Phụ huynh than vãn
Suốt cả tuần nay, cô em họ ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết gia đình mình thường hay bất đồng cũng chỉ vì chuyện học và thi của cậu con trai đang học lớp 1.
Việc cho trẻ học thêm từ khi còn 4 tuổi là nhu cầu của nhiều phụ huynh hiện nay. (Hình biếm họa về dạy thêm học thêm của Satế) |
Sau bữa ăn bữa chiều là hai mẹ con vào bàn ngồi học. Nhưng chỉ ít phút sau, tiếng quát nạt, la hét của mẹ kèm tiếng khóc rấm rức, tức tưởi của con lại vang lên.
Ngày nào cũng thế, đôi lúc không chịu được cảnh ồn ào, anh chồng lên tiếng vì thương con, thế là hai vợ chồng quay qua to tiếng cãi vã với nhau.
Chị Lan Chi cho biết, ngoài việc phải cho con đọc lại các âm vần, từ và câu đã học còn phải rèn đọc cả bài văn dài gần trang sách.
Nhiều tiếng, từ cậu bé còn đánh vần thì lấy đâu mà đọc cả một văn bản dài hàng trăm tiếng? Đâu chỉ đọc không, còn phải trả lời câu hỏi theo nội dung bài mà nhiều người thường nói đó là đọc hiểu. Đọc chưa thông thì chẳng có cách gì hiểu được nội dung của văn bản muốn nói gì.
Học sinh lớp 1 mà phải đọc cả văn bản dài thế này là quá sức (Ảnh: Thảo Ly) |
Lượng kiến thức mỗi ngày học khá nhiều nên phần đông trẻ học trước quên sau. Nay, ôn lại để chuẩn bị cho kỳ kiểm tra nhiều bài chị phát hiện con mình không nhớ mặt chữ.
Không riêng gia đình em họ tôi, một người bạn ở Bình Thuận có con học lớp 1 năm học này cũng trong hoàn cảnh ấy. Anh Hùng cho biết, đứa lớn học lớp 2, đứa nhỏ học lớp 1.
Thế nhưng, đứa lớn học có vẻ nhàn hơn vì những bài tập đọc có độ dài vừa phải nhưng đứa bé học lớp 1 lại vất vả hơn nhiều vì đọc viết chưa thông nhưng bài học lại quá dài.
Mới học đến tuần 15 con đã phải nghe viết một đoạn chính tả. Viết tiếng, từ còn chưa rành nên khi đọc chính tả con không thể viết đúng được.
Nói rồi, anh Hùng than vãn ngỡ đổi sách giáo khoa, thay mới chương trình học sinh sẽ được giảm tải việc học. Ai dè kiến thức nặng hơn nhiều sách giáo khoa cũ.
Giáo viên cũng đánh vật với trò
Cả tuần nay, cô giáo Hằng nói rằng để chuẩn bị cho đợt kiểm tra học kỳ sắp tới cô cùng học sinh đánh vật với bài vở nhưng vẫn còn nhiều em rất khó khăn khi phải đọc trơn những văn bản dài.
Các em buộc phải nghe viết một đoạn chính tả chứ không được nhìn bảng chép như trước đây. Vì thế, một lớp cũng chỉ mươi em đọc đúng, viết đúng yêu cầu.
Khi dạy, các cô ưu tiên dạy môn tiếng Việt nhiều nhất. Có cô còn "ăn bớt” thời gian của những môn học khác mà đầu tư cho tiếng Việt với mong mỏi học sinh đọc tốt hơn, viết đúng hơn.
Nhiều giờ ra chơi, các cô cũng phải nán lại để kèm thêm cho một số học sinh còn chậm nhưng xem chừng cũng chưa có tiến bộ nhiều.
Một số cô giáo cũng cho biết, trong lớp những em học tốt, tiếp thu bài nhanh phần lớn đã biết chữ trước khi vào lớp 1. Với nội dung kiến thức nặng như thế nếu trẻ không đi học trước sẽ rất khó đọc thông viết thạo theo yêu cầu của bài.
Phụ huynh tìm thầy dạy thêm
Lo cho con vào lớp 1 năm học 2021-2022 cũng khó theo kịp chương trình, nhiều phụ huynh vùng quê tôi đã tìm thầy cho con khi các bé đang là học sinh mẫu giáo. Tội cho những đứa trẻ mới lên 5 đang tuổi ăn tuổi chơi phải gò lưng luyện viết và luyện đọc.
Giáo viên nhận dạy đa phần là giáo viên mẫu giáo sau giờ tan trường đã chở luôn các em về nhà để dạy chữ.
Chúng ta cứ hô hào chấm dứt dạy thêm, trẻ phải đi học trước tuổi sẽ đánh mất tuổi thơ nhưng kiến thức học mỗi ngày một khó, liệu không đi học trước có theo kịp hay không?