7 dự án đường bộ, 1 dự án đường sắt được khởi công trong 6 tháng đầu năm 2024

04/07/2024 14:33
Phúc Khang
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Theo chia sẻ của đại diện Bộ Giao thông vận tải, tiến độ và chất lượng các dự án trọng điểm cơ bản được đảm bảo, đáp ứng theo yêu cầu.

Tại Hội nghị đánh giá kết quả 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024 của Bộ Giao thông vận tải diễn ra ngày 3/7, Chánh Văn phòng Bộ - Uông Việt Dũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, Bộ đã khởi công 7 dự án đường bộ, 1 dự án đường sắt, trong đó có 2 dự án thành phần đường Hồ Chí Minh sau khi hoàn thành sẽ nối thông toàn tuyến từ Cao Bằng đến đất mũi Cà Mau trong năm 2025. Tiến độ và chất lượng các dự án trọng điểm cơ bản được đảm bảo, đáp ứng theo yêu cầu.

Những kết quả ấn tượng

Bên cạnh đó, báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 của Bộ Giao thông vận tải cũng cho thấy, công tác giải ngân vốn đầu tư công, quyết toán dự án hoàn thành được thực hiện kịp thời, linh hoạt, hiệu quả.

Với quyết tâm giải ngân tối đa số vốn 61,9 ngàn tỷ đồng, Bộ này đã triển khai nhiều giải pháp, coi đó là nhiệm vụ chính trị hàng đầu và gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, yêu cầu giải ngân phải thực chất đi đôi với sản lượng thực tế trên công trường, không để xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

GDVN_dự án quan trọng.JPG
Theo chia sẻ của đại diện Bộ Giao thông vận tải, tiến độ và chất lượng các dự án trọng điểm cơ bản được đảm bảo, đáp ứng theo yêu cầu. Ảnh minh họa: Trung Dũng

Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải cũng đã giao chi tiết kế hoạch vốn qua 3 đợt, đã duyệt quyết toán 13/42 dự án với tổng giá trị là 6.275 tỷ đồng; kết quả giải ngân 6 tháng đầu năm là 25.500 tỷ đồng, đạt 40% kế hoạch giao.

Đối với công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, phát huy ý chí “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “vượt nắng, thắng mưa”, “dự án sau phải nhanh hơn, tốt hơn, đồng bộ hơn dự án trước”, lãnh đạo Bộ đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao nhất, các cơ quan chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ thường xuyên làm việc với các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn, yêu cầu huy động tối đa nguồn lực, máy móc, thiết bị, nhân lực để đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng các dự án.

Cụ thể, về đường bộ, một số đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa dự kiến hoàn thành vượt tiến độ từ 3 - 6 tháng; đã lựa chọn được Nhà đầu tư 5/8 trạm dừng nghỉ; thông qua chủ trương đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành.

Hoàn thành 4 dự án, trong đó có 2 dự án đường bộ cao tốc được đầu tư theo hình thức BOT là Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Diễn Châu - Bãi Vọt đánh dấu việc hoàn thành toàn bộ 11 Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 dài 653km. Qua đó giúp nối thông và rút ngắn thời gian đi từ Hà Nội - Vinh và từ thành phố Hồ Chí Minh - Nha Trang, nâng tổng số km đường bộ cao tốc trên cả nước lên hơn 2.000km.

Về đường sắt, đã nâng cấp, công bố thêm 2 ga Sóng Thần và Cao Xá thành ga liên vận quốc tế; đang triển khai thi công đảm bảo tiến độ 6 dự án đường sắt giai đoạn 2021-2025, đã duyệt dự án và đang triển khai công tác lựa chọn nhà thầu đối với 1 dự án ODA và 1 dự án sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi năm 2022.

Bên cạnh đó, 2 dự án đường sắt đô thị thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đang được tập trung tháo gỡ, dự kiến tuyến Nhổn - Ga Hà Nội đưa vào khai thác tháng 7/2024, tuyến Bến Thành - Suối Tiên đưa vào khai thác tháng 12/2024.

