Chuyện giáo viên phải trực Tết hay không đã nhận được sự quan tâm của dư luận và giáo viên trong một thời gian dài. Điều này phản ánh một thực trạng đáng buồn, giáo dục chúng ta chưa thực sự sống và làm việc theo pháp luật!
Nơi này trực Tết có chế độ tăng giờ, nơi kia không có. Nơi này hiệu trưởng cắt giáo viên trực Tết, nơi kia chỉ yêu cầu nhân viên trực. Ai cũng có “cái lý” của mình, đúng sai lẫn lộn, vàng bạc khó phân.
Khổ vì trực Tết không có tăng giờ!
Khi không có chế độ tăng giờ, việc “nhường nhau” trực Tết là chuyện “thói đời”. Để giải quyết không gì hơn là “campuchia”, giáo viên đành “tự nguyện” góp tiền lương để “vận động” người khác làm việc. Lúc này trực Tết được coi như “làm thêm Tết” của người khác.
Chuyện không dừng ở đó, người nào trực vào ngày nào, ngày nào nhiều “tiền công” hơn, ngày nào ít hơn? Đành nhờ “công đoàn” phân xử, đơn giản nhất là “bắt thăm”, sau đó có “kẻ cười, người khóc”, cứ thế mỗi khi đến Tết lại “vui như bắt thăm trực Tết”!
Nhiều nỗi khổ khi giáo viên "trực Tết". (Ảnh minh họa: Laodong.vn) |
Khổ vì trực Tết có chế độ tăng giờ?
Có giáo viên thành “trực Tết chuyên nghiệp”, phần vì không đủ điều kiện về quê chung Tết cùng gia đình, phần vì ở trọ ngay trong trường, họ nhận “trực thay” đồng nghiệp.
Thực tình mà nói, “kinh phí campuchia” trực Tết cho họ cũng chỉ thêm “cái bánh chưng xanh” chứ chẳng đáng là bao, thế nhưng “méo mó có hơn không”; còn có lý do không phải “du xuân” vì đang “làm việc”.
Sau khi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng loạt bài về chủ đề “Trực Tết”, trường tôi thực hiện trực Tết năm nay có chế độ tăng giờ!
Tại sao năm nay không cho tôi trực Tết? Đó là câu hỏi của giáo viên “trực Tết chuyên nghiệp”.
Mà cũng “ngộ’ thật, từ trước đến nay họ đã trực Tết thành “thương hiệu”, cớ sao không cho họ giữ “thương hiệu” của mình? Cũng vì trực Tết … có chế độ tăng giờ!
Tóm lại, ai sẽ là người trực Tết? |
Nếu tính tiền trực Tết ngày 8 tiếng, hiệu trưởng, hiệu phó, … cũng bỏ túi ngày ít nhất hơn triệu bạc; danh chính, ngôn thuận, tiền tươi, thóc sạch, lại được tiếng “vì anh em quên mình”!
Thầy giáo “trực Tết chuyên nghiệp” đành ngậm ngùi phát biểu trong cuộc họp cuối năm:
“Khi không có chế độ, chúng tôi “được” trực Tết; khi có chế độ trực Tết, chúng tôi “không phải” trực Tết; đúng là cuốc xẻng phát dưới lên,….”.
Mùa xuân mới đang về trên đất nước, mùa xuân về trên trang giáo án thân thương của giáo viên; giáo viên được sống và làm việc đúng chế độ của mình là ước mơ trong xuân mới.
Nếu có trực Tết, hãy thanh toán tiền tăng giờ cho giáo viên; nếu không có tiền tăng giờ, đừng bắt giáo viên trực Tết; để mùa xuân gieo hạt mầm lộc mới trong bài giảng đầu xuân; mùa xuân hòa ca trong sứ mệnh của người Thầy.