Chương trình vừa ban hành đã đề xuất "giảm tải", cơ sở pháp lý và khoa học ở đâu

16/09/2021 07:06
Nguyễn Trọng Bình
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cơ sở khoa học và pháp lý nào và ai có quyền quyết định việc cắt giảm tải chương trình giáo dục phổ thông vừa được ban hành năm 2018?

Dịch Covid-19 đang hoành hành khắp cả nước gây ra nhiều xáo trộn cho cuộc sống người dân, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống cùng sự vận hành của xã hội trong đó có giáo dục. Đó cũng là lý do, hiện tại ngành giáo dục buộc phải tiến hành tổ chức dạy học online.

Trên thực tế, câu chuyện cắt/giảm tải nội dung chương trình dạy học trong sách giáo khoa phổ thông các cấp đã diễn ra từ nhiều năm trước. Tuy vậy, khi ấy việc dạy và học vẫn tổ chức theo lối truyền thống chứ không dạy online như thời điểm hiện nay.

Ảnh minh hoạ: VTV

Ảnh minh hoạ: VTV

Quá tải về “lượng” hay quá tải về “chất”?

Trước hết, theo logic thông thường, một khi đặt ra vấn đề cắt/giảm tải nghĩa là chúng ta đã ngầm thống nhất với nhau chương trình và nội dung học trong sách giáo khoa phổ thông hiện nay đang bị “quá tải”.

Thế thì, câu hỏi đặt ra ở đây là như thế nào là quá tải, sự quá tải ấy là về “lượng” hay về “chất”; cơ sở nào để đi đến quyết định phải cắt/giảm tải nội dung này hay nội dung kia?

Mới đây, tác giả Minh Tuấn trong tư cách một giáo viên từng trực tiếp đứng lớp thậm chí đã cho rằng, việc cắt giảm tải hoàn toàn có thể làm “mạnh tay” khoảng 50% chương trình.

Ông Tuấn nói: “Để giải quyết bài toán này, có thể có 2 cách cơ bản: một là cắt giảm thật mạnh tay (khoảng 50% chương trình), hai là cấu trúc lại bài học (có kết hợp với cắt giảm).

Câu hỏi đặt ra là có thể cắt giảm một cách mạnh tay như vậy được không? Được. Rất nhiều kiến thức trong chương trình giáo dục phổ thông của ta là quá nặng và không thiết thực.

Một học sinh cấp 3 có định hướng đi theo khoa học xã hội thì hầu hết các môn tự nhiên sẽ trở thành gánh nặng.

Cũng như thế, những kỹ sư, dân IT hay kế toán ngân hàng thì chẳng cần nhớ đến diễn biến tâm lý của nhân vật Mị để làm gì cả (...)

Tôi, một thầy giáo dạy văn thì cả đời đâu có xài tới lượng giác, tích phân, cân bằng phương trình hóa học hay tính toán gia tốc để mà làm gì, và cũng như thế, tôi quên”. [1]

Tương tự như thế là suy nghĩ của tác giả Đỗ Sông Hương:

“Có nhất thiết phải giữ nguyên một khung chương trình vốn rất nhiều bài, quá nặng kiến thức, thiên nhiều về lý thuyết, ít ứng dụng thực tế và thiếu kỹ năng sống như thời tiền Covid? Nhất là trong bối cảnh trường học đóng cửa triền miên, tại sao không thể giảm tải với cấp hai, cấp ba bằng cách cắt hẳn bài, bớt hẳn lượng kiến thức, thu nhỏ hẳn phạm vi ôn thi?” [2]

Có thể ý kiến của hai tác giả trên chưa phải là ý kiến tiêu biểu và đại diện cho tiếng nói của mấy triệu thầy cô giáo trên cả nước nhưng qua đây cho thấy, sự quá tải và cắt/giảm tải nếu không được lãnh đạo ngành giáo dục và những người có chuyên môn trả lời thỏa đáng sẽ rất dễ rơi vào cách làm tùy tiện và cảm tính dễ xảy ra tranh cãi.

Đặc biệt nếu không cẩn trọng để phân biệt sự “quá tải về lượng” (kiến thức hàn lâm, quá sức, không thực tế…) và quá “tải về chất” (sự trưởng thành về tư duy, nhận thức của học sinh) thì việc cắt giảm có khi chỉ là cách làm thuần túy cơ học và máy móc.

Cơ sở khoa học và pháp lý nào? Ai có quyền quyết định việc cắt giảm tải chương trình giáo dục phổ thông vừa được ban hành năm 2018?

Về phương diện pháp lý, nội dung chương trình và sách giáo khoa là vấn đề mang tính pháp lệnh bắt buộc phải thực hiện theo quy định (mặc dù theo Luật Giáo dục mới, cả nước thực hiện một chương trình và mỗi môn có thể có nhiều sách giáo khoa, nhưng tất cả đều phải trải qua một quy trình thẩm định và được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành).

Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan chịu trách nhiệm trực tiếp triển khai và thực hiện thông qua việc hàng năm phải ban hành hướng dẫn kế hoạch dạy và học ở tất cả các cấp.

