Phòng chống dịch bệnh, lo trước, đừng chạy sau

15/07/2021 06:26
Xuân Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Vấn đề quan trọng nhất mà các cơ quan hữu quan và người chỉ huy chiến dịch cần nhận thức là tầm nhìn, là chiến lược trong nhiều năm.

Thông tin cho biết Bộ Y tế đã cho phép Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dược Sài Gòn nhập khẩu lô vaccine Vero Cell của hãng Sinopharm – Trung Quốc, nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách cho phòng, chống dịch Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Dữ liệu trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ cho thấy, vaccine Sinopharm có hiệu quả gần 78,1% với các trường hợp có triệu chứng và 73,5% cho các ca nhiễm không triệu chứng. [1]

Trong khi đó một loại vaccine khác do Trung Quốc sản xuất là Sinovac nhận được đánh giá của giới chức Singapore như sau: “Người tiêm vắc xin Covid-19 Sinovac không được liệt vào tổng số người đã tiêm vắc xin Covid-19”, quyết định này xuất phát từ lý do: “Không có dữ liệu đầy đủ về hiệu quả của loại vắc xin do Trung Quốc bào chế”.

Giám đốc phụ trách các dịch vụ y tế thuộc Bộ Y tế Singapore Kenneth Mak nói rằng:

“Bằng chứng từ những nước khác cho thấy những người được tiêm vắc xin Covid-19 Sinovac vẫn bị nhiễm”. [2]

Gần đây, có sự tranh luận về cách nói “Sống chung với dịch Covid-19” hay “Sống chung với virus SARS-CoV-2”. Có người cho rằng hai cách nói này “Về bản chất là hoàn toàn khác nhau”. [3]

Phân biệt cặn kẽ hai cách nói có quan trọng với dân chúng và lãnh đạo doanh nghiệp, những người bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề từ đại dịch?

(Ảnh minh hoạ: Benhvien108.vn)

(Ảnh minh hoạ: Benhvien108.vn)

Dịch bệnh là những biểu hiện có thể nhận biết - trong phạm vi hẹp hoặc cả xã hội - một cách trực giác qua việc nhiều người cùng lúc bị suy giảm sức khỏe, có các triệu chứng lâm sàng giống nhau khiến người bệnh phải điều trị tại nhà hoặc tại các cơ sở y tế, người bị bệnh nặng có thể dẫn tới tử vong.

Virus là sinh vật nhỏ bé mắt thường không nhìn thấy, virus tồn tại ngoài môi trường hoặc bên trong cơ thể động, thực vật. Bất kỳ nơi nào trên trái đất, kể cả vùng cực cũng có thể tìm thấy virus như một bài báo viết: “Bắc Cực tan băng khiến nhiều virus cổ đại chết chóc thoát ra”.

Việc con người sống chung với virus là điều không phải bàn luận, điều này đã diễn ra từ khi tổ tiên loài người sống cuộc sống hoang dã cho đến tận nền văn minh thế kỷ 21 này.

Con người cần sự hiểu biết để chống lại dịch bệnh chứ không phải chống lại virus.

Nhận thức một cách đúng đắn, không tô hồng, không bóp méo các sự kiện, đặc biệt là chiến lược phòng chống dịch bệnh không phải là để chúng ta sợ hãi, cũng không phải là “vạch áo cho người xem lưng” mà để đánh giá chính xác những gì chúng ta đã làm tốt, những gì làm chưa tốt từ đó đưa ra chiến lược mới vì mục tiêu tối thượng là sức khỏe, đời sống nhân dân, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và an ninh quốc gia.

Tuy nhiên, đã xuất hiện một vài cách thông tin theo người viết là chưa chính xác về hoạt động chống dịch Covid-19 của Việt Nam.

Thời kỳ đầu Việt Nam chống dịch bằng cách khoanh vùng, truy vết, cách ly, điều trị,… chứ không phải là “Chiến lược chống dịch Covid-19 của Việt Nam là xuyên suốt với “vắc-xin + 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế), như bài báo [3] diễn đạt.

