GV sẽ không còn lo cảnh phải “giật gấu vá vai” khi đi học nâng chuẩn trình độ

31/08/2024 07:52
Thái Vân
0:00 / 0:00
0:00

GDVN- Được truy lĩnh, chi trả học phí đào tạo, các thầy cô không còn lo lắng cảnh “giật gấu vá vai”, vay mượn khắp nơi để đi học nâng chuẩn trình độ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.

Trong đó, có nhiều điểm mới nổi bật được đông đảo giáo viên đồng tình, ủng hộ. Có thể kể đến như:

Thứ nhất, bổ sung quy định đối với các ngành hoặc chuyên ngành không đủ điều kiện mở lớp đào tạo theo phương thức đặt hàng, địa phương thông báo bằng văn bản để giáo viên chủ động lựa chọn, đăng ký học nâng trình độ chuẩn trực tiếp với cơ sở đào tạo.

Thứ hai, những giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở thuộc đối tượng phải thực hiện nâng trình độ chuẩn đã được cấp bằng tốt nghiệp đạt yêu cầu về trình độ chuẩn được đào tạo của cấp học đang giảng dạy kể từ ngày 01/7/2020 nhưng chưa được cơ quan, đơn vị nào thanh toán học phí đào tạo thì được truy lĩnh, chi trả học phí đào tạo.

Giáo viên phải “giật gấu vá vai”, vay mượn khắp nơi để học nâng chuẩn

Nhận được thông tin về dự thảo dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 71/2020/NĐ-CP, thầy giáo Hoàng Văn Triều (sinh năm 1987) - giáo viên tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Leng Su Sìn (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) không khỏi mừng rỡ chia sẻ: “Tôi thấy việc bổ sung quy định truy lĩnh, chi trả học phí đào tạo cho những giáo viên đã tự bỏ “tiền túi” đi học nâng chuẩn là điều rất hợp tình, hợp lý. Tôi cũng như các đồng nghiệp trong nhà trường thực sự rất vui và vô cùng cảm động khi nghe thông tin này.

A2.jpg
Thầy Hoàng Văn Triều - giáo viên tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Leng Su Sìn (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên). Ảnh: NVCC.

Điều này cũng cho thấy, các cấp lãnh đạo đã thực sự thấu hiểu những khó khăn của giáo viên chúng tôi. Nếu được tạo điều kiện như vậy, chắc chắn chúng tôi sẽ được đỡ đần phần nào về mặt kinh tế cho gia đình. Chúng tôi đều rất mong mỏi, dự thảo này sớm được áp dụng vào thực tế”.

Trước đây, thầy Triều tốt nghiệp hệ cao đẳng ngành Giáo dục tiểu học Trường Đại học Tân Trào (Tuyên Quang). Sau đó, thầy Triều tiếp tục học liên thông bậc đại học ngành Giáo dục tiểu học tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Leng Su Sìn - nơi thầy giáo Hoàng Văn Triều hiện đang giảng dạy chính là một trong những ngôi trường với điều kiện khó khăn, thiếu thốn nhất nằm ở huyện vùng cao biên giới tỉnh Điện Biên.

Năm 2020, nhận thấy tầm quan trọng của việc nâng chuẩn trình độ, đặc biệt đối với giáo dục ở vùng cao còn nhiều khó khăn, tỉ lệ thầy cô đạt chuẩn đào tạo còn ít, nam giáo viên đã quyết định đăng ký đi học nâng chuẩn.

Tổng số học phí mà thầy Triều phải đóng khi đi học nâng chuẩn trình độ là 20,6 triệu đồng (chia 2 lần: lần đầu đóng 10,8 triệu đồng và lần sau đóng 9,8 triệu đồng).

"Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo nâng chuẩn trình độ, tôi nhận thấy bản thân đã được trau dồi, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng, năng lực nghề nghiệp và đáp ứng tốt hơn trong công tác giảng dạy thực tế, chứ không chỉ đơn giản là việc đạt chuẩn đối với giáo viên tiểu học phải có tấm bằng cử nhân”, thầy Triều chia sẻ.

Cô giáo Đỗ Thị Huyền (sinh năm 1974) - giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Chảy (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) chia sẻ: “Tôi bắt đầu theo học ngành Giáo dục tiểu học vào tháng 10/2006 tại Trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai và tốt nghiệp năm 2008. Đến tháng 10/2020, tôi bắt đầu đi học nâng chuẩn trình độ đại học tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2.

