Nếu làm một cuộc khảo sát nhanh giáo viên các trường học trong cả nước “bạn có vay thấu chi của ngân hàng không?” chúng tôi dám khẳng định rằng phải 90% số người trả lời có.
Cũng nhờ khoản thấu chi trong tài khoản mà nhiều nhà giáo nói rằng, chính mình có thêm điểm tựa để giải quyết nhiều khó khăn vướng mắc về tài chính trong cuộc sống.
Giáo viên vay thấu chi chủ yếu để được rút tiền mặt trang trải cuộc sống (Ảnh minh họa: TTXVN). |
Nhiều giáo viên khốn đốn
Có hạn mức vay thấu chi trong tài khoản, giáo viên khá yên tâm khi đến tháng mà lương chưa có. Chưa đến tháng mới mà lương đã hết rồi… thì vẫn có tiền xoay xỏa bằng cách rút tiền mặt thấu chi ra dùng dù tài khoản của mình đang bị âm.
Thế mà đùng một cái, nhiều thầy cô đi rút tiền chới với khi giao dịch không thực hiện được.
Bởi trước đó, mọi giao dịch vẫn diễn ra bình thường và khi kí hợp đồng vay thấu chi, khách hàng không được thông báo điều này.
Người gọi điện khắp nơi, người chạy tới chạy lui mấy vòng và nguyên nhân như “sét đánh ngang tai” đã được hé mở “tài khoản âm sẽ không thể rút thấu chi bằng tiền mặt nhưng có thể chuyển khoản và dùng thanh toán tiền mua hàng qua thẻ”.
Những tưởng chỉ địa phương mình, hỏi thăm một số đồng nghiệp khắp nơi họ cũng cho biết “tụi em cũng đang khốn đốn lên đây. Có lẽ tết này nhà chúng em mất tết”.
Có cô bạn đồng nghiệp về quê gọi điện gấp vào cầu cứu “chị chuyển gấp cho em mượn đỡ chục triệu khi vào em sẽ trả. Giờ không cho rút thấu chi em cũng chẳng biết lấy tiền đâu để về”.
Không ít thầy cô lo sợ tiền lương sắp tới được chuyển vào tài khoản nhưng tài khoản đang âm sẽ chẳng thể rút ra tiền mặt thì lấy tiền đâu để chi dùng?
Theo quy định, không rút tiền mặt khi tài khoản đang âm nhưng có thể chuyển khoản. Nhiều giáo viên đã thực hiện cách này để có tiền mặt.
Khổ nỗi, trong trường chẳng tìm ra một tài khoản nào dương để giáo viên mượn chuyển tiền vào và nhờ rút tiền ra.
Thế là giải pháp cuối cùng, giáo viên phải đi mở thêm một tài khoản nữa để thực hiện thao tác chuyển thấu chi vào tài khoản dương để rút tiền mặt ra chi tiêu.
Ngân hàng Agribank thay đổi quy định
Chúng tôi đã có dịp gặp gỡ, trao đổi với ông Phạm Văn Hưng - Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Việt Nam chi nhánh thị xã La Gi, Bình Thuận về vấn đề này và được biết:
“Đây là quy định chung của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chứ không phải của riêng Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Việt Nam chi nhánh thị xã La Gi”.
Thông tư 39/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định rõ:
Cho vay theo hạn mức thấu chi trên tài khoản thanh toán: Tổ chức tín dụng chấp thuận cho khách hàng chi vượt số tiền có trên tài khoản thanh toán của khách hàng một mức thấu chi tối đa để thực hiện dịch vụ thanh toán trên tài khoản thanh toán. Mức thấu chi tối đa được duy trì trong một khoảng thời gian tối đa 01 (một) năm.
Các khoản vay thấu chi trên tài khoản thanh toán là việc khách hàng chỉ được sử dụng số tiền đó để thực hiện dịch vụ thanh toán trên tài khoản thanh toán theo quy định tại Nghị định 101/2012/NĐ-CP, Thông tư số 46/2014/TT-NHNN.
Đồng thời, không cho phép khách hàng sử dụng hạn mức thấu chi dưới hình thức rút tiền mặt thông qua thẻ ghi nợ.
Ví dụ rằng: Ngân hàng cấp phép cho bạn với mức thấu chi là 20 triệu đồng (gọi là hạn mức thấu chi), trong trường hợp tài khoản của khách hàng tại ngân hàng đó có giá trị bằng 0, khách hàng vẫn có thể rút tối đa thêm 20 triệu đồng nữa.
Số tiền này sẽ được ngân hàng tính lãi theo lãi suất vay vốn theo quy định.
Khách hàng có thể chuyển khoản cho bạn bè, người thân... thanh toán hóa đơn điện, nước, Internet.... hay đi siêu thị mua hàng hoặc mua hàng trực tuyến thì dùng thẻ để thanh toán vẫn bình thường được! Miễn không được rút tiền mặt ra thôi.
Giáo viên vay thấu chi chủ yếu để được rút tiền mặt trang trải nhiều nhu cầu trong tháng do khoản tiền lương quá thấp chi tiêu không đủ.
Nay không cho rút tiền mặt đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống sinh hoạt của đa phần các thầy cô giáo nghèo.