Theo đó, Thông tư này quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương viên chức tư vấn học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trường chuyên biệt công lập.
Người viết là giáo viên bậc trung học phổ thông có đôi điều góp ý thêm về dự thảo Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương viên chức tư vấn học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trường chuyên biệt.
Thứ nhất, ưu điểm, dự thảo Thông tư có nhiều quy định giống với Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi quy định bổ nhiệm, xếp lương giáo viên phổ thông công lập.
Cụ thể, dự thảo Thông tư quy định chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh bao gồm: 1) Viên chức tư vấn học sinh hạng III - Mã số: V.07.07.24. 2) Viên chức tư vấn học sinh hạng II - Mã số: V.07.07.23. 3) Viên chức tư vấn học sinh hạng I - Mã số: V.07.07.22.
Việc phân viên chức tư vấn học sinh làm 3 hạng cũng tương tự giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông hạng III, hạng II, hạng I.
Cùng với đó, dự thảo Thông tư quy định cụ thể về tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của viên chức tư vấn học sinh.
Đáng chú ý là nội dung: "Thương yêu, đối xử công bằng và tôn trọng học sinh; bảo mật thông tin cá nhân và bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của học sinh". (Điểm c Điều 3)
Bên cạnh đó, viên chức tư vấn học sinh các hạng được quy định cụ thể về: 1) Nhiệm vụ; 2) Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng; 3) Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.
Ngoài ra, nguyên tắc bổ nhiệm và xếp lương theo chức danh nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh cũng giống như giáo viên phổ thông. Cụ thể:
Giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông hạng III: từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98. |
Viên chức tư vấn học sinh hạng III (mã số V.07.07.24) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98. |
Giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông hạng II: từ hệ số lương 4,0 đến hệ số lương 6,38. |
Viên chức tư vấn học sinh hạng II (mã số V.07.07.23.) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2 (nhóm A2.2), từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38. |
Giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông hạng I: từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78. |
Viên chức tư vấn học sinh hạng I (mã số V.07.07.22.) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2 (nhóm A2.1), từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78 |
Thứ hai, người viết băn khoăn quy định tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng viên chức tư vấn học sinh hạng I khác với tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của giáo viên trung học phổ thông hạng I. Cụ thể:
Giáo viên trung học phổ thông hạng I |
Viên chức tư vấn học sinh hạng I |
Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng: a) Có bằng thạc sĩ trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên trung học phổ thông hoặc có bằng thạc sĩ trở lên chuyên ngành phù hợp với môn học giảng dạy hoặc có bằng thạc sĩ quản lý giáo dục trở lên; |
Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng: a) Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành đào tạo thuộc một trong những ngành: Tâm lý học, Công tác xã hội, Xã hội học, Đào tạo giáo viên theo chuyên ngành tương ứng với cấp học được tuyển dụng; |
Bảng so sánh cho thấy, giáo viên trung học phổ thông hạng I phải có bằng thạc sĩ trở lên, còn viên chức tư vấn học sinh hạng I chỉ cần có bằng tốt nghiệp đại học trở lên.
Hay nói cách khác, quy định tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức tư vấn học sinh hạng I dễ hơn so với giáo viên trung học phổ thông hạng I.
Phải chăng, nhiệm vụ của viên chức tư vấn học sinh hạng I không phức tạp như nhiệm vụ của giáo viên trung học phổ thông hạng I nên không cần trình độ cao hơn?
Cần biết thêm, dự thảo Thông tư quy định, ngoài những nhiệm vụ của viên chức tư vấn học sinh hạng II, viên chức tư vấn học sinh hạng I còn phải thực hiện những nhiệm vụ sau:
a) Chủ trì thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp trường trở lên (nếu có);
b) Chủ trì xây dựng các nội dung bồi dưỡng, tập huấn hoặc tham gia đánh giá, thẩm định tài liệu, học liệu phục vụ công tác bồi dưỡng, tập huấn viên chức tư vấn học sinh cấp huyện trở lên.
Còn nhiệm vụ của giáo viên trung học phổ thông hạng I được quy định: Ngoài những nhiệm vụ của giáo viên trung học phổ thông hạng II, giáo viên trung học phổ thông hạng I phải thực hiện các nhiệm vụ sau:
a) Tham gia biên soạn hoặc thẩm định hoặc lựa chọn sách giáo khoa, tài liệu giáo dục địa phương hoặc các tài liệu dạy học khác và tài liệu bồi dưỡng cho giáo viên;
b) Làm báo cáo viên, chia sẻ kinh nghiệm hoặc dạy minh họa ở các lớp tập huấn, bồi dưỡng phát triển chuyên môn, nghiệp vụ giáo viên từ cấp tỉnh trở lên hoặc tham gia dạy học trên truyền hình;
c) Chủ trì các nội dung bồi dưỡng, hướng dẫn đồng nghiệp triển khai chủ trương, nội dung đổi mới của ngành hoặc sinh hoạt chuyên đề từ cấp tỉnh trở lên;
d) Tham gia đánh giá ngoài hoặc công tác kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên từ cấp tỉnh trở lên;
đ) Tham gia ban tổ chức hoặc ban giám khảo hoặc ban ra đề trong các hội thi của giáo viên từ cấp tỉnh trở lên;
e) Tham gia hướng dẫn hoặc đánh giá các hội thi hoặc các sản phẩm nghiên cứu khoa học kỹ thuật của học sinh trung học phổ thông từ cấp tỉnh trở lên;
g) Tham gia ra đề và chấm thi học sinh giỏi trung học phổ thông từ cấp tỉnh trở lên.
Bên cạnh đó, người viết cũng băn khoăn về thời gian giữ hạng của viên chức tư vấn học sinh. Cụ thể, dự thảo Thông tư không quy định thời gian giữ hạng đối với viên chức tư vấn học sinh hạng III đã có bằng thạc sĩ.
Trong khi đó, văn bản hợp nhất Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường trung học phổ thông công lập quy định:
Trường hợp giáo viên dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng II (mã số V.07.05.14) nếu đã có bằng thạc sĩ, đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo của giáo viên trung học phổ thông hạng II và có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng III (mã số V.07.05.15) hoặc tương đương đủ từ 06 (sáu) năm trở lên (không kể thời gian tập sự) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng thì được xác định là đủ yêu cầu về thời gian giữ hạng.
Như vậy, viên chức tư vấn học sinh hạng III có bằng thạc sĩ vẫn phải có thời gian giữ hạng 9 năm (không kể thời gian tập sự) thì mới đủ điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng III lên hạng II - thay vì 6 năm như giáo viên trung học phổ thông hạng III đã có bằng thạc sĩ.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/toan-van-du-thao-thong-tu-bo-nhiem-xep-luong-vien-chuc-tu-van-hoc-sinh-119240412165421993.htm
[2] https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/toan-van-thong-tu-08-2023-tt-bgddt-sua-doi-quy-dinh-bo-nhiem-xep-luong-giao-vien-pho-thong-119230416104910129.htm
[3] https://giaoduc.net.vn/bo-gddt-hop-nhat-thong-tu-quy-dinh-ma-so-bo-nhiem-xep-luong-giao-vien-thpt-post236958.gd
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.