Gỡ bài toán nhân lực GD vùng cao (2): Thiếu GV, thầy cô phải làm việc gấp đôi

19/07/2023 08:59
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thiếu giáo viên, các thầy cô phải làm việc gấp đôi, gấp ba, chấp nhận khó khăn gian khổ tất cả vì học sinh.

Nhân lực giáo dục vùng cao vốn khó tuyển, sau một thời gian công tác, thầy cô lại rời núi với nhiều lý do. Người cũ đi, người mới chưa kịp tuyển về khiến các thầy cô ở lại càng thêm vất vả.

Thiếu từ giáo viên đến cán bộ quản lý

Tháng 10/2022, phóng viên có dịp công tác tại Huổi Lếch (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên). Trong chuyến đi, chúng tôi được nghe câu chuyện có lẽ chưa từng có tiền lệ. Trường Mầm non Huổi Lếch (huyện Mường Nhé) hơn 1 năm trời không có hiệu trưởng, hiệu phó. Trước đó, năm 2021, cô Bùi Thị Thanh, Phó hiệu trưởng phụ trách nhà trường nghỉ việc vì lý do cá nhân.

Trên địa bàn huyện Mường Nhé, cũng đang thiếu cán bộ quản lý, giáo viên. Trường không thể một ngày không có người đứng đầu. Chính vì thế, để đảm bảo công tác lãnh, chỉ đạo nhà trường, suốt thời gian sau đó, địa phương phải phân công ông Nguyễn Văn Úy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện kiêm nhiệm phụ trách, điều hành.

Trong khi Huổi Lếch cách trung tâm huyện gần 40km, 1/2 chặng là đường cấp phối xuống cấp nghiêm trọng. Nhân lực đảm nhiệm vị trí này cùng lúc “gánh” 2 trọng trách, không thể tránh khỏi những lúc thiếu sót hoặc chưa kịp thời. Các nhiệm vụ, vấn đề phát sinh phải thông tin, báo cáo từ xa.

Giữa tháng 10/2022, trường Mầm non Huổi Lếch được Ủy ban nhân dân huyện Mường Nhé bố trí cho 1 Phó hiệu trưởng phụ trách và 1 Phó hiệu trưởng cho trường Mầm non Huổi Lếch.

Bài toán thiếu giáo viên và bố trí nhân sự vào năm học mới ở Huổi Lếch cũng khiến Ban giám hiệu đau đầu.

Cô Bùi Thị Sáu – Phó Hiệu trưởng phụ trách trường Mầm non Huổi Lếch cho biết: “Trường mầm non Huổi Lếch hiện có 14 giáo viên, 2 quản lý và 1 nhân viên bảo vệ. Trong khi đó trường có đến 10 điểm trường ở các bản. Điểm xa nhất cách trường 40km, đường toàn xuyên rừng, xuyên đồi.

Theo quy định, nhà trường hiện còn thiếu đến 10 giáo viên. Chính vì vậy, mỗi lần tính toán nhân sự cho các cô đi điểm bản rất vất vả. Các cô không chỉ phải làm việc bù vào số nhân sự còn thiếu mà quan trọng nhất là đường sá nguy hiểm. Năm học mới, nhà trường cũng đang chờ giáo viên được tuyển dụng mới về”.

Ông Phạm Thiết Chùy – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé cho biết, huyện có 5 xã khó khăn là Pá Mỳ, Huổi Lếch, Mường Toong, Nậm Vì, Quảng Lâm.

Các xã này đường sá đi lại cách trở, khó khăn nhưng lương của thầy cô công tác tại vùng khó khăn này chênh lệch không đáng mấy so với các khu vực thuận lợi như thành phố Điện Biên Phủ, các khu vực miền xuôi.

Do các xã này không có đường biên giới, các thầy cô không có phụ cấp vùng biên vì thế nên đây là những xã có số cán bộ, giáo viên nghỉ việc, xin chuyển vùng nhiều nhất huyện.

Cô giáo Chu Sìn Pứ - giáo viên trường Mầm non Huổi Lếch tranh thủ giờ nghỉ để nấu cơm trưa cho học sinh. Thiếu giáo viên nên các cô phải làm nhiều việc. Ảnh: LC

Cô giáo Chu Sìn Pứ - giáo viên trường Mầm non Huổi Lếch tranh thủ giờ nghỉ để nấu cơm trưa cho học sinh. Thiếu giáo viên nên các cô phải làm nhiều việc. Ảnh: LC

“Từ tháng 8/2022 đến nay có tổng số 28 giáo viên chuyển công tác ra khỏi địa bàn. Đây cũng là con số khá nhiều nhưng đã có xu hướng giảm đi nên chúng tôi cũng đỡ lo. Đã có năm, 40 giáo viên chuyển khỏi địa bàn”, ông Phạm Thiết Chùy thông tin.