Từ năm 2018, trở đi do có sự tách biệt giữa chương trình giáo dục và sách giáo khoa nên về lý thuyết, chỉ chương trình giáo dục phổ thông là mang tính pháp lệnh còn sách giáo khoa là sự lựa chọn của các địa phương.

Điều này, cũng có nghĩa muốn thay đổi (cắt giảm tải chương trình và nội dung sách giáo khoa) về mặt pháp lý, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải dựa trên những quy định cụ thể để ra quyết định.

Quan trọng hơn, về phương khoa học về giáo dục, việc xây dựng nội dung chương trình và sách giáo khoa thời gian qua là do một Hội đồng biên soạn và Hội đồng thẩm định thực hiện. Đặc biệt là Hội đồng biên soạn. Nên việc công bố và ban hành nội dung chương trình và sách giáo khoa sau khi cắt giảm tải của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhất định phải trên cơ sở tham mưu về mặt chuyên môn từ hai Hội đồng này. Vì sao phải như vậy?

Vì để thiết kế và biên soạn ra nội dung chương trình sách giáo khoa phổ thông, những người trong Hội đồng biên soạn chắc chắn phải dựa trên những cơ sở lý luận và thực tiễn dạy học ở Việt Nam để đảm bảo khối lượng kiến thức cần đạt được đối với học sinh phổ thông trong tính liên tục từ lớp 1 đến lớp 12.

Đây là công việc thuần túy khoa học đòi hỏi sự công phu, cẩn trọng và trách nhiệm cao của những người tham gia.

Ngoài ra, tất cả những nội dung và chương trình ấy đã được góp ý và phản biện từ Hội đồng thẩm định có khi rất nhiều lần mới cho ra kết quả cuối cùng.

Thế nên, về mặt nguyên tắc, việc cắt giảm tải bất kỳ nội dung, đơn vị kiến thức nào trong chương trình và sách giáo khoa hiện nay nhất định những người tham gia vào thành phần biên soạn trước đây phải là những người có ý kiến trước tiên.

Hay nói khác đi, chỉ có Hội đồng biên soạn chương và sách giáo khoa mới “danh chính ngôn thuận” nói về việc nên hay không nên cắt giảm chương trình giáo dục và sách giáo khoa do chính họ biên soạn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo thời qua chắc chắn đã thành lập Hội đồng khoa học để thực hiện việc cắt giảm tải tuy vậy, vấn đề là thành phần hội đồng ấy gồm những ai?

Có phải là những người đã tham gia vào việc biên soạn chương trình và sách giáo khoa phổ thông hay là một Hội đồng hoàn toàn mới? Nếu là một Hội đồng mới thì câu đặt ra ở đây là cơ sở khoa học nào để tiến hành việc này.

Câu hỏi này này đặc biệt quan trọng hơn với chương trình giáo dục phổ thông vừa được Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông nghiệm thu và được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, ban hành vào năm 2018.

Chúng ta nên biết rằng, đây là chương trình giáo dục nằm trong toàn bộ đề án quốc gia liên quan đến công cuộc “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục” nước nhà. Cho đến thời điểm này việc triển khai thực hiện chương giáo dục phổ thông tiến hành qua việc đưa vào sử dụng các bộ sách giáo khoa ở các lớp 1, 2 và 6.

Hiện tại, việc phải dạy học online cho các khối lớp trên do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 là thực tế khách quan; những ý kiến của các thầy cô giáo (như trên) có thể xem là một đề xuất phát sinh từ thực tiễn cho việc cắt/giảm tải.

Nhưng thiển nghĩ, đó không phải là cơ sở về khoa học giáo dục trong việc biên soạn chương trình và sách giáo khoa mà các những người tham gia biên soạn dùng để làm căn cứ xây dựng và cấu trúc nên toàn bộ khung chương trình giáo dục và sách giáo khoa. Đặc biệt là với chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Không phải khi thiết kế, biên soạn chương trình này những người trong hội đồng biên soạn và thẩm định đã rất tự hào đây là một chương trình hiện đại, tiến bộ nhằm đảm bảo tốt nhất mục tiêu giáo dục theo đề án “đổi mới căn bản và toàn diện” hay sao?

Vậy nên, dù thực tế của việc dạy học online yêu cầu phải cắt giảm tải khối lượng kiến thức nào đó thì cũng cần được cân nhắc tiến hành dựa trên cơ sở khoa học và pháp lý chứ không nên là cái nhìn cảm tính của bất kỳ cá nhân nào đó.

Thay lời kết

Giáo dục là quốc sách, là chiến lược lâu dài và quan trọng nhất để xây dựng phát triển đất nước trong sự ổn định và bền vững. Giáo dục còn là bộ mặt văn hóa của một dân tộc. Muốn thay đổi vấn đề nào đó dù là chi tiết nhỏ trong hệ thống cũng phải cân nhắc, cẩn trọng nếu không sẽ để lại hệ lụy khôn lường.

Tài liệu tham khảo:

[1]: https://viettimes.vn/hoc-cai-gi-va-giam-tai-bao-nhieu-post150344.html

[2]: https://vnexpress.net/giam-hay-tang-tai-4356553.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả, tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt lại.

Nguyễn Trọng Bình