Máy bay không người lái mới do Trung Quốc hé lộ trên mạng internet |
Tờ "Hoàn Cầu" ngày 8 tháng 12 đưa tin, hiện nay, trên các trang mạng của Trung Quốc đăng tải rộng rãi một đoạn video, lần đầu tiên để lộ ra máy bay không người lái nội địa hoạt động ở độ cao lớn và trong thời gian dài có ngoại hình rất giống máy bay Tường Long công bố trước đây.
Cửa hút gió của động cơ loại máy bay không người lái mới này lăp ở phía trên thân máy bay, kết cấu tương tự với máy bay không người lái Global Hawk của Mỹ, vì vậy có phân tích cho rằng, đây có thể là Global Hawk phiên bản Trung Quốc nhái của Mỹ.
Bài báo cho rằng, máy bay Global Hawk của Mỹ là máy bay do thám không người lái hoạt động rất cao và trong thời gian dài, tiên tiến nhất thế giới hiện nay, hiện có 37 chiếc Global Hawk đã bàn giao cho Không quân Mỹ.
Global Hawk bay khắp thế giới
Global Hawk là một loại máy bay do thám không người lái hoạt động rất cao, thời gian dài, do công ty Northrop Grumman Mỹ nghiên cứu chế tạo cho Không quân Mỹ, hoàn thành bay thử lần đầu tiên vào tháng 2 năm 1998. Global Hawk bay ở độ cao tới 18.000 m, hành trình 20.000 km, thích hợp cho thực hiện nhiều nhiệm vụ theo dõi và trinh sát/do thám.
Máy bay chiến lược không người lái Trung Quốc (trên) và máy bay chiến lược không người lái Global Hawk Mỹ (dưới). |
Những năm gần đây, Mỹ liên tục tuyên bố sẽ triển khai máy bay Global Hawk ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và có kế hoạch kết hợp sử dụng Global Hawk vói các đồng minh ở khu vực Thái Bình Dương.
Quá trình triển khai ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương của họ có 2 bước: Một là, Mỹ tự triển khai Global Hawk ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thực hiện nhiệm vụ tình báo, theo dõi và trinh sát. Hai là, Mỹ hợp tác với các đồng minh khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tìm kiếm khả năng phối hợp sử dụng máy bay không người lái trong tương lai.
Ngày 7 tháng 10 năm 2010, máy bay Global Hawk đã hoàn thành bay lần đầu tiên từ Nhật Bản đến căn cứ không quân Anderson, Guam. Nhìn vào góc độ theo dõi đối với các nước Đông Á như CHDCND Triều Tiên, Trung Quốc, Guam quá xa, nếu Mỹ thiết lập căn cứ máy bay không người lái ở Nhật Bản, thì có thể tiến hành trinh sát thường xuyên hơn.
Chính quyền Mỹ vừa xác nhận, quân Mỹ muốn triển khai 2 - 3 máy bay Global Hawk ở căn cứ Misawa của quân Mỹ tại Nhật Bản sau mùa xuân năm 2014, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cũng có kế hoạch nhập khẩu 3 - 4 máy bay không người lái loại này.
Máy bay do thám/chiến lược không người lái Global Hawk của Mỹ |
Tác động đến tình hình an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương
Là hệ thống trinh sát chiến lược không người lái tiên tiến nhất thế giới hiện nay, việc triển khai máy bay Global Hawk ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng to lớn đến tình hình an ninh của khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Trung Quốc.
Trước hết, khu vực do thám chiến lược của quân Mỹ đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục mở rộng. Do có đặc điểm hoạt động trong thời gian dài, sau khi triển khai Global Hawk ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, sẽ mở rộng phạm vi do thám của máy bay do thám Mỹ đối với khu vực này.
Là một sự bổ sung cho thủ đoạn theo dõi vệ tinh, sau khi Global Hawk triển khai ở châu Á-Thái Bình Dương, sẽ tăng cường rất lớn năng lực do thám chiến lược của quân Mỹ đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Thứ hai, chiến trường trên biển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục có xu thế đơn giản và "trong suốt" (các khu vực bộc lộ hết do bị do thám). Để nâng cao khả năng nhận diện tình hình đối với chiến trường trên biển của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, quân Mỹ đã lập ra mạng lưới theo dõi nhiều tầng nấc từ vũ trụ đến đáy biển:
Máy bay do thám Global Hawk Mỹ (ảnh nguồn báo Thanh niên Trung Quốc) |
Trên vũ trụ có các loại vệ tinh quân dụng, trên bầu trời có nhiều loại máy bay trinh sát/do thám, trên mặt đất và trên mặt biển có rất nhiều hệ thống radar, dưới đáy biển đã bố trí hệ thống nghe lén ngầm. Việc triển khai thêm máy bay do thám không người lái bay rất cao sẽ làm cho mạng lưới theo dõi "không có kẽ hở" này càng hoàn thiện.
