Sôi nổi nhiều hoạt động hấp dẫn ở “Những ngày Hà Nội tại Thành phố Hồ Chí Minh”

25/08/2024 06:33
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Sự kiện “Những ngày Hà Nội tại Thành phố Hồ Chí Minh” đang diễn ra với nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn.

Tiếp tục các hoạt động của sự kiện “Những ngày Hà Nội tại Thành phố Hồ Chí Minh”, ngày 24/8, tại Trường tiểu học Nguyễn Thái Sơn (Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh), Thành ủy – Hội đồng Nhân dân - Ủy ban Nhân dân - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã tổ chức khai mạc triển lãm “Văn Miếu – Quốc Tử Giám – Ươm mầm khát vọng hiền tài”.

Đến tham dự khai mạc triển lãm có ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội; ông Trần Thế Cương – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội; ông Dương Trí Dũng – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh.

Phát biểu khai mạc triển lãm, ông Đỗ Đình Hồng – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội cho biết, triển lãm “Văn Miếu – Quốc Tử Giám – Ươm mầm khát vọng hiền tài” nằm trong khuôn khổ sự kiện “Những ngày Hà Nội tại Thành phố Hồ Chí Minh” đang diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu đón khách tham quan từ ngày 24/8.

gdvn_HaNoi.jpg
Học sinh Thành phố Hồ Chí Minh đến tham quan triển lãm "Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Ươm mầm khát vọng hiền tài" (ảnh: V.D)

Triển lãm sẽ giới thiệu đến thầy cô giáo, các em học sinh và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nét đẹp sâu lắng về một Thăng Long Hà Nội, về một Văn Miếu – Quốc Tử Giám – biểu tượng cho tinh thần và trí tuệ Việt, với các hoạt động giáo dục di sản và những trải nghiệm thú vị dưới nhiều hình thức (tranh ảnh, trải nghiệm 3D mapping…).

Theo ông Đỗ Đình Hồng – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội, Văn Miếu – Quốc Tử Giám là một trong những di tích tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội.

Cách đây gần 1.000 năm, đây là trung tâm giáo dục cao nhất của Việt Nam, được lập ra với mục đích đào tạo nhân tài cho đất nước.

Những người sáng lập, xây dựng, phát triển, gìn giữ Văn Miếu – Quốc Tử Giám là các vị hoàng đế, phẩm quan, học giả mà điểm chung của họ đều là người đức độ, thông tuệ, có tầm nhìn về giáo dục – phát triển giáo dục để xây dựng đất nước tự chủ, đem lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho mỗi người dân.

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, ngôi đền trí thức Văn Miếu – Quốc Tử Giám hiện nay được người dân Việt Nam gìn giữ với tinh thần thành kính trước các bậc tiền nhân.

gdvn_HaNoi2.jpg
Học sinh Thành phố Hồ Chí Minh đến tham quan triển lãm (ảnh: V.D)

“Mục đích cao nhất là giữ lại một di sản quý giá, tiếp tục là nguồn mạch chảy, cảm hứng mạnh mẽ, nuôi dưỡng cho lớp lớp thế hệ trẻ Việt Nam về việc học tập suốt đời, và tinh thần phụng sự xã hội, để mạch nguồn văn hóa Việt Nam chảy mãi, hòa chung vào dòng chảy của nhân loại” – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội nhấn mạnh.

Cũng nằm trong chuỗi chương trình của sự kiện này, Ban tổ chức sự kiện cũng đã tổ chức triển lãm “Văn Miếu – Quốc Tử Giám – Tinh hoa Đạo học Việt Nam” tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh.

Đây là hoạt động thiết thực hướng đến kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954, 10/10/2024).

Cùng ngày, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1) là các không gian “Phố nghề, làng nghề Hà Nội Xưa và Nay”, không gian quảng bá điểm đến du lịch Hà Nội – “Hà Nội đến để yêu”, và gian hàng giới thiệu tour du lịch đặc sản Hà Nội.

Tại khu đất của Thương xá Tax (cũ) là không gian quảng bá, giới thiệu ẩm thực, sản phẩm đặc sản của Hà Nội với chủ đề “Tinh hoa ẩm thực Hà Nội” và “Hương vị Hà Nội”.

