Ngày 23/1/2020 (29 tháng Chạp âm lịch), một giáo viên khối 5 – Trường tiểu học Bình Hòa (phường 12 – quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh) bức xúc phản ánh, giáo viên của trường này bị bắt phải trực tết năm nay, và không có được trả thù lao hay chấm công.
Theo chia sẻ của giáo viên này, trường yêu cầu mỗi giáo viên phải trực 4 tiếng, một ca trực có hai giáo viên, kéo dài xuyên suốt từ ngày 24 tháng Chạp âm lịch cho đến hết ngày mùng 9 tháng Giêng.
Tuy nhiên, điều đáng nói là giáo viên hoàn toàn không được trả thù lao hay chấm công, trả tiền bồi dưỡng…Chuyện này kéo dài từ rất nhiều năm nay.
Trường tiểu học Bình Hòa, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh minh họa: P.L) |
Một vấn đề nữa, trường có bảo vệ là nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự, bảo vệ tài sản cho nhà trường, nhưng khi giáo viên vào trực lại chả thấy bảo vệ đâu cả.
Cùng ngày, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Phạm Lê Hiền - Hiệu trưởng Trường tiểu học Bình Hòa xác nhận, giáo viên của trường phải trực tết, không có nhận được thù lao hay chấm công. Việc này đã kéo dài từ nhiều năm nay.
Giáo viên có thể tự thỏa thuận, đổi với nhau, hay nói với Ban Giám hiệu về mặt thời gian trực tết, nếu có việc bận cá nhân, nhưng ít nhất vẫn phải trực tết một lần trong suốt quá trình nghỉ tết.
Về việc có mặt giáo viên trực tết thì không thấy có mặt bảo vệ, bà Phạm Lê Hiền nói rằng, do bảo vệ phải trực cả đêm, nên nếu yêu cầu bảo vệ trực cả ban ngày nữa thì không đủ sức.
Thời gian trực tết, áp dụng từ thời gian chính thức mà giáo viên được nghỉ tết, chia đều ra cho tất cả giáo viên, bốc thăm ra thời gian trực tết, chứ không có chuyện ép giáo viên phải trực một thời gian cố định nào.
Còn Ban Giám hiệu cũng phải trực, một mùa tết phải làm ít nhất 5 lần, chứ không ít như giáo viên.
Muốn chi thù lao, trả tiền bồi dưỡng hay chấm công cho giáo viên trực tết, trường phải thảo luận, họp hội đồng sư phạm nhà trường, quyết và thông qua, rồi còn phải thể hiện rõ trong Quy chế chi tiêu nội bộ.