Trường học nào không công khai thu-chi, cần xử lý nghiêm lãnh đạo cơ sở giáo dục

14/09/2024 06:56
Thúy Quỳnh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN- Các địa phương cần quy định chặt chẽ việc các CSGD phải công khai thông tin, đồng thời, có cơ chế giám sát và chế tài xử phạt đủ sức răn đe.

Những năm qua, mặc dù đã có nhiều quy định về công khai thu, chi tại các cơ sở giáo dục, song, tình trạng lạm thu vẫn “núp bóng”, “luồn lách” dưới nhiều hình thức khác nhau là chi phí thu ngoài quy định, tạo ra gánh nặng cho phụ huynh học sinh, gây bức xúc dư luận vào mỗi dịp đầu năm học mới.

Vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành văn bản tăng cường công tác quản lý các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, vận động tài trợ trong giáo dục và kinh phí hoạt động ban đại diện cha mẹ học sinh năm học 2024-2025 của ngành giáo dục và đào tạo trên địa bàn thành phố.

Theo đó, Sở yêu cầu các cơ sở giáo dục phổ biến, tuyên truyền cho cha mẹ học sinh, ban đại diện cha mẹ học sinh, giáo viên hiểu rõ và thực hiện đúng theo quy định về các khoản thu chi của năm học 2024-2025.

Ngoài ra, yêu cầu tất cả các khoản thu phải được đơn vị thông báo đầy đủ, công khai bằng văn bản đến với phụ huynh, học sinh, sinh viên. Về kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh, yêu cầu nghiêm cấm việc lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định tại Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh. [1]

Buộc nhà trường phải công khai hoạt động thu, chi để xã hội tham gia giám sát

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Giữa “làn sóng” lạm thu khi mới bắt đầu bước vào năm học 2024-2025, việc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh ban hành văn bản yêu các cơ sở giáo dục công khai các khoản thu bằng văn bản đến phụ huynh học sinh là việc làm rất đúng đắn.

Bởi, hiện nay, học sinh đến trường phải gánh rất nhiều loại chi phí, nhất là khi có nhiều chi phí (không phải học phí) nằm ngoài quy định như quỹ lớp, quỹ trường..., thường chỉ được xác định bởi sự thỏa thuận giữa nhà trường, giáo viên và ban đại diện cha mẹ học sinh. Đây là vấn đề cần có sự chấn chỉnh một cách nghiêm túc”.

IMG_1049.jpeg
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Đại biểu Quốc hội khóa XV - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: NVCC.

Một lần nữa, vị đại biểu nhấn mạnh: “Tôi hoàn toàn nhất trí, ủng hộ việc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành văn bản tăng cường công tác quản lý các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, vận động tài trợ trong giáo dục và kinh phí hoạt động ban đại diện cha mẹ học sinh năm học 2024-2025 của ngành giáo dục và đào tạo trên địa bàn thành phố.

Như vậy, mới có thể chấn chỉnh tình trạng lạm thu ở các cơ sở giáo dục và việc thu, chi đó phải được báo cáo về Sở Giáo dục và Đào tạo để Sở nắm bắt được, kịp thời đưa ra biện pháp chấn chỉnh, nghiêm cấm không để xảy ra tình trạng lạm thu tạo áp lực lên phụ huynh học sinh. Cụ thể, các trường trung học phổ thông phải báo cáo về Sở Giáo dục và Đào tạo; các trường từ cấp trung học cơ sở trở xuống báo cáo về Phòng Giáo dục và Đào tạo, rồi cuối cùng, Phòng phải có trách nhiệm báo cáo với Sở”.

Chia sẻ với phóng viên, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương nhìn nhận: “Lạm thu thường xuất hiện dưới danh nghĩa của việc kêu gọi xã hội hóa giáo dục, với những khoản thu thêm, thu ngoài quy định là xuất phát từ “nhu cầu của phụ huynh”. Nói cách khác, xuất phát từ việc nhà trường kêu gọi phụ huynh “đóng góp trên tinh thần tự nguyện”, nếu muốn điều kiện học tập của con em mình tốt hơn thì phải đóng góp, do với phần kinh phí từ ngân sách nhà nước chưa đáp ứng được các nhu cầu dạy và học.