Theo đó, không gian “Phố nghề, làng nghề Hà Nội Xưa và Nay”, với 28 gian hàng mang hình ảnh phố cổ Hà Nội, và các gian hàng thể hiện đặc trưng của các làng nghề, phố nghề.

gdvn_HaNoi3.jpg
Tượng đài "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh" ngay giữa phố đi bộ Nguyễn Huệ (ảnh: V.D)

Các gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc sắc, gồm sản phẩm “xưa” thể hiện cho giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống và sản phẩm “nay”, thể hiện sự hội nhập và phát triển.

Người dân và du khách bày tỏ có dịp thưởng lãm gồm sứ Bát Tràng, Lụa Vạn Phúc, Mây tre đan Phú Vinh…

Ngoài ra còn có trình diễn một số làng nghề khác như: Chuồn chuồn Tre Trạch Xá, Nón Làng Chuông, Tò he Phượng Dực.

Cùng với đó là hoạt động trưng bày giới thiệu sản phẩm, nghệ nhân, thợ giỏi trình diễn nghề, kể câu chuyện sản phẩm, du khách trải nghiệm làm thử sản phẩm.

gdvn_HaNoi4.jpg
Cầu Long Biên, biểu tượng lịch sử của Hà Nội (ảnh: V.D)

Không gian quảng bá điểm đến du lịch Hà Nội – “Hà Nội đến để yêu” với các mô hình di tích, điểm đến du lịch Hà Nội: Ô Quan Chưởng, Khuê Văn Các, Chùa Một Cột, Hoàng Thành Thăng Long, Cổng Làng Cổ Đường Lâm, Cầu Thê Húc.

Ban tổ chức chương trình đã quảng bá, giới thiệu, thuyết minh trực tiếp và thông qua các bảng thông tin tại các điểm đến (có gắn mã QR code song ngữ Việt Anh).

Gian hàng giới thiệu tour du lịch đặc sắc của Hà Nội với tour đêm “Giải mã Hoàng Thành Thăng Long”, “Trải nghiệm đêm Văn Miếu – Quốc Tử Giám”, “Du lịch làng cổ Đường Lâm“ và nhiều tour du lịch đặc sắc khác của Hà Nội.

gdvn_HaNoi5.jpg
Biểu tượng chợ Đồng Xuân ngay giữa lòng thành phố mang tên Bác (ảnh: V.D)

Song song đó còn có một không gian quảng bá, giới thiệu ẩm thực, sản phẩm đặc sản, quà tặng của Hà Nội với chủ đề “Tinh hoa ẩm thực Hà Nội” và “Hương vị Hà Nội”.

Với 42 gian hàng, không gian đã thể hiện hình ảnh phố cổ Hà Nội và chợ Đồng Xuân, tạo sự thích thú cho du khách khi được trải nghiệm không gian Thủ đô giữa lòng Thành phố mang tên Bác.

Các nhóm ẩm thực được giới thiệu để du khách trải nghiệm gồm Phở, Bún chả, Bánh cuốn, Bún ốc, Bánh tôm Hồ Tây, Cốm Làng Vòng, Chè sen Tây Hồ, cùng với nhiều sản phẩm đặc sản của Hà Nội như Ô mai, hạt sen, bánh chả, bánh cốm, bánh phu thê…nhắc nhớ đến Hà Nội có một nét trải nghiệm văn hóa thật đặc sắc, riêng biệt.

gdvn_HaNoi7.jpg
Người dân phương Nam thưởng thức các đặc sản của Hà Nội (ảnh: V.D)

Ngoài ra còn có một khu trưng bày, giới thiệu các hình ảnh, tư liệu tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội, các hoạt động đối ngoại, giao lưu văn hóa Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh; hình ảnh, quy mô, tầm vóc phát triển của Thủ đô Hà Nội ngày nay.

Điểm nhấn của triển lãm nằm ở không gian tổ chức, với nhiều phân khu đặc sắc, gồm “Không gian hào khí Thăng Long” được thiết lập với cổng chào tái hiện biểu trưng logo Hà Nội và Tượng đài Cảm Tử, tạo nên không khí trang trọng và đầy ý nghĩa.

gdvn_HaNoi6.jpg
Hàng nghìn người dân phương Nam đã đến thưởng thức đặc sản Hà Nội trong ngày 24/8 (ảnh: V.D)

Đặc biệt còn có cầu Long Biên được tái hiện ngay tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, và các tiểu cảnh khác như Trung thu Hà Nội, Hồ Gươm, phố Bích họa, Sắc hoa Hà Thành, trụ sở Báo Hà Nội mới cũng góp phần làm phong phú thêm không gian cho sự kiện.

Sự kiện Những ngày Hà Nội tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ bế mạc vào tối ngày 25/8.

Việt Dũng