LTS: Có những nỗi khổ của giáo viên hợp đồng không phải ai cũng biết như: nỗi khổ hợp đồng kí rồi lại hết, làm vất vả nhưng lương không đủ sống, tốn công, tốn của ... và ngược lại cũng có nỗi khổ giáo viên chính thức bị mất quyền lợi vì giáo viên hợp đồng, đụng độ rồi mất nghiệp.
Thầy giáo Nguyễn Văn Lự đã có bài viết chia sẻ về những vấn đề này!
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!
Rất khó có cơ hội biên chế nhưng không ít thầy cô vẫn bằng mọi cách để có suất dạy hợp đồng; nhiều đồng nghiệp hiểu sẽ cảm thông, người không quan tâm thì mặc kệ và nhiều người tỏ thái độ bất bình với thầy cô hợp đồng.
Cuộc đua mạo hiểm: mình làm mình chịu
Tốn bao công sức, tiền của, học và thi đỗ rồi tốt nghiệp Sư phạm, thầy cô giáo trẻ chỉ còn biết lao vào cuộc đua mạo hiểm tìm việc trong cơn bão hòa biên chế.
Đó sẽ lại tốn công, tốn của và tốn tình cảm… không ít người đã huy động nguồn vốn dự phòng cả vật chất, tinh thần và cả các mối quan hệ mong tìm cho con em một nơi để được đứng trên bục giảng.
Trong "cơn bão" giáo viên hợp đồng, ước mơ nghề giáo có còn cao quý? |
Bản thân thầy cô giáo trẻ cũng tình nguyện dấn thân, sẵn sàng đương đầu với tất cả được mất, khó khăn.
Có trường hợp chỉ cần đi dạy cho oai, cho sang, tiền bạc nhà chu cấp; có người học giỏi tiếc công chạy cố tìm cơ hội để thực hiện giấc mơ xanh.
Có người vì bạc nhược, yếu mềm nếu bố mẹ không chạy suất dạy hợp đồng thì không biết làm gì; và có người tiếc tiền đã bỏ ra nên quyết đeo bám đến cùng quyết cho ra nhẽ.
Khoảng vài phần trăm trong số đó thấy bóng biên chế lờ mờ, những đối tượng “con ông cháu tôi” đã xong xuôi cả, nên sót lại mình không biết kêu ai, bám vào ai đang chới với lặn ngụp giữa dòng, đa số biết thân biết phận đã rẽ đường công ty hay tìm nghề khác.
Tôi đã khuyên các cháu tôi, ai giỏi thi hết mình, không chạy, không dạy hợp đồng và chỉ có một cháu thi dạy môn tiếng Anh trường Tiểu học. Cháu học giỏi, đỗ cứng biên chế huyện Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc năm 2013; còn các cháu còn lại ăn lương công nhân hết.
Người thân quen hỏi đường chạy dạy hợp đồng, tôi cũng mách họ chọn cho con việc khác, nghề khác, tất nhiên, người vẫn đi theo đường của người.
Giáo viên mòn mỏi chờ kí hợp đồng (Ảnh nguồn: news.zing.vn). |
Trước khi được nghe câu “đồng ý thì ký”, chắc rằng các thầy cô trẻ và phụ huynh đều được người có thẩm quyền cho biết nhiều thông tin quan trọng.
Lo lắng chồng chất: “ông ấy nghỉ thì thế nào, hợp đồng đến bao giờ, có cơ hội chạy không?”; đến những khó khăn: làm vất vả nhưng không đủ tiền ăn và xăng xe, mất việc như chơi, và chưa chắc mọi người ủng hộ và thông cảm.
Trớ trêu và chẳng thể hiểu nổi, hiện nay, người tin vào may rủi dấn thân vào cuộc đua mạo hiểm khi biết chỉ có 0,01 % hy vọng thành công ở đâu cũng thấy!
Giáo viên hợp đồng bị ghét ngay trong sân nhà
Thêm người bớt việc, bớt lợi ích là điều không ai muốn trong điều kiện thu nhập của nhà giáo cộng thêm thì bé mà chỉ trừ thêm lương thì nhiều.
Trường thiếu sao không điều giáo viên biên chế ở nơi thừa sang, dù là biệt phái vài tháng, hay một năm, hai ba năm? Các cụ nhà ta bảo: “Mẻ (giấm làm từ cơm nguội) không ăn cũng chết”, chắc thế nên cấp trên không thể làm theo cách điều chuyển biệt phái hay vì sợ giáo viên phải di chuyển khổ quá không làm?!
Người ta ghét thầy cô hợp đồng trước hết cũng là để “ghét” mấy ông làm sai, “cứ ấn vào, ép xuống”, đố anh nào dám chống (cũng có trường, hiệu trưởng tự ý tuyển hợp đồng).
Đến Hiệu trưởng, chủ tài khoản còn chưa chấp nhận thì giáo viên nào vui cho được!
Nhưng, trừ học sinh yêu kính, vì sao giáo viên hợp đồng “bị đồng nghiệp không thích”?
Thứ nhất, tiền lương, tiền hỗ trợ, quà ngày lễ, tiền tham quan du lịch chi trả cho hợp đồng lấy từ nguồn tiền của trường.
Nghĩa là hàng trăm triệu tiết kiệm trong túi của chúng mình tự nhiên ra đi (Ví dụ, một trường tiền chi trả giáo viên hợp đồng = 2,5 triệu/tháng x 9 tháng x 5 hợp đồng = 112,5 triệu VND).
