Nhiều hiệu trưởng đánh giá TT 29 là một bước tiến lớn hạn chế dạy thêm tràn lan

16/01/2025 06:36
Thúy Hiền
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Theo nhiều lãnh đạo trường học, Thông tư 29 góp phần “siết chặt” hoạt động dạy thêm, học thêm, tạo động lực giúp giáo viên cải thiện chất lượng giảng dạy.

Ngày 30/12/2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ 14/02/2025, với rất nhiều điểm mới so với quy định hiện hành tại Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT.

Trong đó, tại khoản 1, Điều 5 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định: "Việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho các đối tượng học sinh đăng ký học thêm theo từng môn học như sau: Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kì liền kề ở mức chưa đạt; Học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; Học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường".

Thông tư 29 là một bước tiến lớn, hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Xuân Thịnh, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Chương Xá (Phú Thọ) cho biết, quy định cấm giáo viên dạy thêm thu tiền học đối với học sinh trực tiếp giảng dạy trong giờ chính khóa nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động dạy thêm, ngăn chặn tình trạng tổ chức dạy thêm tràn lan và giảm bớt gánh nặng tài chính cho các bậc phụ huynh.

“Tôi cho rằng học thêm không chỉ dành riêng cho học sinh có kết quả học tập ở mức chưa đạt mà còn đáp ứng nhu cầu nâng cao kiến thức, chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng của đội tuyển học sinh giỏi. Trong nhiều trường hợp, việc học thêm giúp cho học sinh ôn tập kỹ lưỡng và làm quen với các dạng đề thi mới, đặc biệt khi cấu trúc đề thi thường xuyên thay đổi.

Tuy nhiên, tôi hoàn toàn đồng ý rằng dạy thêm không nên trở thành áp lực buộc mọi học sinh phải tham gia. Với quy định mới này, học sinh sẽ có cơ hội dành thời gian cho các hoạt động ngoại khóa, phát triển kỹ năng mềm và các hoạt động cộng đồng, qua đó giảm bớt gánh nặng học tập. Điều này không chỉ giúp các em nâng cao khả năng tư duy mà còn khuyến khích ý thức tự học, tự nghiên cứu và phát triển tính sáng tạo.

Đối với giáo viên, quy định này sẽ tạo điều kiện để xây dựng một môi trường dạy thêm, học thêm minh bạch và chuyên nghiệp, bảo đảm tính công khai và sự công bằng trong việc giảng dạy”, thầy Xuân Thịnh nhận định.

Với các quy định tại Điều về dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, thầy Thịnh cho rằng, sẽ thúc đẩy sự cạnh tranh tích cực giữa các giáo viên, từ đó tạo động lực cải thiện chất lượng giảng dạy. Đồng thời, quy định cũng đảm bảo học sinh có quyền lựa chọn môi trường học tập phù hợp với mỗi cá nhân.

Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi cho học sinh và phụ huynh, thầy nhấn mạnh rằng cần tăng cường công tác quản lý chặt chẽ đối với các trung tâm dạy thêm, đặc biệt về chuyên môn, chất lượng giảng dạy, an ninh và an toàn.

Bên cạnh đó, mức thu học phí cũng cần được kiểm soát để đảm bảo tính hợp lý và công bằng. Việc thực hiện các biện pháp này không chỉ giúp tạo ra môi trường học tập an toàn, hiệu quả mà còn giúp phụ huynh yên tâm khi gửi gắm học sinh theo học tại các trung tâm dạy thêm. Mặt khác, quy định này cũng thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh giữa các trung tâm, tạo động lực cho giáo viên nâng cao chất lượng giảng dạy.

anh minh hoa hoc sinh.jpg
Ảnh minh họa. (Nguồn: Lã Tiến)

Đồng tình với quan điểm trên, Tiến sĩ Phạm Kim Thư - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mai Hắc Đế (Hà Nội) nhận định, các quy định mới trong Thông tư 29 chú trọng giảm bớt áp lực học tập cho học sinh, giúp các em có không gian phát triển một cách tự nhiên.

Đồng thời, quy định này phù hợp với xu hướng giáo dục phổ thông hiện đại, tập trung vào học sinh là trung tâm, tạo điều kiện phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần, phẩm chất và năng lực.

“Các quy định trong Thông tư 29 là hoàn toàn hợp lý nhằm giảm bớt áp lực học tập cho học sinh, giúp các em không phải tham gia học thêm quá nhiều. Thay vào đó, học sinh có thể dành thời gian cho những hoạt động phát triển toàn diện khác như vui chơi, tham quan thực tế, rèn luyện thể thao và tham gia các hoạt động ngoại khóa.

Tôi cho rằng, học thêm không phải là con đường duy nhất để đạt được thành công trong học tập. Điều cốt lõi là mỗi học sinh cần xây dựng cho mình phương pháp học tập khoa học, biết cách dung hòa giữa việc học, vui chơi và rèn luyện để phát triển toàn diện cả về tri thức lẫn kỹ năng sống. Tập trung vào chất lượng học tập chính khóa và phát triển khả năng tự học sẽ mang lại những lợi ích lâu dài và bền vững”, Tiến sĩ Phạm Kim Thư cho hay.

ts pham kim thu.png
Tiến sĩ Phạm Kim Thư - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mai Hắc Đế (Hà Nội). (Ảnh: NVCC)

Theo thầy Thư, giáo viên giữ vai trò quan trọng trong việc tạo nên môi trường học tập tích cực và hiệu quả cho học sinh. Do đó, mỗi thầy, cô giáo cần nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, giảng dạy với tinh thần tận tâm và trách nhiệm cao, luôn hướng đến việc giúp học sinh nắm vững kiến thức và phát triển kỹ năng.