Tôi học trong vòng 4 kỳ, vào các ngày cuối tuần và trong kỳ nghỉ hè. Học phí của tôi trong 2 kỳ học đầu là 4,75 triệu đồng/học kỳ và 2 kỳ học sau là 5,2 triệu đồng/học kỳ. Như vậy, tôi đã chi hết gần 20 triệu đồng học phí. Và số tiền này là hoàn toàn tôi bỏ “tiền túi” ra, gia đình không mấy dư dả, tôi cũng phải “giật gấu vá vai”, vay chỗ nọ trả chỗ kia, mới có thể theo học nâng chuẩn trình độ”.

Cô giáo Đỗ Thị Huyền (sinh năm 1974), giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Chảy, Mường Khương, Lào Cai. Ảnh_ NVCC.jpg
Cô giáo Đỗ Thị Huyền - giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Chảy (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) cùng học . Ảnh: NVCC.

“Tôi còn nhớ, những ngày tháng đi học nâng chuẩn rất vất vả. Hôm nào đi học vào thứ 7, tôi sẽ phải thuê nhà nghỉ ở lại thành phố, để chủ nhật tiếp tục đi học.

Có những hôm, vào cuối tuần, trời mưa gió bão bùng, con đường đến lớp lại càng gian nan gấp bội, đường đi vô cùng nguy hiểm, hết bùn lầy lại đến hàng loạt ổ gà, ổ voi... Đến bây giờ, nghĩ lại, tôi vẫn còn thấy sợ” - cô Huyền nhớ lại.

Tương tự, cô Nguyễn Thị Kim Anh (sinh năm 1995) - giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Kè số 1 (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) cũng có nhiều ký ức gian nan khi đi học nâng chuẩn trình độ.

Cô Kim Anh bộc bạch: “Với đam mê nghề giáo từ rất nhỏ, tôi đã theo đuổi ngành Giáo dục tiểu học (hệ trung cấp) tại Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình từ tháng 8/2015 đến 6/2017. Sau đó, tôi học liên thông lên đại học từ tháng 7/2021 đến tháng 8/2023 tại Trường Đại học Tây Bắc (Sơn La).

Học phí năm đầu tiên là 9,2 triệu đồng, năm thứ hai là gần 12 triệu đồng và năm thứ ba là 11 triệu đồng. Với đồng lương ít ỏi, tôi đã phải vay ngân hàng để đóng học phí (tổng hơn 30 triệu đồng). Chưa kể, còn phát sinh rất nhiều chi phí sinh hoạt, từ tiền ăn, tiền trọ “đắt đỏ” ở thành phố... Mặc dù đã đi làm nhiều năm, vậy mà vẫn có lúc, túng quá, tôi phải ngửa tay vay tiền bố mẹ để chi trả cuộc sống”.

as.jpg
Cô Nguyễn Thị Kim Anh - giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Kè số 1 (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên). Ảnh: NVCC.

Cô Kim Anh nhớ lại, thời điểm đi học nâng chuẩn, cô đã phải bắt xe khách di chuyển từ huyện Mường Nhé xuống thành phố Điện Biên Phủ, với quãng đường khoảng 200km.

“Lúc ấy, con tôi mới chỉ 3 tuổi, tôi phải gửi con cho ông bà ngoại ở tỉnh Hòa Bình để có thời gian đi học. Con hay ốm đau, nên tôi cũng phải đi đi, về về liên tục để chăm lo... Thực sự, có những lúc, tôi cảm thấy khá nản lòng và mệt mỏi, chỉ biết tự nhủ bản thân phải cố gắng tiếp để lo cho tương lai sau này...

Bởi, tôi biết, đi học nâng chuẩn trình độ, bản thân cũng học hỏi thêm được nhiều kiến thức, kỹ năng chuyên môn trong công việc, áp dụng vào thực tiễn giảng dạy” - nữ giáo viên tâm sự.

Những “tin vui” cho giáo viên đi học nâng chuẩn trình độ

Cô Nguyễn Thị Kim Anh cũng chia sẻ thêm: “Tôi sinh ra và lớn lên ở tỉnh Hòa Bình. Hiện tại, mặc dù đang công tác tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Kè số 1 (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên), song, với đồng lương ít ỏi, vợ chồng tôi vẫn chưa mua được nhà, mà vẫn phải thuê nhà trọ. Vì lẽ đó, cuộc sống của chúng tôi cũng còn nhiều chật vật. Thời điểm quyết định đi học nâng chuẩn, tôi cũng đã phải cân nhắc, đắn đo rất nhiều...

