Giáo viên thời đại 4.0, đừng dạy học như cuốn sách giáo khoa biết nói

11/02/2021 06:54
Minh Phạm
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu giáo viên trong ba năm không làm mới trang giáo án của mình thì họ không thể hoàn thành nhiệm vụ của một nhà giáo thế kỷ 21.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cho phép người học có thể học trực tuyến, học bất cứ nơi đâu và bằng bất cứ phương tiện nào. Việc học không chỉ diễn ra trong trường học, tri thức không còn độc quyền trong tay người thầy, người học có thể tiếp thu kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau.

Tuy nhiên, điều đó không làm hạ thấp vai trò, ý nghĩa của người thầy, mà ngược lại, người thầy càng có vai trò, ý nghĩa quan trọng cùng với những nhiệm vụ mới.

Bốn nhiệm vụ, ba yêu cầu đặt ra cho giáo viên thời đại 4.0

Chia sẻ về vai trò, nhiệm vụ của giáo viên thời đại 4.0, cô giáo Tô Thụy Diễm Quyên - Tổng giám đốc Innedu, giảng viên các chương trình đổi mới giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định: “Bản thân giáo viên cần phải học tập, sáng tạo để mình trở thành một người thầy hiện đại và tiệm cận được với năng lực nhà giáo thế kỷ 21”.

Cô giáo Tô Thị Diễm Quyên - Tổng giám đốc Innedu, giảng viên các chương trình đổi mới giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Ảnh: Phạm Minh)

Cô giáo Tô Thị Diễm Quyên - Tổng giám đốc Innedu, giảng viên các chương trình đổi mới giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Ảnh: Phạm Minh)

Theo cô Diễm Quyên, trước đây, nhà trường là nơi duy nhất cung cấp kiến thức, giáo viên là người duy nhất truyền đạt kiến thức đến học sinh. Chính vì vậy, vai trò của người thầy là chuyển giao kiến thức. Tuy nhiên, hiện nay, kiến thức có ở khắp mọi nơi và ở nhiều kênh khác nhau.

Với bối cảnh mới của xã hội, vai trò của người thầy cũng đã có nhiều thay đổi. Cô Quyên cho biết: “Nếu người thầy chỉ đơn thuần làm nhiệm vụ cung cấp kiến thức thì người thầy chỉ giống như cuốn sách giáo khoa biết nói. Trong cuộc cách mạng 4.0, robot sẽ làm công việc đó tốt hơn. Nhiệm vụ của người thầy thế kỷ 21 là những nhiệm vụ mới mà robot không bao giờ có thể thay thế được”.

Cụ thể, cô Quyên nêu ra 4 nhiệm vụ cụ thể đối với giáo viên thời đại 4.0.

Thứ nhất, giáo viên phải hiểu học sinh của mình là ai, xác định được năng lực và nhu cầu học tập của học sinh.

Thứ hai, giáo viên giúp học sinh định hướng học tập cũng như các phương tiện, phương pháp học tập phù hợp với nhu cầu, năng lực của các em.

Thứ ba, giáo viên phải biết cách tạo động lực để học sinh chủ động trong học tập, bởi vì nguyên lý của giáo dục thế kỷ 21 là tự học và học tập suốt đời.

Thứ tư, giáo viên có nhiệm vụ đánh giá học sinh theo xu hướng mới, với mục đích giúp học sinh có động lực phát triển bản thân.

Quá trình đánh giá không phải để phân loại, xếp hạng người học, không phải so sánh học sinh này với học sinh kia.

Mục đích của đánh giá là giúp người học nhận ra mình cần thay đổi, điều chỉnh, định hướng phương pháp học tập như thế nào, để học sinh tiến bộ hơn so với chính bản thân mình ngày hôm qua.

Đặc điểm của giáo dục 4.0 còn là cá thể hóa việc học tập, lấy người học làm trung tâm, dạy cho trẻ có kỹ năng làm việc từ khi trẻ có nhận thức.

Cô Quyên nhấn mạnh: “Nếu một giáo viên trong ba năm không làm mới trang giáo án của mình, họ giữ nguyên một trang giáo án để dạy học cho tất cả học sinh từ yếu đến giỏi thì sẽ không thể hoàn thành mục tiêu của giáo dục 4.0”.

Cô Quyên nêu ra 3 yêu cầu quan trọng đối với giáo viên thời đại 4.0, đó là phải hiểu biết về công nghệ, phải cập nhật kiến thức và phải có phương pháp sư phạm.

Không có hiểu biết về công nghệ đồng nghĩa với việc giáo viên không thể thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục, giáo viên bị hạn chế về phương pháp dạy học.

Đồng thời, học sinh cũng bị hạn chế cơ hội học tập, phát triển, khó có thể tiếp cận với tri thức, hệ thống học tập số hóa.

Một vấn đề bức thiết của thời đại công nghệ số chính là kiến thức nhanh chóng bị lạc hậu. Yêu cầu đặt ra cho giáo viên là phải nhanh chóng bắt kịp những thay đổi, cập nhật kiến thức mới thường xuyên.