Điều này đã được Bộ Y tế khẳng định trong bài báo “Bộ Y tế công bố 10 sự kiện y tế và phòng chống dịch Việt Nam năm 2020” đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Y tế ngày 30/12/2020, theo đó:

“Với chiến lược “ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị”, Việt Nam đã thực hiện được cách ly cho hơn 730.000 người; thực hiện xét nghiệm cho 1,7 triệu người; triển khai 1608 điểm chốt biên giới với gần 10.000 người bám biên từ Tết Canh Tý đến nay”. [4]

Khi dịch bệnh mới xuất hiện, khi vaccine phòng chống Covid-19 còn đang trong giai đoạn nghiên cứu, chưa được sản xuất thì chiến lược của Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn và các cơ quan chỉ đạo của Nhà nước, Chính phủ và Bộ Y tế hoàn toàn có quyền tự hào về thành tích chống dịch lúc đó.

Tuy nhiên, khi dịch bệnh lây lan toàn cầu với tốc độ chóng mặt, khi sự xuất hiện thêm các chủng virus mới mà người bệnh không thấy các biểu hiện bệnh lý như ho, sốt,… thì “ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị” là không đủ và vì vậy chiến lược này được chuyển thành “vắc-xin + 5K” trong đó “vắc-xin” đặt trước 5K.

Tiêm vaccine cho bao nhiêu phần trăm dân số để đưa đất nước đến trạng thái miễn dịch cộng đồng - là trạng thái mà con người không còn là công cụ lây lan virus - là câu hỏi cần sự trả lời của các nhà khoa học chứ không thể vội vàng.

Phải chăng do nhận thức “vắc-xin” đặt trước 5K nên phải nhập ngay các loại vaccine hiệu quả chỉ hơn 70% với số lượng khá lớn (5 triệu liều)?

Phải chăng một bộ phận dân chúng và quan chức còn chủ quan nên vừa qua, có hiện tượng người dân Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam chen chúc đi xếp hàng xét nghiệm lấy giấy chứng nhận âm tính COVID-19 để có thể tự do đi lại?

Vấn đề là hiện tại, Việt Nam cùng lúc sử dụng nhiều loại vaccine từ các nguồn nước ngoài, có nguồn miễn phí và có nguồn phải mua dẫn tới tình trạng “có gì tiêm nấy”.

Liệu có thể khẳng định cơ chế miễn dịch trên cơ thể người được tạo ra bởi các loại vaccine khác nhau là hoàn toàn giống nhau?

Và liệu có nên tiêm hai mũi phòng ngừa bởi hai loại vaccine khác nhau?

“Các loại vaccine Covid-19 đem lại kiểu miễn dịch nào? Nói ngắn gọn là chúng ta không biết, vì chúng quá mới”, đây là nhận định của một chuyên gia y tế nước ngoài.

Để đạt trạng thái miễn dịch cộng đồng (Community immunity), các nhà khoa học đã đưa ra kết luận:

- Với bệnh Sởi phải tiêm chủng cho 95% dân số;

- Với bệnh Bại liệt là từ 80-85% dân số; [5]

- Với dịch bệnh Covid-19, một thông tin trên Cand.com.vn cho biết nếu vaccine đạt hiệu quả 90% thì tỷ lệ dân số cần tiêm chúng là 75%. [6]

Loại vaccine mà Công ty Dược Sài Gòn nhập khẩu (vaccine Vero Cell của hãng Sinopharm- Trung Quốc) hiệu quả chỉ từ 73,5% đến 78% thì Thành phố Hồ Chí Minh phải tiêm phòng cho bao nhiêu phần trăm dân số để đạt trạng thái “miễn dịch cộng đồng”?

Hiện đang có tình trạng thiếu căn cứ khoa học rõ ràng trong việc đưa ra các con số trong thông tin chiến dịch tiêm vaccine phòng dịch Covid-19, chẳng hạn “Tiêm phòng vaccine COVID-19 phải đạt trên 70% dân số mới tạo miễn dịch”. (Laodong.vn – 26/04/2021)

Tỷ lệ dân số cần tiêm phòng để đạt miễn dịch cộng đồng phụ thuộc vào hiệu quả của vaccine nên không thể đưa ra con số ước lượng “trên 70%” khi Việt Nam sử dụng nhiều loại vaccine với hiệu quả chênh lệch khá lớn.