Giờ đây, nghe tin giáo viên có thể được truy lĩnh số tiền đóng học phí học nâng chuẩn trình độ, tôi rất phấn khởi, vì điều này sẽ hỗ trợ chúng tôi rất lớn, giải quyết được phần nào khó khăn tài chính của chúng tôi từ lâu.

Quả thực, chính sách này cũng phần nào tạo động lực cho giáo viên chúng tôi yên tâm công tác tại vùng cao khó khăn. Bản thân tôi vô cùng xúc động, rất cảm ơn chính sách nhân văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chính phủ và mong sớm được áp dụng vào thực tế”.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Lê Thị Hồng - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Kè số 1 (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) cũng nhấn mạnh, việc học nâng chuẩn trình độ rất quan trọng, tuy nhiên, không phải giáo viên nào cũng có điều kiện thuận lợi để đi học.

a3.jpg
Cô Lê Thị Hồng - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Kè số 1 (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên). Ảnh: NVCC.

“Tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Kè số 1, các thầy cô có trình độ cao đẳng (trước đó) đều đã chủ động đi học để đáp ứng chuẩn trình độ đào tạo, nâng cao phương pháp tổ chức dạy học và thực hiện tốt hơn trong chương trình giảng dạy. Nhờ vậy, hiện tại, hầu hết giáo viên trong trường đã đạt chuẩn trình độ theo yêu cầu của Luật Giáo dục 2019, chỉ còn duy nhất 1 thầy giáo đang trong quá trình đi học, vẫn chưa hoàn thành chương trình” - nữ Hiệu trưởng thông tin.

Cô Lê Thị Hồng cũng chia sẻ: “Mặc dù nhà trường đã tạo điều kiện cho các thầy cô đi học nâng chuẩn, song, vẫn phải phụ thuộc vào lớp học đó có đủ số lượng học viên để mở lớp đào tạo. Có khi lớp quá đông hoặc có khi lớp lại quá ít học viên, dẫn đến phải chờ đợi để có lớp học.

Tính từ năm 2020 đến nay, nhà trường có 4 giáo viên đi học nâng chuẩn, 3 thầy cô đã đi học ngay tại thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) và 1 thầy đang theo học tại tỉnh Phú Thọ (do tại Điện Biên không đủ số lượng người học để mở lớp).

Đối với những thầy cô đi học nâng chuẩn ngay tại tỉnh cũng đã rất vất vả, khi phải di chuyển con đường khoảng 200 km, từ huyện Mường Nhé đến thành phố và phải tự bỏ chi phí đi lại, phí thuê nhà trọ, ăn uống trong những ngày học cũng như phí mua tài liệu học tập... Chưa kể, có những thầy cô đi học tầm 3-5 ngày rồi lại phải quay về công việc giảng dạy trên trường, lớp, cứ đi đi về về hàng trăm km cũng rất vất vả.

Khó khăn là thế, nhưng không đi học nâng chuẩn thì không được; bởi lẽ các thầy cô sẽ không đạt chuẩn so với quy định và đáp ứng được yêu cầu trong tình hình hiện nay.

Nhà trường cũng chỉ có thể tạo điều kiện về thời gian để tham gia học tập, tạo điều kiện để các thầy cô đi dự thi, bố trí giáo viên khác dạy thay khi đi học; còn về kinh phí thì chưa thể hỗ trợ”.

“Cá nhân tôi suốt nhiều năm qua, đều rất ủng hộ các thầy cô, đặc biệt là thầy cô công tác tại vùng cao đều đạt chuẩn trình độ, cùng với đó, cũng rất mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho các thầy cô học nâng chuẩn, đảm bảo điều kiện tốt nhất để thầy cô theo học...

Theo dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 71/2020/NĐ-CP, giáo viên sẽ được chủ động lựa chọn, đăng ký học nâng trình độ chuẩn trực tiếp với cơ sở đào tạo công lập khi ngành hoặc chuyên ngành mà giáo viên đăng ký đào tạo không đủ điều kiện để địa phương mở lớp.

Mặt khác, những giáo viên thuộc đối tượng phải thực hiện nâng trình độ chuẩn đã được cấp bằng tốt nghiệp đạt yêu cầu về trình độ chuẩn được đào tạo của cấp học đang giảng dạy kể từ ngày 01/7/2020 nhưng chưa được cơ quan, đơn vị nào thanh toán học phí đào tạo, sẽ được truy lĩnh, chi trả học phí đào tạo.