Chính từ việc xã hội hóa giáo dục, vấn đề lạm thu phát sinh, có nghĩa là các khoản thu từ kêu gọi xã hội hóa quá nhiều và quá vô lý, có những hoạt động được ngân sách đầu tư nhưng nhà trường vẫn tổ chức thu của phụ huynh học sinh.

Theo tôi, việc xã hội hóa giáo dục vẫn cần thiết, xuất phát từ nhu cầu thực tế của phụ huynh học sinh và nhà trường. Tuy nhiên, lạm thu là một câu chuyện khác và rất đáng lên án”.

IMG_1047.jpeg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương. Ảnh: NVCC.

Theo Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, các địa phương có thể ban hành văn bản quy định về các khoản thu, chi nhằm tăng cường công tác quản lý các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Ngược lại, nếu không ban hành văn bản, Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương cần phải có chỉ đạo cho các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục để chấn chỉnh hiện tượng thu, chi bất hợp lý, tạo ra gánh nặng cho phụ huynh, gây bất bình.

Vị đại biểu cho rằng, việc yêu cầu các cơ sở giáo dục công khai các khoản thu, chi cũng là một hình thức để xã hội cùng tham gia giám sát, minh bạch các hoạt động của nhà trường.

“Việc yêu cầu nhà trường công khai các khoản thu, chi là hình thức rất đúng, sẽ giúp các hoạt động của nhà trường được công khai minh bạch, hạn chế những khoản thu bất hợp lý dẫn đến lạm thu. Đây là điều rất cần thiết và nên làm, không thể chấp nhận tình trạng thương mại hóa giáo dục trong trường học”, vị đại biểu phân tích.

Theo Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, việc yêu cầu các cơ sở giáo dục công khai hoạt động thu, chi vẫn được thực hiện từ trước đến nay. Tất cả các khoản thu đúng quy định đều đã có trong các nhà trường đều có trong Nghị quyết của Hội đồng nhân dân các tỉnh thành. Vì vậy, để góp phần ngăn chặn lạm thu, phụ huynh học sinh nên chú ý tiếp cận và đối chiếu các khoản thu của nhà trường với các quy định đã được ban hành.

Việc phụ huynh quan tâm, giám sát, góp phần cùng với sự giám sát cùng với các cơ quan chức năng, cũng đặt ra yêu cầu các cơ sở giáo dục phải thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước.

Tuy nhiên, nữ đại biểu cũng chỉ ra, ở một khía cạnh khác, mặc dù đã có yêu cầu công khai theo đúng quy định, nhưng trên thực tế, có thể vẫn có những trường công khai một phần, tức là có một số khoản thu khác không có trong văn bản công khai, mà nằm ở sự thỏa thuận giữa nhà trường và ban đại diện cha mẹ học sinh.

“Tôi cho rằng, để ngăn chặn lạm thu, vấn đề quan trọng là phải xử lý thật nghiêm các trường hợp cố tình làm sai. Bên cạnh đó, cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến đến phụ huynh và sự giám sát của cơ quan chức năng", nữ đại biểu cho biết thêm.

Về vấn đề này, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cũng cho rằng, vấn đề lạm thu giống như “điệp khúc của một bài hát”, khi mà cứ mỗi năm học mới đến, câu chuyện lạm thu “đến hẹn lại lên”, chưa có biện pháp giải quyết triệt để.

Theo thầy Dong, để không còn tình trạng lạm thu, vấn đề cơ bản, cốt lõi nhất vẫn là sự tự giác và trong sạch của những người đứng đầu cơ sở giáo dục, bởi dù có quy định, lạm thu vẫn sẽ được giấu giếm dưới “vỏ bọc” của nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt là thông qua ban đại diện cha mẹ học sinh.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong, bên cạnh các quy định về công khai thu, chi học phí, cần phải tổ chức, sắp xếp lại cơ chế quản lý để đảm bảo việc thực thi đúng theo quy định.

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam. Ảnh: Thùy Linh.

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam. Ảnh: Thùy Linh.

“Nhà quản lý có đưa ra yêu cầu các trường công khai, nhưng các trường có công khai hay không lại là một câu chuyện khác. Vấn đề chính là đưa ra biện pháp, nhưng cần phải cụ thể thực thi biện pháp ấy như thế nào, cơ chế quản lý ra sao, đó là điều hiện nay các cơ quan quản lý chưa làm được”, Giáo sư Phạm Tất Dong cho biết thêm.

