Bộ trưởng Thăng, bằng chứng đâu?

19/10/2015 09:08
Diệu Linh
(GDVN) - Muốn giữ niềm tin của dân, những người đứng đầu phải thật gương mẫu, chính trực, dám nhận trách nhiệm chứ không chỉ “rút kinh nghiệm sâu sắc” là coi như xong.

Trong một cuộc họp cách đây 3 ngày, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã nói rằng: “Tôi đã chỉ đạo bỏ quy định chấp thuận tuyến sao không làm. Có người nói với tôi, xin một lốt xe vào Bến xe Mỹ Đình mất đến 500 – 600 triệu đồng”.

Vẫn liên quan đến vấn đề này, ông gay gắt: “Sửa một điều trong thông tư sao mà mãi không làm được. Nếu tôi quyết định sai thì ông phải tham mưu, tại sao không làm được?.

Bộ đưa ra quy định chấp thuận khai thác tuyến thì bộ phải bỏ do yêu cầu thực tiễn hiện nay không cần thiết. Nhưng thực tế các ông chỉ thích xin cho”.

Không chỉ nêu ra thực trạng gây bức xúc trong việc “chấp thuận khai thác tuyến”, Bộ trưởng Thăng cũng rất quyết liệt khi yêu cầu các đơn vị chuyên môn của Bộ phải nhanh chóng có biện pháp xử lý triệt để.

Phát biểu và thái độ dứt khoát của Bộ trưởng Đinh La Thăng một lần nữa nhận được thiện cảm, ủng hộ của rất nhiều người dân, trong đó phải kể tới những người kinh doanh vận tải.

Thế nhưng, gần như ngay lập tức, ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội ký ngày 16/10 nêu: Hiện nay, có một số tờ báo đăng bài với nội dung nêu ý kiến của Bộ trưởng Đinh La Thăng tại cuộc họp giải quyết các kiến nghị của Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam ngày 15/10, có nội dung:

"Có người nói với tôi, xin một lốt xe vào bến xe Mỹ Đình mất đến 500-600 triệu đồng”. Sở GTVT Hà Nội đề nghị Bộ trưởng cung cấp thông tin nhằm kiểm tra, xác minh, báo cáo UBND thành phố Hà Nội và Bộ GTVT xử lý nghiêm theo đúng quy định. Việc làm này cũng hướng đến việc đổi mới công tác quản lý, vì sự hài lòng hơn của người dân và doanh nghiệp”.

Nhiều người tin rằng, Bộ trưởng không nói đùa. Vì những gì ông đã nói là phản ánh bức xúc của các doanh nghiệp vận tải và người dân.

Có người bảo, “phản ứng” gần như ngay lập tức của ông Giám đốc Sở GTVT Hà Nội là “truy” Bộ trưởng, là một sự thách đố, là “vuốt râu hùm”… Nhưng nếu nhìn ở góc độ tích cực hơn thì hoàn toàn có thể cắt nghĩa được, vì Bộ trưởng lấy thí dụ ngay vào Bến xe Mỹ Đình.

Nếu ông Giám đốc Sở không lên tiếng thì nghĩa là đã thừa nhận có chuyện 600 triệu đồng xin lốt xe. Và rồi người ta sẽ bàn tán xem số tiền ấy đã đút vào tay ai, qua những cửa nào? Năng lực quản lý của ông Giám đốc Sở này ra sao mà lại để xảy ra những chuyện tày đình như vậy?

Bộ trưởng Đinh La Thăng trong buổi làm việc với Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam. ảnh: Báo Giao thông.
Bộ trưởng Đinh La Thăng trong buổi làm việc với Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam. ảnh: Báo Giao thông.

Cấp phó của ông Viện là ông Nguyễn Hoàng Linh cũng đã xuất hiện trên một số phương tiện truyền thông để khẳng định “không có chuyện chạy một lốt xe 500 – 600 triệu đồng”.

Phản ứng ấy của ông Vũ Văn Viện đang đặt Bộ trưởng Đinh La Thăng vào một tình thế phải có sự lựa chọn rõ ràng: Một là Bộ trưởng sẽ đưa ra bằng chứng tiêu cực chạy lốt xe vào bến Mỹ Đình.

Hai là Bộ trưởng sẽ trả lời rằng “nghe người ta nói thế”. Lựa chọn thứ ba là “im lặng”. Nhưng có lẽ “im lặng” không được hay cho lắm khi ở vào tình thế này và nó cũng không đúng với phong cách của Tư lệnh ngành giao thông vận tải.

Chưa kể, đến giờ, phía Sở GTVT còn đưa ra thêm thông tin rằng từ năm 2013 đến nay, họ không cấp thêm lốt xe nào. Họ chỉ khai thác các lốt xe đã được cấp từ trước đó.

Về phía các ý kiến ủng hộ Bộ trưởng Thăng, đa phần chỉ cho rằng không nên truy bộ trưởng bằng chứng, mà Hà Nội nên chủ động căn cứ vào phát biểu ấy mà đi điều tra.

Xem ra, ủng hộ thế hơi...yếu ớt.

Lâu nay, chúng ta đều thấy sự quyết liệt của Bộ trưởng Thăng không chỉ thể hiện khi điều hành công tác ở Bộ GTVT, mà ngay cả khi các phóng viên đặt câu hỏi.