Đây là những “tin vui” cho thầy cô chưa đi học nâng chuẩn, nhất là những thầy cô có kế hoạch đi học nhưng vẫn còn nhiều phân vân, lo lắng về kinh phí” - cô Hồng đánh giá.

Cũng có không ít trăn trở khi quyết định có đi học nâng chuẩn hay không, cô Đỗ Ngọc Anh - giáo viên Trường Mầm non tư thục Mỹ Hưng (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) cho hay: “Tôi nhận thấy, học nâng chuẩn trình độ giúp ích cho tôi rất nhiều trong công việc, vừa được tăng lương, vừa được nâng cấp trình độ của bản thân. Đặc biệt khi chương trình đào tạo liên tục thay đổi, học nâng chuẩn giúp giáo viên tiếp cận được chương trình đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả làm việc.

Tuy nhiên, để di chuyển từ huyện Ngọc Hồi, nơi tôi hiện đang sinh sống và làm việc, đến thành phố Kon Tum (cách nhà tầm 60km) để học nâng chuẩn, tôi cảm thấy khá bất tiện và tốn kém chi phí.

Bên cạnh đó, nhiều đồng nghiệp của tôi cũng chia sẻ rằng họ rất phân vân chuyện đi học nâng chuẩn, mà lý do lớn nhất chính là chưa đủ điều kiện kinh tế...

Hiện giờ, theo dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 71/2020/NĐ-CP, giáo viên đi học nâng chuẩn trình độ sẽ được truy lĩnh, chi trả chi phí đào tạo, chúng tôi ai nấy đều rất vui mừng. Tôi cho rằng, quy định này nếu đi vào thực tiễn, sẽ trở thành nguồn động viên rất lớn đối với đội ngũ giáo viên và chắc chắn sẽ có nhiều thầy cô yên tâm đi học hơn”.

Cô Đỗ Ngọc Anh - giáo viên  Trường Mầm non tư thục Mỹ Hưng (Ngọc Hồi, Kon Tum). Ảnh_ NVCC.jpg
Cô Đỗ Ngọc Anh - giáo viên Trường Mầm non tư thục Mỹ Hưng (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) cùng học sinh. Ảnh: NVCC.

Đề xuất liên kết các cơ sở đào tạo trong phạm vi tỉnh

Thầy Phùng Thế Tùng - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Chảy (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) cho biết: “Hiện nay, tỉ lệ giáo viên ở nhà trường đã đạt chuẩn đào tạo trên 80%, số còn lại là những thầy cô độ tuổi trên 50, chỉ còn vài năm công tác trong ngành, nên không có nhu cầu học nâng chuẩn mà chủ yếu giảng dạy bằng kinh nghiệm và thâm niên công tác”.

Song, vị Hiệu trưởng cũng nhấn mạnh rằng, các giáo viên trẻ nên cố gắng học nâng chuẩn trình độ để có chất lượng giảng dạy tốt hơn, nghiệp vụ tốt hơn và có thêm những kỹ năng khoa học bài bản.

Tuy nhiên, trên thực tế, cũng có một số khó khăn đối với các thầy cô, như khoảng cách địa lý khi đi học và một phần không nhỏ là do áp lực kinh tế, khi chi phí đào tạo cũng lên đến hàng chục triệu đồng.

GDVN_thầy Tùng.jpg
Thầy Phùng Thế Tùng - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Chảy (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai). Ảnh: N.C.

Để giải quyết khó khăn trong khoảng cách địa lý khi giáo viên đi học nâng chuẩn, thầy Phùng Thế Tùng đề xuất: “Nếu có thể liên kết với các cơ sở đào tạo trong phạm vi tỉnh, sẽ là một điều rất thuận lợi đối với các thầy cô khi đi học nâng chuẩn. Trước đây, nhiều thầy cô ở huyện Mường Khương (tỉnh Lào Cai) phải lặn lội về tận tỉnh Phú Thọ để học nâng chuẩn, khoảng cách địa lý xa xôi cũng là một trong những yếu tố khiến các thầy cô rất vất vả.

Chính vì vậy, khi có những thay đổi trong dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 71/2020/NĐ-CP, tôi cho rằng, cũng có thể hỗ trợ phần nào các giáo viên, khuyến khích, động viên thầy cô đi học nâng chuẩn nhiều hơn”.

Cô Đặng Thị Kim Hoa - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Minh (tỉnh Hà Giang) cũng đánh giá: “Chính sách này sẽ tạo điều kiện rất tốt để thầy cô có thể thuận lợi tham gia học nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên”.

Thái Vân