Đó cũng là lý do chương trình giáo dục mới, giáo viên không nên dạy học lệ thuộc hoàn toàn vào sách giáo khoa mà cần linh hoạt, chủ động trong việc tổ chức dạy học.

Theo quan điểm của cô Quyên, phương pháp sư phạm nắm giữ vai trò vô cùng quan trọng đối với người thầy trong thời đại chuyển đổi số.

Giáo viên cần phải học phương pháp một cách bài bản, cần có những trải nghiệm để vận dụng phương pháp một cách thông minh nhất và hiệu quả nhất.

Với mỗi đối tượng học sinh, người thầy sẽ áp dụng những phương pháp khác nhau, giáo viên phải có sự nhạy bén, tinh tế, sáng tạo để làm cho quá trình học tập không còn là quá trình 1 chiều chuyển giao kiến thức, mà là quá trình tạo ra các tổ chức hoạt động để cho người học chủ động tìm kiếm tri thức.

Để làm rõ tầm quan trọng của 3 yêu cầu trên, cô Quyên nêu ví dụ: “Trong dạy học trực tuyến, nhiều giáo viên chụp tài liệu gửi vào nhóm zalo để học sinh làm bài, khi học sinh làm bài xong, các em chụp hình bài làm gửi lại cho cô giáo.

Quá trình này vừa tốn thời gian, vừa phức tạp, hình ảnh chất lượng thấp không hiệu quả.

Nếu giáo viên có phương pháp sư phạm và hiểu biết về công nghệ, họ chỉ đơn giản là tạo ra Google form hoặc Microsoft form, sau đó gửi đường link đến học sinh, học sinh sẽ trả lời ngay trên máy tính, điện thoại.

Ứng dụng này còn có tiện ích là tự chấm điểm, học sinh làm xong bài sẽ biết kết quả rõ ràng, nhanh chóng. Đặc biệt khi ứng dụng công nghệ này, giáo viên có thể gửi kèm theo video, hình ảnh...”

Giáo viên phải là người tiên phong trong việc sử dụng công nghệ số, mở ra cơ hội cho học sinh được hưởng nền giáo dục hiện đại.

Người thầy phải dạy học sinh thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng của thế giới; kiểm soát được công nghệ; tự nhận thức, tự quản lý bản thân và dạy học sinh chuẩn bị làm những ngành nghề chưa có trong hiện tại.

Thầy cô giáo hãy trở thành giáo viên toàn cầu

Chia sẻ về nghề giáo trong nền giáo dục 4.0, thầy Ngô Thành Nam - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khai Nguyên (Thành phố Hồ Chí Minh), cố vấn học tập Microsoft cho biết: “Chúng ta thường dạy học sinh trở thành công dân toàn cầu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, giáo viên không thể mong đợi học sinh của mình trở thành những công dân toàn cầu trong khi bản thân họ chưa là một giáo viên toàn cầu”.

Thầy Ngô Thành Nam - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khai Nguyên, Cố vấn học tập Microsoft (Ảnh: Thầy Nam cung cấp)

Thầy Ngô Thành Nam - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khai Nguyên, Cố vấn học tập Microsoft (Ảnh: Thầy Nam cung cấp)

Kỷ nguyên số đặt ra những yêu cầu lớn về việc chuyển đổi vai trò của giáo viên.

Trong giai đoạn hiện nay, giáo viên là những người hướng dẫn, cố vấn và huấn luyện học sinh đào sâu các ý tưởng, giúp các em học và hiện thực hóa các ý tưởng ấy.

Giáo viên sẽ tập trung hơn vào việc tạo ra môi trường học tập mà ở đó kích thích được sự sáng tạo, sự tò mò và động cơ học tập của học sinh.

Theo thầy Thành Nam, quá trình chuyển đổi của giáo dục 4.0 cũng cần đi từ số hóa, ứng dụng số hóa đến chuyển đổi số.

Để thực hiện chuyển đổi số đạt hiệu quả đòi hỏi 2 yếu tố là hạ tầng cơ sở và con người.

Sự thiếu thốn về cơ sở vật chất và sự hạn chế năng lực, tâm lý ngại đổi mới của giáo viên là những khó khăn của giáo dục Việt Nam trong thời đại 4.0.

Mục tiêu giáo dục hiện nay được thể hiện rõ trong chương trình giáo dục phổ thông mới: Bên cạnh việc cung cấp kiến thức thì cần tập trung vào phát triển phẩm chất và năng lực của người học.

Quá trình dạy học được chuyển từ dạy học tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực. Nếu như trước đây, việc học lấy mục tiêu học để thi, học để hiểu thì hiện nay chính là học để sống, học để biết làm.

Muốn vậy, từ mục tiêu, nội dung dạy học, phương pháp, môi trường học tập, đánh giá và sản phẩm học tập đều cần có sự thay đổi.