Để đạt trạng thái “miễn dịch cộng đồng” vaccine hiệu quả thấp thì tỷ lệ dân chúng phải tiêm chủng sẽ phải cao và ngược lại. Một nghiên cứu từ nước ngoài cho thấy nếu hiệu quả của vaccine chỉ khoảng 80% thì tỷ lệ dân chúng cần tiêm phòng dao động từ 75-90%.

Việt Nam đặt mục tiêu cuối năm 2021, đầu năm 2022 đạt miễn dịch cộng đồng và để đạt mục tiêu này “phải tiêm cho ít nhất khoảng 70% dân số”.

Liên quan đến tính mạng người dân đưa ra những con số ước lượng là không nên.

Có thể cho rằng chiến lược chống dịch mới “Vaccine + 5K” là chủ trương kịp thời và cho đến thời điểm này là cách làm khoa học nhất. Tuy nhiên, cần phải khẳng định là cho đến nay nhờ phong tỏa, cách ly, khoanh vùng, dập dịch mà kết quả chống dịch bệnh của Việt Nam đạt hiệu quả cao chứ không phải nhờ vaccine bởi chúng ta mới chỉ tiêm chủng được chừng 2% dân số.

Vấn đề quan trọng nhất mà các cơ quan hữu quan và người chỉ huy chiến dịch cần nhận thức là tầm nhìn, là chiến lược trong nhiều năm.

Nghiên cứu, thử nghiệm tiến tới sản xuất vaccine trong nước là chiến lược đúng đắn nhất, hiệu quả nhất và điều này cần sự chủ động của Nhà nước chứ không dựa vào sự năng động của doanh nghiệp.

Người viết cho rằng Quỹ Vaccine mà người dân và doanh nghiệp đóng góp cùng Chính phủ nên dành một tỷ lệ thích hợp cho các nghiên cứu khoa học trong nước về vaccine chứ không nên dành 100% để mua vaccine do nước ngoài sản xuất.

Chi tiền cho các cơ quan, nhà khoa học trong nước nghiên cứu, sản xuất vaccine là đầu tư phát triển, bỏ tiền mua vaccine của nước ngoài chỉ là cách làm bất đắc dĩ nhằm đối phó với dịch bệnh và bù đắp khiếm khuyết trong giai đoạn chưa có vaccine thương mại.

Hiện Việt Nam có một số ủy ban, ban chỉ đạo liên quan đến các vấn đề riêng lẻ như:

“Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm”; “Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19”; “Ủy ban quốc gia an toàn giao thông”; “Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi”;…

Nên chăng thành lập một cơ quan tổng hợp với tên gọi “Ủy ban Quốc gia phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và tệ nạn xã hội” để điều tiết mọi nguồn lực và cũng để giảm nhẹ những chi phí khi số lượng Ủy ban hoặc Ban Chỉ đạo là khá nhiều nhưng hiệu quả lại chưa thật rõ.

Để đạt đến trạng thái miễn dịch cộng đồng có hai phương pháp:

Thứ nhất là sử dụng vaccine - tạm gọi là phương pháp nhân tạo.

Thứ hai, miễn dịch tự nhiên - tức là khả năng cơ thể tự tạo ra kháng thể mà không cần tiêm chủng.

Quá xem trọng vaccine mà quên đi phương pháp tăng cường sức khỏe, tăng cường sự đề kháng của cơ thể trước dịch bệnh phải chăng cũng là sai lầm./.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/bo-y-te-cho-nhap-khau-5-trieu-lieu-vac-xin-covid-19-sinopharm-cua-trung-quoc-754468.html

[2]https://thanhnien.vn/the-gioi/singapore-loai-tru-lieu-tiem-vac-xin-sinovac-de-nghi-nguoi-da-tiem-xet-nghiem-1410622.html

[3] https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/dachieu/song-chung-voi-dich-covid-19-754905.html

[4] https://moh.gov.vn/tin-noi-bat/-/asset_publisher/3Yst7YhbkA5j/content/bo-y-te-cong-bo-10-su-kien-y-te-va-phong-chong-dich-viet-nam-nam-2020

[5] https://www.vinmec.com/vi/vac-xin/kien-thuc-tiem-chung/mien-dich-cong-dong-va-vai-tro-cua-vac-xin/

[6] http://cand.com.vn/The-gioi-24h/Vaccine-co-the-giup-the-gioi-chien-thang-dai-dich-644606/

Xuân Dương