nhiên sẽ góp phần nâng cao được chất lượng giảng dạy của nhà trường.

Những thầy cô chủ nhiệm giỏi luôn có những phương pháp tốt để hướng học sinh của mình có ý thức học tập và có những thái độ tốt với các thầy cô bộ môn khác, tạo nên những “điểm sáng” cho nhà trường.

Tuy nhiên, thực tế thì trong mỗi trường vẫn có một số giáo viên chủ nhiệm còn yếu, chưa đầu tư nhiều công sức, thời gian cho lớp khi được phân công làm công tác chủ nhiệm nhưng bắt buộc nhà trường phải phân công vì số tiết dạy thiếu nhiều.

Khó và Khéo của giáo viên chủ nhiệm ảnh 2
Giáo viên chủ nhiệm giỏi, vì sao khó lắm?

Chính vì vậy, một vài giáo viên chưa làm tốt công tác được phân công. Một số thầy cô đã ứng xử với phụ huynh, xử lý học sinh chưa khéo léo, phù hợp nên dẫn đến tình trạng một số phụ huynh trong lớp không vừa lòng và họ phản ánh lên Ban giám hiệu nhà trường.

Thực tế hiện nay, nhiều lớp học ở những khu vực có điều kiện là cha mẹ học sinh thường tạo ra nhóm chát chung trên facebook hoặc zalo để liên lạc với nhau nên mọi thông tin trong lớp học đều được các phụ huynh thông báo cho nhau rất nhanh và cụ thể.

Nếu trong quá trình đứng lớp, sinh hoạt lớp mà giáo viên chủ nhiệm có những lời lẽ, thái độ bực tức khi lớp mình có học sinh vi phạm, khi lớp xếp thi đua hàng tuần mà xếp hạng thấp nên dùng một số ngôn từ không phù hợp đối với học sinh thì nhiều khi phụ huynh cũng biết được.

Lúc đó, những thông tin này thường được phản ánh lên Ban giám hiệu nhà trường hoặc đưa mạng xã hội dẫn đến uy tín của giáo viên chủ nhiệm bị ảnh hưởng theo. Thời gian qua, chúng ta còn thấy tình trạng phụ huynh đặt lén camera trong lớp để theo dõi giáo viên chủ nhiệm.

Cái khéo của người giáo viên chủ nhiệm

So với giáo viên bộ môn thì giáo viên làm công tác chủ nhiệm cực hơn rất nhiều. Bởi, thời điểm đầu năm học, cuối năm học thường phải vào trường quản lý học sinh và làm một số hồ sơ cho học trò.

Các phong trào của nhà trường thì giáo viên chủ nhiệm cũng đều phải đi cùng học sinh. Học trò hư, học trò vi phạm thì bị Ban giám hiệu quở trách, bị giáo viên bộ môn than phiền khiến giáo viên chủ nhiệm nhiều khi phải căng thẳng.

Chuyện mệt mỏi nhất là học sinh đánh nhau, học sinh có hiềm khích với nhau, học sinh trốn học thì phụ huynh đều điện cho giáo viên chủ nhiệm và yêu cầu xử lý và thậm chí có những lời lẽ khó nghe.

Chính vì những việc không tên đến liên tục như vậy nên khi được phân công giáo viên chủ nhiệm cần tạo được “cái uy” trước học trò và uốn nắn các em đi vào khuôn khổ ngay từ đầu năm học thì trong cả năm sẽ đỡ vất vả hơn cho người thầy.

Khó và Khéo của giáo viên chủ nhiệm ảnh 3Được chọn làm chủ nhiệm, tôi lo lắng và hào hứng

Làm giáo viên chủ nhiệm ắt phải nghiêm thì lớp mới đi vào nền nếp. Nhưng, nghiêm mà không hà khắc nhằm đưa lớp vào quỹ đạo để học trò học tập và hoạt động trên tinh thần tự giác, trách nhiệm mới là điều mà giáo viên chủ nhiệm hướng tới.

Khi xử lý học sinh vi phạm hay học sinh thường xuyên mắc khuyết điểm trong lớp có thể nhắc trước lớp nhưng tuyệt đối không nên xúc phạm học trò trước mặt bạn bè trong lớp. Điều quan trọng là giáo viên cần gặp gỡ riêng học sinh để tìm hiểu cặn kẽ về các em và động viên các em tiến bộ.

Những việc trong tầm tay của mình thì giáo viên chủ nhiệm không nên báo cáo lên Ban giám hiệu, không cần mời phụ huynh đến trường. Giáo viên có thể làm cho học sinh sợ thầy, nể thầy mà không dám vi phạm lần sau.

Những chuyện riêng tư của lớp, những học sinh vi phạm trong lớp, trong trường, những học sinh không thuộc bài, bị điểm kém thì giáo viên nên trao đổi riêng với phụ huynh.

Tránh tình trạng cái gì cũng đưa lên than thở, nhắc nhở chung trên nhóm chát của lớp mình. Làm vậy, phụ huynh có con vi phạm cảm thấy bị xúc phạm mà phụ huynh khác cũng khó chịu.

Giáo viên chủ nhiệm lớp luôn vất vả hơn nhưng có những niềm vui nhất định bởi học trò luôn có những ấn tượng, tình cảm đặc biệt với thầy, cô chủ nhiệm lớp mình.

Vì vậy, nếu thầy cô làm tốt công việc này thì sẽ tạo nên uy tín của mình trước nhà trường, phụ huynh học sinh và cái cơ bản nhất là giúp cho mấy chục học sinh tiến bộ, cùng đoàn kết học tập, phấn đấu.

Giáo viên chủ nhiệm đương nhiên là vất vả, là cực hơn những giáo viên không chủ nhiệm lớp. Thế nhưng nhiều thầy cô vẫn thích được phân công làm chủ nhiệm bởi đó là tình yêu đối với nghề, với trường lớp, với học trò thân yêu của mình.

NHẬT DUY