Quan trọng hơn hết, giáo viên không nên tạo áp lực hay đưa ra các yêu cầu khiến học sinh cảm thấy bắt buộc phải tham gia học thêm bởi điều này có thể tạo ra tâm lý căng thẳng và ảnh hưởng không tốt đến học sinh.

Về phía phụ huynh, việc quyết định cho con tham gia các lớp học thêm cần dựa trên nhu cầu thực sự của học sinh. Nếu các em học sinh cần bổ sung kiến thức hoặc chưa được đáp ứng đầy đủ trong giờ học chính khóa, phụ huynh nên cân nhắc kỹ lưỡng để lựa chọn những lớp học thêm phù hợp, đảm bảo không gây quá tải hoặc làm giảm hứng thú học tập.

Sự phối hợp giữa giáo viên và phụ huynh trong việc xác định nhu cầu học tập của học sinh sẽ giúp các em phát huy tối đa tiềm năng, đồng thời giữ được sự cân bằng giữa học tập và các hoạt động vui chơi, rèn luyện kỹ năng sống cần thiết.

Cùng bàn về vấn đề này, thầy Nguyễn Minh Phi - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hoàng Văn Thụ (Hà Nội) nhận định, những quy định mới trong Thông tư 29 là một bước tiến lớn trong việc hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm, hướng tới mục tiêu giảm áp lực học thêm không cần thiết và xây dựng môi trường giáo dục công bằng hơn.

Bên cạnh đó, quy định này còn khuyến khích phụ huynh và học sinh tập trung vào việc học chính khóa, đồng thời nâng cao vai trò của giáo viên trong việc tổ chức các tiết học hiệu quả ngay tại trường.

"Nhà trường từ nhiều năm nay đã triển khai hiệu quả các lớp ôn luyện và dạy tăng cường miễn phí dành cho học sinh có kết quả học tập chưa đạt yêu cầu và đội tuyển học sinh giỏi. Vì vậy, việc áp dụng quy định mới không gây trở ngại mà ngược lại còn củng cố thêm sự đồng thuận và định hướng giáo dục vì lợi ích của học sinh”, thầy Minh Phi cho hay.

Đảm bảo thực hiện nghiêm ngặt “từ trên xuống dưới”

Các quy định mới về dạy thêm, học thêm được đánh giá rõ ràng, dễ thực hiện. Tuy nhiên, để thực hiện quy định này hiệu quả, lãnh đạo cơ sở giáo dục cũng nêu một số thách thức.

Theo thầy Minh Phi, Thông tư 29 vừa được ban hành và có hiệu lực từ ngày 14/2/2025 đòi hỏi nhà trường phải khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai để đảm bảo thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các quy định.

Bên cạnh đó, nhu cầu học thêm vẫn rất lớn, đặc biệt là đối với học sinh lớp 9 có mong muốn ôn thi các môn vào lớp 10. Trong bối cảnh năm học 2024-2025 là năm đầu tiên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, quy định này góp phần định hướng lại việc học thêm, giúp học sinh được hỗ trợ chính đáng ngay trong khuôn khổ của nhà trường. Tuy nhiên, điều này cũng gây ra không ít thách thức cho giáo viên, đặc biệt là ở những địa phương mà thu nhập của giáo viên chưa cao, bởi dạy thêm là một nguồn thu nhập quan trọng để cải thiện đời sống.

nguyen minh phi.png
Thầy Nguyễn Minh Phi - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hoàng Văn Thụ (Hà Nội). (Ảnh: Website nhà trường)

“Để thực hiện hiệu quả quy định này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và đội ngũ giáo viên trong việc tổ chức các lớp học bổ trợ và bồi dưỡng học sinh giỏi miễn phí cho học sinh. Nhà trường sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể, bao gồm việc phân bổ thời gian, nội dung giảng dạy phù hợp với nhu cầu của từng nhóm học sinh. Đồng thời, đảm bảo chế độ đãi ngộ hợp lý cho giáo viên tham gia giảng dạy, bao gồm hỗ trợ về thời gian, tài liệu và động viên tinh thần.

Chất lượng giảng dạy phải được đặt lên hàng đầu thông qua việc giám sát, đánh giá định kỳ, từ đó đảm bảo các lớp học không chỉ đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh mà còn góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục chung.

Tại các trung tâm dạy thêm, các công tác quản lý chủ yếu do trung tâm đảm nhiệm. Chính vì vậy, vai trò giám sát của cơ quan quản lý giáo dục và hiệu trưởng các cơ sở giáo dục là hết sức quan trọng. Nhà trường sẽ yêu cầu các giáo viên và học sinh nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó có việc không tổ chức dạy thêm, học thêm nếu chưa được sự phê duyệt rõ ràng từ ban giám hiệu”, thầy Minh Phi thông tin.

Bên cạnh đó, Tiến sĩ Phạm Kim Thư cho biết, từ trước đến nay, Trường Trung học phổ thông Mai Hắc Đế không tổ chức các lớp học thêm ngoài giờ chính khóa nên học sinh hầu như không gặp áp lực từ việc phải tham gia quá nhiều hoạt động học tập. Vì vậy, những quy định mới trong Thông tư không tạo ra quá nhiều thay đổi trong hoạt động của nhà trường.

Dù vậy, nhà trường vẫn cam kết tuân thủ chặt chẽ các quy định để đảm bảo sự đồng bộ trong hệ thống giáo dục, đồng thời hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề ra.

Thúy Hiền