“Sự thiếu thốn về cơ sở vật chất và sự hạn chế năng lực, tâm lý ngại đổi mới của giáo viên là những khó khăn của giáo dục Việt Nam trong thời đại 4.0”. (Ảnh minh họa: Thầy Ngô Thành Nam cung cấp)

“Sự thiếu thốn về cơ sở vật chất và sự hạn chế năng lực, tâm lý ngại đổi mới của giáo viên là những khó khăn của giáo dục Việt Nam trong thời đại 4.0”. (Ảnh minh họa: Thầy Ngô Thành Nam cung cấp)

Thầy Nam nêu ví dụ: “Trong giáo dục 4.0, môi trường học tập cũng có những điểm khác so với dạy học truyền thống, đó là: người dạy có thể đứng phía sau, đứng ở gần, ở xa… để điều khiển nhóm học tập, tạo không khí cởi mở, thân thiện trong lớp học. Lớp học có thể ở không gian ngoài trời, ở thực địa…”.

Theo quan điểm của thầy Ngô Thành Nam, giáo viên cần phải đón nhận những thách thức của cuộc cách mạng 4.0 như cơ hội để phát triển bản thân mình.

Giáo viên sẵn sàng học hỏi, thay đổi, thích ứng, và sẵn lòng chia sẻ những thành công cũng như thất bại của bản thân.

“Việc sẵn lòng cộng tác và học hỏi từ những người khác là một kỹ năng quan trọng trong thế giới ngày nay và trong tương lai.

Trong một thế giới phẳng, không còn lý do gì mà bạn không cộng tác với những người khác để học hỏi và phát triển.

Bên cạnh đó, giáo viên cũng cần biết chấp nhận sai lầm để cải thiện, đó là điều không kém phần quan trọng khi chúng ta hòa mình vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.”

Thầy Nam cũng nếu ra 4 vấn đề quan trọng đối với giáo viên thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Thứ nhất, giáo viên phải là hình mẫu của việc học tập suốt đời. Người thầy cần bước ra khỏi ranh giới của các lớp học, sách giáo khoa và khuôn mẫu nội dung giảng dạy để làm cho học sinh có cơ hội sáng tạo và đổi mới.

Học sinh không thể tiến bộ nếu chỉ biết và hài lòng với những kiến thức trong sách giáo khoa.

Muốn vậy, bản thân người giáo viên phải là hình mẫu trong việc thường xuyên cập nhật kiến thức để đáp ứng được các yêu cầu mang tính thời đại của xã hội.

Thứ hai, hãy là giáo viên toàn cầu để giúp học sinh trở thành công dân toàn cầu.

Giáo viên cần là người biết đánh giá cao và tôn trọng sự khác biệt giữa các nền văn hóa khác nhau cũng như sự khác biệt của từng cá thể.

“Ngày nay, với sự hỗ trợ của công nghệ như Skype, Zoom, Hangout,.. việc kết nối thế giới đang nằm trong tầm tay.

Thông qua sức mạnh của công nghệ, mọi người có thể học hỏi và thậm chí có thể trải nghiệm các nền văn hóa khác nhau của thế giới mà không cần phải rời khỏi vị trí hiện tại của mình.

Bên cạnh đó, công nghệ còn hỗ trợ đắc lực để công tác quản lý lớp học, giảng dạy của giáo viên trở nên thuận tiện hơn, rút ngắn khoảng cách của giáo dục Việt Nam và giáo dục các nước tiên tiến”, thầy Nam khẳng định.

Thứ ba, giáo viên dạy học giúp học sinh hình thành các kỹ năng thế kỷ 21, bao gồm: tư duy phản biện (critical thinking); giao tiếp (communication); hợp tác (collaboration); sáng tạo (creativity); quyền công dân (citizenship) và phát triển nhân cách (character development).

Thứ tư, giáo viên cần dạy học theo xu hướng của giáo dục STEM, STEAM.

Với xu thế phát triển nghề nghiệp trong tương lai, một thế hệ có sự hiểu biết, kỹ năng tổng hòa các kiến thức nhiều môn học sẽ là nguồn nhân lực được mong đợi.

Giáo viên hãy để cho học sinh trở thành một phần của quá trình học tập, mang cơ hội khám phá tri thức và giúp các em chủ động chiếm lĩnh các tri thức ấy.

Không ít người băn khoăn lo lắng, với công nghệ 4.0 liệu robot có thể thay thế vai trò của người thầy hay không?

Trên thực tế, để không bị công nghệ thay thế thì giáo viên cần làm được những điều mà công nghệ chưa làm được.

Công việc của nhà giáo đặc biệt vì người thầy lao động bằng trái tim, lao động để nuôi dưỡng trái tim.

Khi người thầy sử dụng trái tim để giáo dục học sinh thì họ sẽ tạo ra những đứa trẻ biết thương yêu, biết quan tâm, hình thành nhân cách, đạo đức, lối sống.

Đó chính là một trong những nhiệm vụ cao quý mà robot không bao giờ thay thế được vị trí của người thầy trong thời đại 4.0.

Minh Phạm