Cần có cơ chế quản lý, xử lý cụ thể, quy trách nhiệm người đứng đầu

Hiện tại, Điều 5 Thông tư số 09/2024/TT-BGDĐT ngày 03/6/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Quy định về công khai trong hoạt động của các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, đã nêu cụ thể về quy định công khai thu, chi tài chính của cơ sở giáo dục.

Như vậy, vấn đề công khai thu, chi ở trong các cơ sở giáo dục đều có các văn bản hướng dẫn, quy định.

Tuy nhiên, vẫn có một số cơ sở giáo dục không tuân thủ theo quy định, không công khai minh bạch. Điều đó cũng là một phần nguyên nhân khiến tình trạng lạm thu đâu đó vẫn còn xuất hiện, tạo ra sự phẫn nộ, bất bình trong dư luận.

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong cho biết, bên cạnh các văn bản hướng dẫn, các quy định, điều quan trọng nhất là làm thế nào để các cơ sở giáo dục tuân thủ, thực hiện đúng theo các quy định đó. Và để thực hiện điều này, vai trò của người quản lý phải được đặt lên hàng đầu.

“Khi đã có các văn bản quy định, phải làm thế nào để các cơ sở giáo dục tuân thủ. Phải tìm ra nguyên nhân để đưa ra giải pháp, nếu không rất khó có thể giải quyết được.

Người quản lý không thể cứ mãi đổ lỗi cho các nhà trường không tuân thủ quy định là do bản thân phía nhà trường, mà không có biện pháp. Phải có quy định chặt chẽ, cơ chế kiểm tra, vì có quy định nhưng cũng có những nơi không ngay thẳng sẽ tìm cách lách luật”, thầy Dong đề cập.

Theo Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, sau khi ban hành các quy định, cần phải có sự thanh tra, kiểm tra, giám sát thường xuyên để các cơ sở giáo dục chấp hành đúng theo quy định, đồng thời có trách nhiệm báo cáo thường xuyên.

“Quy định đều đã có, vấn đề ở đây là kiểm tra, giám sát việc thực hiện ra sao? Không thể ban hành các quy định rồi các nhà trường có thực hiện hay không thì cũng không có kế hoạch kiểm tra, giám sát.

Việc giám sát là để các nhà trường thực hiện đúng quy định; đồng thời, trong quá trình giám sát, các nhà trường có thể sẽ có những đề xuất, kiến nghị đối với những văn bản chưa đáp ứng thực tiễn, chưa sát thực tế. Như vậy, qua công tác kiểm tra, giám sát có thể xem xét và điều chỉnh quy định”, Đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.

Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga, khâu xử lý sai phạm hiện nay chưa đủ tính răn đe. Tất cả những trường hợp vi phạm không phải là do không có văn bản hướng dẫn, quy định mà vấn đề là ở các cơ sở giáo dục có tổ chức thực hiện, tuân thủ theo hay không.

Vì vậy, bên cạnh việc thanh tra, kiểm tra, giám sát, cũng cần có cơ chế xử lý thật nghiêm, quy trách nhiệm người đứng đầu cơ sở giáo dục.

“Các văn bản hướng dẫn, quy định của chúng ta có đầy đủ, từ quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo,... vấn đề chính là ở các nhà trường có thực hiện theo quy định hay không.

Tôi cho rằng, việc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm không khó, quan trọng là chúng ta có quyết tâm hay không.

Chẳng hạn, khi phát hiện sai phạm trong hoạt động thu, chi, Hiệu trưởng phải là người chịu trách nhiệm cao nhất và dựa vào tiêu chí đánh giá hằng năm để quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại.

Thực hiện nghiêm các quy định, đi kèm với các chế tài đủ sức răn đe, sẽ góp phần chuyển biến trong việc thực hiện công khai của các cơ sở giáo dục, ngăn chặn tình trạng lạm thu vào mỗi dịp năm học mới”, nữ đại biểu bày tỏ.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/so-gd-tphcm-cac-khoan-thu-dau-nam-phai-cong-khai-bang-van-ban-toi-phu-huynh-post245438.gd

Thúy Quỳnh