Bộ Giao thông vận tải cũng đã giao Ban Quản lý dự án Đường sắt lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các Dự án đường sắt: Hà Nội - Lào Cai - Hải Phòng, Vành đai phía Đông Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ, Biên Hòa - Vũng Tàu, Thủ Thiêm - Long Thành, điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân, giao Nhà đầu tư lập Báo cáo dự án Vũng Áng - Mụ Giạ.

Về hàng không, đã tổ chức phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài, Cà Mau, Liên Khương và công bố Cảng hàng không Liên Khương thành cảng hàng không quốc tế. Các Cục chuyên ngành đang khẩn trương điều chỉnh cục bộ quy hoạch Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Cát Bi, Chu Lai.

Gói thầu 5.10 dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành đang thi công vượt tiến độ so với hợp đồng; dự án T3 Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất đảm bảo tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ phấn đấu hoàn thành trước 03 tháng so với kế hoạch.

Sản lượng hành khách qua đường hàng không tăng so với cùng kỳ

Cũng theo lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, các lĩnh vực vận tải đều có sự tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, về hàng không, Bộ Giao thông vận tải cũng đã yêu cầu các hãng hàng không điều chỉnh, nâng lượt cất hạ, cánh (slot) tại một số cảng hàng không trong giờ cao điểm, chỉ đạo quyết liệt ổn định giá vé máy bay và đã cơ bản giảm về mức đáp ứng nhu cầu cùng khả năng chi trả của người dân.

Đồng thời, triển khai nhiều giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho các hãng hàng không mở mới, tăng cường các đường bay thẳng giữa Việt Nam và các quốc gia/vùng lãnh thổ, đặc biệt là việc khai thác trở lại các đường bay quốc tế đến các điểm du lịch.

Báo cáo cũng cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay, sản lượng vận tải hành khách qua đường hàng không ước đạt 38,1 triệu khách, tăng 6,7% so với cùng kỳ, hàng hóa ước đạt 599.000 tấn, tăng 22% so với cùng kỳ.

Về lĩnh vực hàng hải, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức Hội nghị đối thoại với khoảng 300 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng hải, đường thủy nội địa để thúc đẩy vận tải hàng hải; các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vận tải biển, triển khai việc quản lý giá, niêm yết giá dịch vụ tại cảng biển, kiểm tra, giám sát hoạt động vận tải biển tiếp tục được tập trung thực hiện. Do đó, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển 6 tháng của năm 2024 ước đạt 427,645 triệu tấn, tăng 18% so với cùng kỳ, trong đó hàng container ước đạt 14,399 triệu Teus, tăng 22% so với cùng kỳ.

Về đường thủy nội địa, sản lượng vận tải hàng hóa 6 tháng đầu năm ước đạt trên 258 triệu tấn, tăng 10,4% so với cùng kỳ, hành khách ước đạt 189 triệu lượt, tăng 10,9% so với cùng kỳ.

img-0174-16653909212231945210428-1667291161748-1667291162211360665994.jpg
Sản lượng hành khách qua đường hàng không tăng so với cùng kỳ. Ảnh minh họa: VGP

Để có được kết quả này, Bộ Giao thông vận tải đã và đang triển khai nâng cấp các dịch vụ, cắt giảm thủ tục, thuế phí, thủ tục hải quan, kiểm tra hải quan, kiểm dịch thực vật, đơn giản hóa thủ tục hành chính để thúc đẩy vận tải thủy, hỗ trợ cho doanh nghiệp; đang nghiên cứu thay thế tuyến vận tải truyền thống kết nối hàng hóa từ các khu công nghiệp, cảng cạn (ICD) đến cảng Hải Phòng, Quảng Ninh, qua đó sẽ giảm khoảng 30km, giảm thời gian chạy tàu khoảng 3 giờ, giảm chi phí logistics.

Ngoài ra, Bộ này cũng đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội khóa XV thông qua Luật Đường bộ tại Kỳ họp thứ 7 và cho chủ trương có hiệu lực sớm đối với 3 nội dung về thanh toán điện tử, thu phí sử dụng đường cao tốc và thu phí sử dụng đường bộ qua đầu phương tiện.

Đồng thời cho biết, đơn vị này cũng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an hoàn thiện dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ; báo cáo và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9, dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025) đối với dự án Luật Đường sắt.

Phúc Khang