Trả lời phỏng vấn ngay sau khi được phê chuẩn chức vụ mới, tân bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng nói: “Nếu cần điểm tựa trong công tác, tôi mong có cơ chế đột phá để tôi thực hiện công việc. Bộ trưởng là tư lệnh lĩnh vực ngành, phải cho tôi toàn quyền. Tư lệnh ra chiến trường phải được toàn quyền quyết định chiến đấu, tiến hay lùi, nếu chờ xin phép thủ trưởng ở nhà thì sẽ lỡ cơ hội!”
Hai tháng qua, ngoài những chuyến công tác đôn đốc và bàn bạc với các địa phương về phương án tháo gỡ ùn tắc giao thông, kiểm tra các công trình trọng điểm, dư luận vẫn chờ đợi một quyết định cụ thể và quyết liệt của Bộ trưởng trong vị trí tư lệnh.
Không thể hy vọng ngày một ngày hai giải quyết ngay sự yếu kém hạ tầng giao thông đô thị, cũng không thể một sáng một chiều dọn dẹp sự ngổn ngang các công trình giao thông nơi mà nhà thầu chây ì còn chủ đầu tư thay vì phạt thẳng cánh thì lại cười giả lả.
Thế nhưng, nếu không tấn công ngay vào những trì trệ ấy, không bộc lộ ngay một thái độ quyết liệt thì cho dù có cả nhiệm kỳ, cũng không thể có kết quả. Quyền lực là công cụ để thực hiện nhiệm vụ, phục vụ lợi ích nhân dân chứ không phải nhận bổng lộc, dàn xếp và thu vén lợi ích.
Với việc thay ngay tổng chỉ huy công trình Nhà ga sân bay Đà Nẵng, trao trách nhiệm và quyền lực cho một người mới và yêu cầu các bộ phận chấp hành, Bộ trưởng đã gửi đi thông điệp: Sự trì trệ cố hữu cần phải được chấm dứt, người không thực hiện chức trách phải được thay thế; người có quyền lực phải sử dụng quyền lực khi cần thiết và chịu trách nhiệm về điều đó.
Dĩ nhiên, ông Đinh La Thăng vẫn chưa thể thay ngay trưởng Ban Quản lý dự án Nhà ga sân bay Đà Nẵng. Người được ông điều vào cũng chỉ dừng ở vị trí Tổng chỉ huy Công trình và khi cần quyết, phải sử dụng cả uy lẫn quyền của Bộ trưởng để quyết. Sự chính danh cần thiết, vì thế, chưa trọn vẹn.
Hay vì cái cơ chế đột phá mà tân Bộ trưởng mong muốn, vẫn chưa có?
Theo ĐỨC HIỂN/Pháp luật TPHCM