Trong ngày 16/4, đại diện Bệnh viện Nhi T.Ư, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đống Đa, Sở Y tế Hà Nội, ông Nguyễn Văn Kính - giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư - công bố số bệnh nhân mắc sởi đã lên đến trên 7.000 bệnh nhân, tức tăng hơn gấp đôi so với công bố sáu ngày trước đó. |
Trước thực trạng lo ngại sởi sẽ bùng phát mạnh hơn, tại nhiều Trung tâm tiêm phòng ở Hà Nội đông kín người. Hình ảnh được ghi nhận trong đầu giờ chiều tại Trung tâm Y tế dự phòng (70 Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, Hà Nội). |
Nhiều gia đình có trẻ nhỏ đã nhanh chóng đưa trẻ tới các cơ sở tiêm chủng để tiêm vaccine ngừa sởi. Điều này, dẫn tới tình trạng khan hiếm vaccine, nhất là dẫn tới tình trạng quá tải ở các điểm tiêm chủng trên địa bàn TP Hà Nội. |
Phòng tiêm chủng Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội trở nên đông hơn bình thường, nhất là vào ngày thứ bảy, chủ nhật. Đây cũng là thực trạng của các phòng tiêm chủng khác ở Hà Nội trong thời gian gần đây. |
Các nhân viên y tế phải làm việc rất vất vả trong nhiều tuần qua. Theo anh Nguyễn Hoàng Vũ Hoàng, khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, ca sáng Trung tâm tiếp nhận 300 số tiêm chủng và buổi chiều là 250 số khác nữa. |
Do lượng thuốc và nhân viên y tế trong Trung tâm y tế dự phòng có hạn mà số lượng người có nhu cầu tiêm chủng rất đông. Chỉ sau 30 phút mở cửa mỗi buổi thì số thứ tự tiêm chủng đã hết. Nhiều người phải ra về và đợi sang ngày sau. |
Theo các nhân viên y tế ở Trung tâm Y tế dự phòng cho biết, nhiều phụ huynh, kể cả ở các huyện ngoại thành cũng đưa con nhỏ tới tiêm chủng, chủ yếu là vaccine sởi. Ngoài ra còn có các trường hợp tiêm chủng thủy đậu, cúm. |
Theo cán bộ Trung tâm Y tế cho biết, vaccine sởi là loại nằm trong Chương trình tiêm chủng quốc gia nên không bị thiếu. Còn riêng vaccine thủy đậu là dịch vụ, hơn nữa loại vaccine này phải nhập ngoại nên giá khá đắt. |
Các bác sĩ đang đo nhiệt độ, hỏi tiền sử dị ứng, các mũi tiêm trước, sức khỏe hiện tại (nếu trẻ đang sốt hoặc đang nhiễm trùng cấp tính thì hoãn tiêm lần này) trước khi hướng dẫn tiêm loại thuốc nào cho các bé. |
Chị Nguyễn Thị Thúy ở Chùa Láng (Đống Đa, Hà Nội) đang đợi tới lượt tiêm vaccine cho biết: "Ở gần khu nhà tôi, thấy nhiều trẻ bị sởi hôm nay tôi xin nghỉ ở cơ quan để đưa cháu đi tiêm phòng”. |
Tâm lý lo lắng trước bệnh sởi có thể bùng phát nguy hiểm là tâm trạng chung của tất cả các phụ huynh đưa con tiêm phòng trong dịp này. |
Trước khi tiêm thuốc, các bác sĩ thường chỉ cho các phụ huynh về loại thuốc tiêm chủng để mọi người nắm bắt được. |
Tại Trung tâm Y tế dự phòng này, hàng ngày các bác sĩ phải khám và tiêm cho khoảng hơn 500 trẻ tới tiêm phòng các loại vaccine, trong đó số đông trẻ này là tiêm phòng sởi. |
“Lợi ích của tiêm chủng là làm giảm đáng kể tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em. Các bậc cha mẹ nên đưa con đi tiêm chủng một cách đầy đủ và đúng lịch. Đừng để "nước đến chân mới nhảy", dịch bệnh xảy ra tràn lan, rồi mới vội đi tiêm chủng vaccine thì khó có thể đạt được hiệu quả phòng bệnh như mong muốn.”- ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội khuyến cáo với phụ huynh có con nhỏ. |
ẢNH: TRẦN KHÁNG