LTS: Trong hệ thống giáo dục quốc dân, vấn đề nhìn nhận, đúc rút ra một triết lý có thể thúc đẩy hoặc làm thui chột một nền giáo dục phát triển. Cho đến nay, mỗi người có một quan điểm riêng về triết lý giáo dục.
Là người đã từng có nhiều ý kiến, nhiều tham luận và nghiên cứu về triết lý giáo dục nước nhà GS Phạm Minh Hạc, Chủ tịch Hội giáo chức Việt Nam, Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chia sẻ với Báo Giáo dục Việt Nam ở góc nhìn của ông về “Triết lý giáo dục”.
PV: Cho tới thời điểm hiện tại chúng ta vẫn đang loay hoay đi tìm một “Triết lý giáo dục”, nhiều chuyên gia, các Giáo sư nổi tiếng khác cũng đã từng chủ quan định nghĩa về triết lý giáo dục, là người nghiên cứu về giáo dục, đã từng công tác trong ngành giáo dục nhiều năm, Giáo sư có thể chia sẻ, nên hiểu như thế nào cho đúng về nội hàm triết lý này?
GS Phạm Minh Hạc: Theo tôi, “Triết lý giáo dục” là thực tế giáo dục đã được con người, cộng đồng, xã hội trải nghiệm – cái đã trải qua và nghiệm thấy, tức là đã cảm nhận, biết đến hiểu ra, ý thức được – được đúc kết lại thành một giá trị được biểu đạt trong câu ngắn gọn, ca dao, tục ngữ, cụm từ…nhằm truyền đạt, tiếp thu và thể hiện trong cuộc sống, mang lại một giá trị nhất định cho con người, cộng đồng, xã hội, duy trì và làm nảy nở cái đúng, tốt, đẹp, ngăn ngừa, sửa chữa, loại trừ cái sai, cái ác, cái xấu.
|
GS Phạm Minh Hạc cho biết, “Triết lý giáo dục” là thực tế giáo dục đã được con người, cộng đồng, xã hội trải nghiệm – cái đã trải qua và nghiệm thấy, tức là đã cảm nhận, biết đến hiểu ra, ý thức được – được đúc kết lại thành một giá trị được biểu đạt trong câu ngắn gọn, ca dao, tục ngữ, cụm từ….Ảnh Xuân Trung |
Triết lý giáo dục có thể ở các cấp độ khác nhau: Một cá thể, một tập thể, cả một quốc gia cho cả hệ thống giáo dục (đường lối, chiến lược, chính sách…phát triển giáo dục, thái độ đối với nhà giáo, với học trò, vận dụng vào xác định mục tiêu, kế hoạch giáo dục, chỉ đạo phát triển chương trình, sách giáo khoa…) đến một trường, một lớp học, một nhà giáo, một gia đình. Cũng có thể nói đơn giản thế này, triết lý là triết học mang lại giá trị thực tế nào đó cho con người, cộng đồng, xã hội, nói như vậy có cái hay ở chỗ xích gần hai thuật ngữ “Triết lý” và “Triết học”, nhưng lại có cái dở là dùng thuật ngữ “Triết học” để định nghĩa thuật ngữ “Triết lý”.
Nhưng do đâu mà chúng ta vẫn chưa thống nhất, chưa có một “Triết lý giáo dục” ở mức tương đối mà vẫn loay hoay như vây?
Theo tôi, nếu nói đúng vắn tắt là quy mô – đường lối phát triển giáo dục của ta là “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” đó là một triết lý rất lớn bắt đầu từ năm 1991. Hơn nữa, trong ý thức người dân đến nay vẫn còn rất nặng về chữ nghĩa. Thi thố trước đây chúng ta rất nhiều “quan trường”, hiện nay để vào công tác hay biên chế nơi nào đó chỉ học cốt có cái bằng để làm hồ sơ, lí lịch. Trong dân mình còn rất nặng một triết lý hay tâm lý bằng cấp, chỉ chăm chăm vào đại học, không thích trung cấp, không thích học nghề.
|
Theo "Triết lý giáo ục" của GS Phạm Minh Hạc thì, triết lý là triết học mang lại giá trị thực tế nào đó cho con người, cộng đồng, xã hội. Ảnh Xuân Trung |
Ngành giáo dục lại chạy theo mong muốn đó hay gọi là nhu cầu xã hội một cách chung chung, người dạy cũng bằng mọi cách dạy thêm, học thêm. Năm 1996 Hội nghị trung ương 2 đã đề ra, sau lớp 9 phải phân luồng, “em nào có triển vọng thì đi học đại học, em nào thấy khả năng của mình nên đi vào học trung cấp hay trường nghề”, nhưng cho tới nay đã gần 20 năm hầu như cả nước không thực hiện được. Tất cả vào đại học mà chúng ta lại mở quá nhiều trường đại học, trường cao đẳng lên trường đại học cũng quá nhiều, các ngành khoa học xã hội, nông nghiệp không có người học, trong khi đất nước là nông nghiệp, đó là một bất cập.