Phòng cũng đã đề xuất với các cấp các ngành tuyển dụng giáo viên mới nhưng do nguồn tuyển còn hạn chế, đời sống giáo viên còn vất vả khó khăn nên chưa hấp dẫn được các nguồn nhân lực.

Nỗ lực không để học sinh thiệt thòi

Để khắc phục khó khăn về nguồn nhân lực, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé cho biết, trước mắt ngành giáo dục huyện Mường Nhé vẫn thường xuyên động viên cán bộ, giáo viên giảng dạy các môn chuyên tổ chức dạy thêm, tăng giờ, tăng buổi đối với các trường thiếu nhiều giáo viên nhưng không được vượt quá định mức quy định.

Các đơn vị trường học tập trung phân công giáo viên dạy môn chuyên chú trọng nhiệm vụ chuyên môn, các nhiệm vụ khác sẽ phân công giáo viên khác.

Cũng bằng nhiệt huyết nghề “gieo chữ”, các thầy cô giáo vùng cao không chỉ làm tốt trách nhiệm giảng dạy mà còn kiêm nhiệm vô số công việc, nấu ăn, quán xuyến, săn sóc học sinh như người cha, người mẹ thực sự.

Nhiều việc thầy cô làm không có chế độ, phụ cấp mà còn tự bỏ công sức, tiền túi ra lo cho học sinh.

Theo ông Phạm Thiết Chùy, liên quan đến đội ngũ giáo viên các môn như: Tin học, Tiếng Anh, Âm nhạc và Mỹ thuật, ngành hiện vẫn thiếu giáo viên.

Để khắc phục tình trạng đó, phòng Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng phương án, kịch bản bố trí, sắp xếp giáo viên một cách hợp lý, đảm bảo không thiếu giáo viên các bộ môn chuyên ở tất cả cơ sở giáo dục.

Trong đó, ngành xây dựng các phương án, như: bố trí 1 giáo viên dạy 2, 3 trường cùng 1 thời điểm tùy vào tình hình từng địa bàn hay bố trí giáo viên dạy theo hình thức cuốn chiếu, tức là dạy xong chương trình của trường này rồi sang dạy tại trường tiếp theo. Hoặc có thể xây dựng phương án cho giáo viên dạy trực tuyến.

Ghép lớp học, 1 giáo viên dạy nhiều điểm trường đang là phương án mà các trường ở Điện Biên thực hiện. Ảnh: LC

Ghép lớp học, 1 giáo viên dạy nhiều điểm trường đang là phương án mà các trường ở Điện Biên thực hiện. Ảnh: LC

Như vậy, một giáo viên có thể dạy một lúc nhiều lớp học, nhiều học sinh. Đó là giải pháp trước mắt, còn về lâu dài, ngành đã tham mưu Ủy ban nhân dân huyện Mường Nhé tổ chức tuyển dụng giáo viên, trong đó ưu tiên tuyển dụng các giáo viên môn chuyên biệt giảng dạy lớp 3, lớp 7.

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, các huyện trên địa bàn tỉnh Điện Biên cũng đã có phương án khắc phục theo sự chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh này.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ (Điện Biên), ông Ngô Xuân Chiến cho biết, bên cạnh việc sắp xếp giáo viên giảng dạy liên cấp tại các trường, về cơ bản việc tuyển dụng thêm giáo viên cũng đã tạm đáp ứng được nhu cầu giảng dạy 2 môn cho lớp 3 là Tiếng Anh và Tin học.

Do học sinh lớp 3 hầu hết được chuyển về điểm trường chính nên việc điều chuyển giáo viên cũng không gặp quá nhiều khó khăn.

Cơ sở vật chất, thiết bị, đường truyền internet cũng được ưu tiên tối đa cho hình thức dạy học này bảo đảm thời lượng, chất lượng dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ đã chỉ đạo các trường chủ động rà soát trang thiết bị, cơ sở vật chất, thiết bị kết nối mạng internet để triển khai lớp học trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Dù vẫn thiếu giáo viên, nhất là môn chuyên biệt, nhưng ông Đỗ Văn Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tuần Giáo (Điện Biên) cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, số lượng giáo viên tương đối đảm bảo để đáp ứng thực hiện giảng dạy theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Năm học 2022 - 2023, huyện thực hiện phương án phân công 24 giáo viên các môn chuyên biệt giảng dạy liên trường. Cụ thể như môn Tin học, cấp Trung học cơ sở 7 trường chưa có giáo viên chuyên môn học này, nhưng có giáo viên chuyên ngành Toán - Tin thực hiện giảng dạy. Một số trường thiếu so với định mức vài tiết, Phòng phân công giáo viên dạy kiêm nhiệm liên trường.

Đối với môn Tiếng Anh có 9 giáo viên dạy liên trường, nhiều giáo viên phải dạy vượt số tiết theo định mức. Phòng chỉ đạo các trường thanh toán tiền dạy tăng giờ theo từng học kỳ, đảm bảo chế độ quyền lợi cho giáo viên theo quy định”.

Trần Phương