Trong những năm qua, giáo dục đại học Việt Nam đã và đang trải qua một giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ, hướng đến một hệ thống học thuật tự chủ, chất lượng, hội nhập quốc tế nhưng vẫn giữ vững bản sắc và vai trò xã hội.
Dự thảo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) năm 2025 được xây dựng trên tinh thần ấy, thể hiện nỗ lực lớn trong việc thể chế hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới giáo dục - đào tạo, đẩy mạnh tự chủ đại học, và thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Dự thảo lần này có nhiều điểm tiến bộ, thiết thực và kịp thời, mở ra cơ hội cải cách sâu rộng về cơ chế vận hành đại học. Tuy nhiên, cơ chế Hội đồng trường tại các trường đại học thành viên thuộc đại học quốc gia và đại học vùng, cần hết sức cân nhắc thật kĩ, trước khi quyết định, nhằm bảo đảm tính nhất quán, phù hợp với thực tiễn quản trị, đồng thời giữ vững nguyên lí "tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình".

Những điểm đổi mới đáng hoan nghênh trong Dự thảo
Dự thảo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) lần này thể hiện một bước tiến quan trọng cả về nội dung lẫn kĩ thuật lập pháp. Một số điểm đáng chú ý có thể kể đến:
Một là, xác lập quyền tự chủ là quyền pháp định của cơ sở giáo dục đại học, thay vì là quyền được trao có điều kiện như trước. Điều này thể hiện niềm tin của Nhà nước vào các chủ thể giáo dục, đồng thời thúc đẩy đổi mới quản trị theo hướng minh bạch, hiệu quả và bền vững.
Hai là, thêm các khái niệm mới, hiện đại như: tự do học thuật, cơ sở dữ liệu giáo dục đại học, liên kết đào tạo, đầu tư công - tư trong giáo dục, ứng dụng công nghệ tiên tiến… phản ánh trung thực những chuyển động của giáo dục đại học trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế.
Ba là, chuyển đổi mô hình lập pháp từ quản lí sang kiến tạo phát triển, thông qua việc nhấn mạnh kế hoạch chiến lược phát triển hệ thống, thiết lập chuẩn cơ sở giáo dục đại học, tăng cường hậu kiểm và định hướng chất lượng.
Bốn là, đặc biệt, lần đầu tiên có một điều khoản riêng quy định về ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, và các công nghệ tiên tiến trong giáo dục đại học, tạo cơ sở pháp lí cho việc đổi mới sâu rộng hoạt động đào tạo - nghiên cứu - quản trị - phục vụ cộng đồng.
Với những điểm đổi mới như trên, dự thảo thực sự đã tiệm cận các mô hình đại học hiện đại của thế giới, và phù hợp với yêu cầu thực tiễn đổi mới giáo dục Việt Nam trong giai đoạn mới.
Hội đồng trường: “Bộ lọc” cần thiết trong quản trị các trường đại học thành viên
Một điểm đặc biệt nhấn mạnh trong dự thảo, đó là cơ chế Hội đồng trường trong hệ thống của các trường đại học thành viên thuộc đại học quốc gia và đại học vùng.
Thứ nhất, không nhất thiết phải có Hội đồng đại học ở cấp điều phối trung gian. Đại học quốc gia và đại học vùng là những “mạng lưới” các trường đại học, viện nghiên cứu, đơn vị chuyên môn... được Nhà nước giao nhiệm vụ làm đầu mối triển khai các nhiệm vụ chiến lược quốc gia về đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển quốc gia và vùng.
Với chức năng điều phối, tích hợp và phân bổ nguồn lực theo định hướng chiến lược, bản thân các đại học quốc gia/vùng không phải là cơ sở đào tạo trực tiếp, mà là cơ chế trung gian - tương tự vai trò của một “cơ quan được ủy quyền của Bộ Giáo dục và Đào tạo”.
Trong trường hợp đó, việc không duy trì Hội đồng đại học tại cấp độ này là hoàn toàn hợp lí, nhằm tránh chồng chéo thẩm quyền và đảm bảo tính linh hoạt trong điều hành.
Thứ hai, các trường đại học thành viên là đơn vị đào tạo độc lập – cần thiết phải có Hội đồng trường.
Khác với vai trò điều phối của đại học quốc gia/vùng, các trường đại học thành viên là nơi trực tiếp tổ chức hoạt động đào tạo, nghiên cứu, phục vụ cộng đồng, quản lí đội ngũ, sử dụng ngân sách, tuyển sinh, quản trị học thuật… Tất cả những chức năng này chỉ có thể được thực hiện tốt nhất trong một môi trường tự chủ và có trách nhiệm giải trình rõ ràng.
Chính vì vậy, Hội đồng trường là thiết chế không thể thiếu tại cấp trường đại học thành viên, dù thuộc bất kì hệ thống đại học nào. Hội đồng trường không chỉ là cơ quan quyền lực cao nhất của trường, mà còn đóng vai trò phản biện, giám sát, quyết định những vấn đề chiến lược – thể hiện đúng tinh thần “trao quyền gắn với kiểm soát quyền lực”.
Nếu bỏ Hội đồng trường ở cấp trường thành viên, điều đó sẽ dẫn đến những rủi ro nghiêm trọng, như: (1) giảm hiệu lực của mô hình tự chủ; (2) tăng xu hướng tập trung quyền lực vào ban giám hiệu hoặc về cấp đại học điều phối; (3) làm mờ tính độc lập pháp lí và sứ mạng học thuật của mỗi trường đại học thành viên.
Thứ ba, có thể so sánh mô hình ở bảng sau để khẳng định nguyên tắc cần thiết phải có hội đồng trường thành viên thuộc đại học quốc gia/vùng:
Cấp độ | Chức năng | Cần Hội đồng không? |
Đại học quốc gia / vùng | Điều phối chính sách, chiến lược, triển khai đầu tư | Không bắt buộc |
Trường đại học thành viên | Đào tạo, nghiên cứu, quản lí trực tiếp người học, giảng viên, tài chính | Bắt buộc có |
Tóm lại, dự thảo Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2025 là một bước tiến lớn trong việc định hình lại hệ thống giáo dục đại học Việt Nam theo hướng hiện đại, hội nhập và bền vững.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính nhất quán và phát huy hiệu quả của mô hình đại học quốc gia và đại học vùng, cần tiếp cận đúng bản chất, không bắt buộc thành lập Hội đồng đại học tại đại học quốc gia và đại học vùng, nhưng phải duy trì hội đồng trường tại tất cả các trường đại học thành viên có tư cách pháp nhân độc lập.
Cách tiếp cận này vừa bảo đảm đúng chức năng - nhiệm vụ của từng cấp, vừa duy trì nguyên tắc tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình, tạo điều kiện cho từng cơ sở giáo dục đại học phát huy tối đa năng lực quản trị, sáng tạo và phục vụ cộng đồng.
Đó cũng chính là tinh thần cốt lõi của một nền giáo dục đại học hiện đại: phân tầng rõ ràng, quyền lực được kiểm soát, và mọi chủ thể đều được trao quyền đi đôi với trách nhiệm.