Người thầy và lòng tự trọng |
Ai được cứ được, còn anh em trong trường, kể cả sếp thì rõ là mất trắng khoản đó.
Nếu là lúc cơ hàn, khó khăn không đủ, không có giáo viên bộ môn thì một nhẽ, nhưng nhiều trường thừa vài suất, giáo viên chưa dạy đủ tiêu chuẩn của Bộ quy định.
Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT, ngày 21/10/2009 quy định cấp Tiểu học 23 tiết/tuần, Trung học Cơ sở 19 tiết/ tuần, Trung học Phổ thông 17 tiết/ tuần (trường ở thành phố, thị trấn… liên tục thừa) mà vẫn hợp đồng lại là việc tạo bất bình trong giáo giới.
Thứ hai, giáo viên hợp đồng chưa làm hết trách nhiệm, rồi lại đến giáo viên chính làm thay.
Như cán bộ tăng cường hay về thực tập và một tuần chỉ có mặt vài buổi, vài giờ (theo sự ưu tiên thời khóa biểu), xong là các thầy cô hợp đồng về.
Họ cũng họp, cũng làm nhiều việc chuyên môn khác theo quy định, cũng tham gia nhiều hoạt động chung nhưng kém hưng phấn và hiệu quả.
Tâm lý đợi thời và hoài nghi, làm việc theo kiểu ngày mai không biết sẽ ở đâu?
Thứ ba, một vài đồng nghiệp tỏ thái độ gay gắt khi bị lãnh đạo san sẻ giờ dạy thêm chuyên đề, lớp chuyên đề.
Phép tính đơn giản mất thu nhập, nếu không có hợp đồng, thầy cô A, môn B sẽ dạy 3 lớp, mỗi lớp 2 tiết dạy thêm, bây giờ còn 2 lớp số tiền còn chỉ là 4 tiết…
Do nhiều nguyên do, đúng quy trình và hợp lý, nhà quản lý bớt của người này người kia giờ dạy thêm nhằm giúp tăng thu nhập cho giáo viên hợp đồng để họ sống được để đi làm!
Giáo viên chính thức bỗng nhiên “bị làm từ thiện” gánh giúp cán bộ suất hợp đồng trong khi họ còn muốn dạy tăng giờ phụ giúp con cái học hành.
Thứ tư, cá biệt còn bị vạ lây vì đụng giáo viên hợp đồng.
Người không tìm hiểu các thầy cô hợp đồng, cứ tưởng họ không có bóng cây Kơnia nên góp ý thẳng quá thành ra lại được nhắc nhở, rút kinh nghiệm nội bộ: “Cháu nó - lãnh đạo trường X - mới ra trường còn non yếu, vì hoàn cảnh gia đình, có chút quan hệ với ông B, bà C… đồng chí nên bỏ quá… và cần… và không…”.
Thứ năm, trong vòng tròn xã hội việc làm, thầy cô hợp đồng cũng không thể tránh được khó khăn, túng thiếu, không tránh được thất nghiệp và may rủi trong đối xử.
Là thành viên của cộng đồng, bình đẳng và trách nhiệm, thầy cô nói riêng và người làm hợp đồng nói chung, cần nhận thức đúng và đủ về quyền lợi, nghĩa vụ và thái độ ứng xử để được người khác hiểu, tôn trọng và giúp đỡ.
Nếu chỉ vì đồng tiền đã mất, nếu chỉ vì quan hệ, nếu vì cậy thần thế, hay giàu có mà phớt lờ đồng nghiệp, xem nhẹ công việc, hay “chơi chảnh” sớm muộn bạn sẽ bị cô lập và ghét bỏ, cho dù được ai đó bảo kê.
Thứ sáu, người ta chỉ thương cảm và bênh vực, đấu tranh cho những thầy cô hợp đồng năng lực chuyên môn, phẩm chất tốt, cầu tiến bộ và lỡ đầu tư nhầm đối tượng, bị phá hợp đồng thành ra thất nghiệp.
Đồng nghiệp không giống người để bạn trả thù vì sai lầm của mình.
Giáo viên hợp đồng, đã chấp nhận cuộc chơi, sao còn khóc lóc, than vãn? |
Có thể thầy cô biên chế chưa cảm thông, chưa hiểu và tỏ bất bình, ghét bạn hợp đồng theo cách “giận cá chém thớt”, thương các bạn “tiền mất, tật mang” nhưng cắt sẻ miếng bánh khi không cần thiết, chưa chắc ai cũng muốn cầm dao.
Hàng nghìn giáo viên bị chấm dứt hợp đồng như một bài học thấm thía cho những ai ảo tưởng tin vào cơ may của các ông lớn.
Thói đời, giàu thì tham, quan tham đã được Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cảnh báo, từ thế kỷ XVI, những người chạy việc hợp đồng.
Xin trích để quý vị cùng suy ngẫm và chọn cho mình nghề kiếm sống phù hợp khi bị chấm dứt hợp đồng:
“Vụng khéo nào ai chả có nghề,
Khó khăn ai luỵ đến thê nhi.
Được thì thân thích đem chân đến,
Thất thế hương lư ngoảnh mặt đi.
Thớt có tanh tao ruồi đỗ đến,
Gang không mật mỡ kiến bò chi!
Đời nay những trọng người nhiều của,
Bằng đến tay không ai kẻ vì?”
(Nguồn: Nhân tình thế thái 19, Bạch Vân quốc ngữ thi tập, Văn đàn bảo giám, Nhà xuất bản Văn học, 2004).