Chúng ta đề ra “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, kiểm điểm đến nay đã được gần 20 năm, ngày 15/4/2008 Bộ Chính trị có kết luận về 10 năm thực hiện Nghị quyết TƯ 2, khóa 8 về giáo dục, thì tất cả các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp không nơi nào thực hiện phát triển giáo dục như là “Quốc sách hàng đầu”. Cho nên tình hình giáo dục mới như thế này.
Ngành giáo dục thì cả sách giáo khoa, cả phương pháp không thực hiện được việc “dạy chữ”, “dạy người”, “dạy nghề” mà chỉ tập trung vào dạy chữ, ngay trong dạy chữ cũng còn nhiều khiếm khuyết. Tất cả phương pháp dạy và học đều nhằm chỉ đi thi mà thôi.
Theo Giáo Sư, nói về triết lý giáo dục có cần được chia thành các chủ đề cho dễ hiểu, dễ phân tích, ví như triết lý theo tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh không, thưa Giáo sư?
Theo tôi rất cần, chúng ta phải đi tìm và nghiên cứu về một số triết lý của các tư tưởng từ trước. Trước hết, nói về triết lý giáo dục Hồ Chí Minh ta nên hiểu rằng, đó là một bộ phận tư tưởng Hồ Chí Minh, là triết lý giáo dục cách mạng, trực tiếp chỉ đạo xây dựng nên một nền giáo dục mới của nước Việt Nam độc lập, đắc lực phục vụ cách mạng, phục vụ dân tộc, phụ vụ con người Việt Nam.
Có thể được tóm tắt ở các khía cạnh như: Chống chính sách ngu dân. Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì lợi ích trăm năm trồng người. Xây dựng một nền giáo dục của một nước độc lập. Đào tạo những công dân hữu ích cho nước nhà. Phát triển những năng lực sẵn có của các em. Trọng dụng nhân tài. Giáo dục làm người. Dù khó khăn đến đâu cũng phải dạy tốt học tốt. Học đi đôi với hành. Lý luận gắn liền với thực tiễn.
Hay như Triết lý giáo dục dân gian có thể hiểu như xem ca dao, tục ngữ đã đúc kết, sáng tạo, giữ gìn, truyền đạt kinh nghiệm, trải nghiệm, dạy dỗ lẫn nhau, để sống, dựng nhà, giữ nước. Chẳng hạn đến ngày nay, chẳng mấy người không thuộc câu nói lên vài trò của giáo dục: “Nửa bụng chữ bằng một hũ vàng”. Ngoài ra, tôi cũng xin nhấn mạnh chúng ta cũng đã có triết lý giáo dục từ thời Chu Văn An tới Nguyễn Trường Tộ…
Trong lịch sử chúng ta đã có triết lý giáo dục, và chính có triết lý giáo dục mới có được nền giáo dục như ngày nay. Chính bản Tuyên ngôn độc lập giống như bản triết lý gốc của chúng ta ngày nay.
Theo Giáo sư, Triết lý giáo dục cần phải trải lời được những câu hỏi như thế nào?
Trước hết phải trả lời được tính chất của nền giáo dục, hay nói đơn giản là dạy ai, học cái gì, ra để làm gì, để phục vụ ai?
Để dân ta xứng đáng là dân tộc thông thái thì nhân dân, đảng ta phải tiến hành phát triển giáo dục như là quốc sách hàng đầu. Giáo dục là thực học, thực nghiệm, một nền giáo dục nhân văn, và hơn hết phải có giá trị bản thân. Như vậy, tất cả sách vở phải tạo cho học sinh có vốn liếng riêng của các em, thành giá trị của các em, tức là không chỉ có tri thức trong đầu mà còn phải đem ra sử dụng ngoài đời được để có thể sống hạnh phúc, tốt đẹp và xã hội được nhờ. Đó chính là giá trị bản thân.