Cuối cùng, độ chính xác theo dõi đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương của quân Mỹ tiếp tục tăng cường. Radar góc mở tổng hợp của máy bay Global Hawk có mô hình máy chỉ thị mục tiêu mặt đất di động và định vị, tìm kiếm mục tiêu, tỷ lệ nhận dạng khoảng 0,3 m. Việc triển khai nó sẽ giúp tiếp tục nâng cao độ chính xác theo dõi, trinh sát của quân Mỹ đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Hiện nay, Mỹ đang có kế hoạch chia sẻ máy bay Global Hawk tiên tiến nhất của họ với các đồng minh châu Á, sẽ xây dựng căn cứ cất/hạ cánh sẵn sàng cho loại máy bay do thám này ở ít nhất 11 quốc gia, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Philippines, danh sách này sẽ còn không ngừng mở rộng.
Báo Trung Quốc cho rằng, quân Mỹ đánh con bài "bảo vệ an ninh châu Á-Thái Bình Dương", có ý định triển khai máy bay do thám không người lái tính năng cao ở các nước xung quanh Trung Quốc, lộ rõ mục đích thực sự của họ.
Nhìn vào danh sách do Mỹ công bố, những nước này đều là nước láng giềng trên biển của Trung Quốc hoặc áp sát tuyến đường hàng hải quan trọng của Trung Quốc, mục đích thực sự là muốn bao vây, theo dõi, kiểm soát Trung Quốc từ hướng biển.
Máy bay chiến lược cỡ lớn không người lái Trung Quốc, tương tự Global Hawk của Mỹ (nguồn china.com.cn) |
Tính năng của Global Hawk phiên bản Trung Quốc
Bài báo cho rằng, những năm gần đây Trung Quốc cũng không ngừng đưa ra nhiều loại máy bay không người lái mới, như máy bay không người lái Thái Hồng (Cầu vồng) của Tập đoàn khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ Trung Quốc, máy bay không người lái Hải Ưng (Sea Hawk) của Tập đoàn khoa học và công nghệ hàng không vũ trụ Trung Quốc.
Vừa qua, máy bay không người lái nội địa Trung Quốc xuất hiện trên mạng internet đã áp dụng bố cục cánh nối liền độc đáo, thông thường; bố cục cánh nối liền có các đặc điểm như trọng lượng nhẹ, cường độ lớn, lực cản nhỏ, hệ số lực nâng cao.
Ngoài ra, loại máy bay này cũng đã áp dụng cánh nhỏ trên cánh hoàn toàn không sử dụng ở máy bay Global Hawk, điều này thường cũng có lợi cho giảm lực cản, giảm tiêu hao nhiên liệu, từ đó tăng cường thời gian hoạt động.
Vì vậy, nhìn vào hiệu suất khí động học, về lý thuyết, máy bay này phải mạnh hơn Global Hawk của Mỹ. Tuy nhiên, trình độ của Trung Quốc trên các lĩnh vực như động cơ, vật liệu kết cấu còn có khoảng cách nhất định với Mỹ, vì vậy sẽ làm cho ưu thế ở bố cục khí động học kém đi.
Bài báo phân tích cho rằng, máy bay không người lái mới của Trung Quốc vân chưa có khả năng tác chiến toàn cầu, nhưng đối với Trung Quốc, đã đáp ứng được nhu cầu phục vụ ở xung quanh lãnh thổ, có không gian ứng dụng to lớn đối với khả năng do thám của Trung Quốc đối với khu vực xung quanh, đặc biệt là đối với theo dõi các hòn đảo tranh chấp ở biển Hoa Đông, Biển Đông.
Trong tương lai, máy bay chiến lược cỡ lớn không người lái có vai trò không thua kém máy bay cảnh báo sớm. |