Ví như, phóng viên chỉ cần nêu ra những hiện tượng chung chung, kiểu như “một số đoạn đường bị xuống cấp” hay “một số tuyến đường có nhiều xe quá tải”, trước khi trả lời ông hỏi lại ngay: Chỗ nào xuống cấp, chỗ nào nhiều xe quá tải… nêu cụ thể để tôi chỉ đạo xử lý ngay.

Bộ trưởng Thăng, bằng chứng đâu? ảnh 2

Kiểm sát viên “tác oai, tác quái”, dân sẽ trăm đường cơ cực

Có lẽ, lúc này nhiều người đang hồi hộp chờ đợi câu trả lời chính thức của Bộ trưởng Thăng. Ai cũng muốn Bộ trưởng nhanh chóng đưa ra bằng chứng để xử lý một trường hợp điển hình của nạn tham nhũng mà Đảng ta đang tìm mọi cách để ngăn chặn.

Không chỉ có thế, nếu chứng minh được những người có trách nhiệm đã nhận các khoản tiền lớn tới như vậy để xếp xe vào bến Mỹ Đình thì chắn hẳn còn phải xét cả trách nhiệm của lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội.

Và, dù nhìn ở phía Bộ trưởng Đinh La Thăng hay phía ông Giám đốc Sở Vũ Văn Viện thì vụ việc này cũng rất cần cho xã hội, đúng là rất cần phải làm rõ để hướng tới việc phục vụ nhân dân tốt hơn, khi mà chúng ta luôn nói đất nước là của dân, do dân và vì dân.

Trên thực tế, dù chưa cần phải chỉ đích danh ai nhận tiền đút lót xếp xe vào bến Mỹ Đình, mà chỉ cần có sự so sánh giữa những trường hợp cụ thể thì sẽ thấy ngay cách ứng xử không bình thường của những người có trách nhiệm.

Mà chuyện ấy thì chẳng phải khó khăn gì, vì rất nhiều người nhìn thấy. Cũng như ở cùng khu chung cư, hay ở cùng một khu đất, có những hộ được cấp sổ đỏ, có những hộ cả chục năm sau vẫn chẳng nhìn thấy sổ đâu.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, có phản ánh xin một lốt xe vào bến Mỹ Đình mất 500 - 600 triệu đồng. ảnh: tienphong.vn
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, có phản ánh xin một lốt xe vào bến Mỹ Đình mất 500 - 600 triệu đồng. ảnh: tienphong.vn

Từ câu chuyện Bộ trưởng Thăng nêu ra dấu hiệu đút lót để được vào bến xe Mỹ Đình, nhiều người nhớ lại cách đây chưa lâu ông Nguyễn Bá Thanh khi còn là Bí thư Thành ủy Đà Nẵng từng nói rằng “Nhiều cán bộ có thói vừa ăn vừa phá”. Hồi ấy, chẳng thấy ai hỏi ông Thanh điểm ra cán bộ nào vừa ăn vừa phá, nhưng người dân thì tin rằng điều ông Thanh nói là thật.

Rồi chuyện Đại biểu Quốc hội đã nêu ra tiêu cực khi làm đề tài khoa học cấp kinh phí từ Bộ Khoa học và Công nghệ. Bộ trưởng thì trả lời không nắm được, còn Đại biểu thì dứt khoát cho rằng, Bộ trưởng đã chỉ đạo giải quyết, nên không thể nói là không nắm được.

Vụ việc ấy, cho tới nay cũng không còn được nhắc tới, và Bộ Khoa học Công nghệ cũng không thông tin về vụ việc này.

Cách đây hai năm, ông Trần Trọng Dực – Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội đã nêu ra chuyện chạy công chức ở Thủ đô không dưới 100 triệu đồng.

Lần ấy, báo chí đã tốn khá nhiều giấy mực để bàn về vấn đề mà ông Dực nêu ra – dù ai cũng biết chuyện chẳng có gì mới mẻ cả.

Điều duy nhất được chú ý ở đây là phát ngôn đó nảy ra từ chính miệng của ông Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy. Đấy là chuyện không hề phổ biến trong đội ngũ các nhà quản lý ở cơ quan nhà nước.

Thế rồi, cuối cùng vụ ông Trần Trọng Dực nêu ra cũng “chìm nghỉm” vì các cơ quan chức năng của Hà Nội chẳng thể nào tìm ra một vụ chạy trọt công chức như ông Dực phản ánh.

Ấy thế nhưng người dân thì vẫn tin rằng để vào được công chức Thủ đô, trừ những trường hợp thật “xuất sắc”, còn lại nếu không phải chạy trọt thì chỉ là chuyện trên giời.

Nhưng có lẽ, đó là câu chuyện của nhiều ngày trước, của nhiều tháng trước, còn bây giờ tình hình đã đổi khác chăng?

Trở lại với phát ngôn của Bộ trưởng Đinh La Thăng, có lẽ vấn đề nhiều người quan tâm nhất lúc này không chỉ là chuyện Bộ trưởng sẽ đưa ra bằng chứng gì, hay khi nào mới đưa bằng chứng, mà việc cần thiết nhất là làm gì để người dân thật sự tin tưởng vào bộ máy công quyền.

Xin đi vào thực chất vấn đề, đừng tranh cãi bề nổi để cố gắng đẩy trách nhiệm nữa.

Diệu Linh