Tôi rất đề cao chữ “Chí” rồi mới tới chữ “Trí”, người ta có “Trí” mà không có “Chí” thì không quyết định gì.
PV: Giáo sư có chia sẻ gì với một ý kiến được cho là “Triết lý giáo dục” của Việt Nam hiện nay, rằng, “Triết lý là mục đích cải tạo con người Việt Nam khỏe mạnh về thể chất, sáng về trí tuệ, độc lập về tư duy, giàu lòng nhân ái, đẹp về mơ ước, mạnh về ý chí, nghị lực, năng động, sáng tạo”?
Cái tâm lực (Chí), trí lực (Trí) và thể lực, gọn lại là giá trị bản thân. Tôi không hiểu chữ “Cải tạo” dùng trong này có nghĩa gì, đây là mình giáo dục các em, cải tạo chỉ dùng trong trường hợp chữa vật này thành vật khác mà thôi (cải biến, tạo lập). Ý kiến đôi khi cũng có nhiều.
Để cho Triết lý giáo dục được bền vững thì cần những yếu tố nào, thưa Giáo sư?
Bền vững tức là lâu dài, trước hết chúng ta phải có đã thì mới bền vững được. Tâm lý dân mình đừng chạy theo bằng cấp, nếu không khắc phục được vấn đề đó thì rất khó nói tới vấn đề khác, kể cả Bộ giáo dục cũng phải làm vấn đề này. Hiện nay chúng ta đã có tư tưởng rồi, nhưng 15 năm qua đều chạy theo luồng tư tưởng sai lầm.
Giáo sư đánh giá như thế nào về đường lối giáo dục của chúng ta hiện nay?
Đường lối chung của Đảng là đúng đắn, nhưng việc thực hiện từng công đoạn thì có nhiều sai lầm, nhiều điều không phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Hậu quả là không phục vụ sự phát triển kinh tế xã hội. Có cái đã hiển hiện quá rõ, đó là con người và nguồn nhân lực, hiện tay tất cả các ngành đều thiếu, giống như câu nói: “Ở tỉnh ta, làm thơ thì thừa nhưng cán bộ thì đâu cũng thiếu”.
Được biết, Giáo sư mới cho ra đời quyển sách về Triết lý giáo dục Việt Nam và Thế giới, Giáo sư có thể chia sẻ lý do Giáo sư cho ra đời quyển sách này?
Tôi viết quyển sách này như là một quyển vở ghi chép, hoàn toàn không có dàn ý hay dàn bài. Đây là vấn đề tôi đã nung nấu cách đây 30 năm, từ khi còn công tác ở Viện Khoa học Giáo dục (KHGD). Lí do, chỉ đơn giản lần đầu được nghe tên tuổi các nhà triết học vĩ đại trên thế giới ở Khoa Giáo dục, Trường đại học sư phạm Lênin Matsxcơva (1956-1958) và qua các giáo trình Triết học, Lịch sử tâm lý, tôi rất thích thú. Đến khi được phân công làm Viện trưởng Viện KHGD, nhất là khi tham gia Lãnh đạo Bộ Giáo dục, tôi thấy có nhu cầu quay lại một số vấn đề triết học (triết lý) giáo dục.
|
Theo GS Phạm Minh Hạc, hiện nay trong dân mình còn rất nặng một triết lý hay tâm lý bằng cấp, chỉ chăm chăm vào đại học, không thích trung cấp, không thích học nghề. Ảnh minh họa Internet |
Gần đây, trong xã hội nhiều người quan tâm về vấn đề này, tôi đề xuất với Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cần nghiên cứu và có tài liệu (sách) để rộng đường thảo luận hơn, để đi đến một sự thống nhất nào đó có thể kiến nghị với lãnh đạo, quản lý cùng giáo giới và các lực lượng giáo dục, hy vọng có thể đóng góp vào công cuộc “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục – đào tạo” như Đại hội XI đã quyết nghị.
Ngoài ra còn động lực nào khác để giúp Giáo sư hoàn thành quyển sách này?
Tôi nghĩ rằng, quý nhất là được phục vụ và làm việc gì đó có ích cho nền giáo dục nước nhà. Sự giúp ích nhỏ nhoi như là một hạt cát.
Xin cảm ơn Giáo sư đã dành thời gian cho Báo Giáo dục Việt Nam!
Xuân Trung