Nhà trường vận động tài trợ thế nào cho đúng để phụ huynh đồng thuận ủng hộ?

25/09/2023 06:36
LÃ TIẾN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Quy định về vận động tài trợ đã cụ thể trong Thông tư 16/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng một số trường học đã “nóng vội” thực hiện không đúng quy định.

Công tác vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân được quy định rất rõ tại Thông tư 16/2018/TT- BGDĐT ngày 03/8/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thực hiện Thông tư này, nhiều năm qua, ngành giáo dục và đào tạo các địa phương trên cả nước, đặc biệt là thành phố Hải Phòng đã thường xuyên lưu ý các nhà trường thực hiện theo đúng quy trình, quy định.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đi kiểm tra các nhà trường trước thềm khai giảng năm học mới (Ảnh: Lã Tiến)

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đi kiểm tra các nhà trường trước thềm khai giảng năm học mới (Ảnh: Lã Tiến)

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, một số cơ sở giáo dục sau khi thống nhất ý kiến với Ban đại diện cha mẹ học sinh liền nhanh chóng triển khai mà không có sự phê duyệt của cấp trên.

Cụ thể, ngay trước thềm khai giảng năm học 2023-2024, một số trường tiểu học tại Hải Phòng được chính quyền địa phương quan tâm đầu tư xây dựng các phòng học mới, mua sắm các trang thiết bị phục vụ việc dạy và học tối thiểu, nhưng chưa có điều hoà, tivi…

Sau khi thống nhất ý kiến trong Hội đồng sư phạm nhà trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh, một số trường đã triển khai vận động tài trợ để lắp điều hoà, tivi cho các phòng học mới mà chưa xin ý kiến Phòng Giáo dục và Đào tạo phê duyệt chủ trương.

Lý do được những đơn vị này đưa ra là phụ huynh ở một số lớp đã nóng vội mua sắm điều hoà phục vụ học sinh học tập trong điều kiện thời tiết nắng nóng.

Một số hiệu trưởng đã thừa nhận, thực hiện công tác vận động tài trợ theo Thông tư 16 trong bối cảnh như trên rất khó, bởi các thủ tục hành chính rất rườm rà, đôi khi trình kế hoạch phê duyệt bị chậm, dẫn đến ảnh hưởng quyền lợi của học sinh.

Theo lãnh đạo một Phòng Giáo dục và Đào tạo tại Hải Phòng, vận động tài trợ từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư mua sắm thiết bị, sửa chữa cơ sở vật chất là việc làm ý nghĩa, thiết thực.

Gia đình, nhà trường và xã hội cùng quan tâm chăm lo cho giáo dục để thầy, cô giáo và học sinh thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục.

“Tuy nhiên khi thực hiện vận động, tài trợ theo Thông tư 16, các nhà trường phải tuân thủ đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo đó, các nhà trường phải tổ chức nhiều cuộc họp như: họp Hội đồng sư phạm nhà trường, họp Ban giám hiệu, họp Ban đại diện cha mẹ học sinh toàn trường…, sau đó là họp phụ huynh các lớp.

Trên cơ sở ý kiến đồng thuận của phụ huynh và thống nhất của Hội đồng sư phạm nhà trường, căn cứ trên điều kiện thực tế, các trường xây dựng kế hoạch vận động tài trợ báo cáo Phòng Giáo dục và Đào tạo phê duyệt đối với cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục cấp tiểu học, trung học cơ sở;

Báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo phê duyệt đối với cơ sở giáo dục cấp trung học phổ thông và các cơ sở giáo dục khác trực thuộc sở giáo dục và đào tạo, trước khi tổ chức vận động tài trợ.

Sau khi tiếp nhận kế hoạch vận động tài trợ của trường, Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo phải nghiên cứu kỹ, xem xét kế hoạch có hợp lý và cần thiết; có trách nhiệm thẩm định phê duyệt kế hoạch vận động tài trợ trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ của cơ sở giáo dục.

Sau khi được Sở, Phòng phê duyệt kế hoạch vận động tài trợ, các nhà trường thành lập Tổ tiếp nhận tài trợ bằng nhiều hình thức như tiền mặt, thiết bị hay hiện vật “chìa khoá trao tay”…

Cùng với đó, kế hoạch sử dụng khoản tài trợ phải được công bố và niêm yết công khai trước khi tổ chức thực hiện ít nhất 15 ngày làm việc để lấy ý kiến đóng góp của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên, cha mẹ học sinh, người giám hộ (nếu có) và nhà tài trợ”, vị lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo này chia sẻ.

Nhiều trường học đã "nóng vội" vận động phụ huynh lắp điều hoà khi chưa được cấp trên phê duyệt (Ảnh: Lã Tiến)

Nhiều trường học đã "nóng vội" vận động phụ huynh lắp điều hoà khi chưa được cấp trên phê duyệt (Ảnh: Lã Tiến)

Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT cũng đã nhấn mạnh những nguyên tắc cơ bản trong việc tài trợ, đó là: Phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch, không ép buộc, không quy định mức tài trợ bình quân, không quy định mức tài trợ tối thiểu, không lợi dụng việc tài trợ cho giáo dục để ép buộc đóng góp và không coi huy động tài trợ là điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo.

Quy định đã rõ như vậy, nhưng trên thực tế, một số nhà trường, phụ huynh, thầy cô làm vì cái chung, không có mục đích tư lợi cá nhân, song đã “nóng vội” thực hiện không tuân thủ theo quy định sẽ dẫn đến sai phạm trong công tác vận động, tiếp nhận tài trợ.

Vị lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Hải Phòng thẳng thắn cho biết, thực tế cho thấy, để các nhà trường triển khai vận động tài trợ theo đúng quy định tại Thông tư 16 phải mất khoảng 2 tháng.

Trong khi đó, mới vào đầu năm học, khi các trường chưa tổ chức họp phụ huynh, đặc biệt là phụ huynh những lớp đầu cấp (học sinh mầm non mới nhập học, lớp 1, lớp 6, lớp 10) mà đã tiến hành vận động phụ huynh là chưa đúng.

Theo khảo sát của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, tại Hải Phòng mới có rất ít trường học tổ chức họp phụ huynh đầu năm học. Trong ngày 23, 24/9 nhiều trường mới tổ chức họp phụ huynh để triển khai nhiệm vụ năm học và triển khai các khoản thu đầu năm.

Tại cuộc họp phụ huynh, chắc chắn có trường sẽ triển khai vận động tài trợ để mua sắm trang thiết bị, đồ dùng phục vụ dạy và học.

Do đó, các nhà trường khi vận động tài trợ phải thực hiện đúng theo thông tư, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đồng thời không quy định mức tài trợ bình quân, không áp đặt, phải thực hiện trên tinh thần tự nguyện từ phụ huynh học sinh hoặc các tổ chức, đơn vị xã hội bên ngoài nhà trường để tránh gây bức xúc cho phụ huynh.

LÃ TIẾN