Tại hội nghị “Nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam” được Ủy ban TƯ Mặt trận tổ quốc Việt Nam tổ chức ngày 31/7, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã nêu ý kiến tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trên toàn quốc năm nào cũng 95 - 96%, chỉ duy nhất một năm thực hiện cuộc vận động “hai không” là thắt chặt, có trường đỗ tốt nghiệp 10 - 20%, thậm chí có lớp không có học sinh nào đỗ.
Liệu có thắt chặt mãi được không? Nếu “thắt” thì phải thắt khâu quản lý, “thắt” quá trình dạy và học để bỏ kỳ thi này. Quan điểm của Phó Chủ tịch nước một lần nữa đưa vấn đề tranh luận giữa các nhà khoa học, các nhà sư phạm: Nên bỏ hay tiếp tục duy trì thi tốt nghiệp THPT?
GS.TS Nguyễn Lân Dũng ủng hộ bỏ thi tốt nghiệp THTP, thay vào đó là xét học bạ của 3 năm học THPT. |
Trao đổi với PV Báo Giáo dục Việt Nam vào tối 31/7, GS.NGND Nguyễn Lân Dũng cho rằng, nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp, nhưng phải dựa trên cơ sở xét học bạ để cấp bằng cho học sinh. Bằng tốt nghiệp do Hội đồng thi các trường quyết định và đề nghị Giám đốc các Sở Giáo dục quyết định, ký.
“Theo tôi, nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp nhưng vẫn phải dựa trên cơ sở xét học bạ để cấp bằng cho học sinh. Học sinh học 3 năm có đảm bảo không do chất lượng của giáo viên, ý thức của giáo viên, tổ chức của nhà trường. Nhà trường không nên đánh giá giáo viên ở việc học sinh được lên lớp nhiều hay ít mà phải đánh giá giáo viên ở chất lượng giảng dạy thực chất tại trường. Giáo viên phải có trình độ, nghiêm túc trong các kỳ kiểm tra và giảng dạy”. GS Nguyễn Lân Dũng cho hay.
Để làm được điều này, Sở giáo dục phải có trách nhiệm thẩm tra danh sách Hội đồng thi gửi lên xem có đúng không. Khi học sinh chưa đủ điều kiện thì không được xét tốt nghiệp.
“Các trường phải thường xuyên có bài kiểm tra dành cho học sinh qua các học kỳ. Điểm thi có như nào sẽ phải ghi thực chất vào học bạ. Kết thúc ba năm học, học sinh đủ điều kiện được tốt nghiệp. Học sinh không đủ điều kiện không được tốt nghiệp và phải học lại”, GS Nguyễn Lân Dũng nêu quan điểm.
Năm nay, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp phổ thông cả nước đạt gần 98%, ngay cả các tỉnh khó khăn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long và miền núi thì tỷ lệ đỗ tốt nghiệp lên tới trên 99%. Vì lẽ đó, người ta lại phải đặt ra một câu hỏi cũ, nhưng còn nguyên tính thời sự: Tỷ lệ tốt nghiệp có đúng với thực chất đào tạo? Nếu không đúng thì nên bỏ thi, vừa cắt bỏ được gánh nặng áp lực cho các em và gia đình, lại tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Theo GS Dũng, có một thực tế nếu học sinh không phải tham dự kỳ thi tốt nghiệp, các em sẽ không chịu học, giáo viên dạy sẽ nhanh chán. Do vậy, học sinh không thi nhưng phải có học bạ để xét cấp bằng. Và bằng đó không phải do thi mà do xét tuyển.
Khi xét tuyển nhà trường sẽ căn cứ vào cả một quá trình các em học sinh theo học. Các trường không đánh giá học sinh theo tiêu chuẩn thi đua mà phải theo tiêu chí trung thực và dựa vào kết quả thực ở học bạ.
“Thực tế có trường đỗ thấp nhưng có điểm thi đua cao. Trường đỗ cao, không trung thực lại có điểm thi đua thấp. Sự kiện Đồi Ngô là oan uổng cho các giáo viên bị kỷ luật, bởi không phải chỉ có ở Đồi Ngô mà nhiều nơi khác cũng có gian lận thi cử tương tự. Vấn đề là làm sao để không có gian lận trong thi cử, muốn vậy tấm bằng phổ thông phải đều nhau, chất lượng đều nhau. Các trường học phải nghiêm túc, phải có trách nhiệm với học sinh, học thật, thi thật, để sau khi tốt nghiệp THPT, các em có nó đủ năng lực bước vào đời”, GS Dũng nêu quan điểm.
Ngoài ra, GS Nguyễn Lân Dũng cũng thẳng thắn cho biết, tốt nghiệp THPT năm nay đỗ cao, đó chưa hẳn là con số phản ảnh thực tết chất lượng giảng dạy ở các trường. Chưa kể, Hà Nội tổ chức kỳ thi tốt nghiệp năm 2103, phải huy động 1.500 giáo viên chấm thi, điều đó dẫn tới việc hỗ trợ kinh phí đi lại, ăn ở cho các giáo viên… khá tốn kém.
“Học sinh học 3 năm có đảm bảo không do chất lượng của giáo viên, ý thức của giáo viên, tổ chức của nhà trường. Nhà trường không nên đánh giá giáo viên ở việc học sinh được lên lớp nhiều hay ít mà phải đánh giá giáo viên ở chất lượng giảng dạy thực chất tại trường. Giáo viên phải có trình độ, nghiêm túc trong các kỳ kiểm tra và giảng dạy”, GS Dũng nói.
Tiếp tục cuộc trao đổi với PV Báo Giáo dục Việt Nam, GS.NGND Nguyễn Lân Dũng thẳng thắn nói rằng chương trình SGK của Việt Nam hiện nay “vừa nặng lại vừa thấp”, vì thế ông không đồng ý với Bộ Giáo dục đợi tới 2015 mới thay đổi chương trình, mà cần phải làm ngay. Mời quý độc giả đón đọc ở bài viết sau vào trưa 1/8.