Phát biểu tại buổi hội thảo “Hướng đến hệ thống giao thông Hà Nội thông minh, bền vững” được tổ chức tại Trường Đại học Giao thông Vận tải sáng 22/11, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, nhằm lấy ý kiến đóng góp của chuyên gia cho việc phát triển giao thông thông minh trên địa bàn thành phố, từng bước hoàn thiện đề án giảm xe cá nhân, Sở này đang triển khai nhiều nhóm giải pháp để phát triển giao thông văn minh.
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông là loại hình giao thông thông minh góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông ở Hà Nội. Ảnh: Báo Kinh tế đô thị |
Theo lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, để từng bước giảm xe cá nhân, trong đó có dừng xe máy vào năm 2030 theo Nghị quyết 04 của Hội đồng nhân dân thành phố, từ nay đến năm 2025 vận tải công cộng trên địa bàn thành phố phải đáp ứng được 30-40% số người có nhu cầu tham gia giao thông.
Tuy nhiên, nguồn lực để phát triển các loại hình cho vận tải công cộng đang gặp nhiều khó khăn, một số dự án vận tải công cộng khối lớn đang bị thi công chậm. Theo kế hoạch, đến nay ở Hà Nội đã có 4 dự án đường sắt đô thị nhưng mới có 1 tuyến (đường sắt Cát Linh - Hà Đông) hoạt động.
Từ thực tế này, để đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đang chú trọng phát triển giao thông thông minh, góp phần giảm ùn tắc, tăng hiệu quả sử dụng hạ tầng giao thông. Theo lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, hệ thống giao thông được coi là huyết mạch của nền kinh tế, là bộ mặt của đô thị, do vậy trong thời gian qua, lãnh đạo thành phố Hà Nội rất quan tâm để phát triển.
Với đề án phát triển giao thông thông minh - một trong những nhóm giải pháp quan trọng của Đề án hạn chế xe cá nhân ở Hà Nội, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, đã lựa chọn Trường Đại học Giao thông Vận tải là cơ quan tư vấn: “Xây dựng Đề án giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Đề cập nội dung chính của đề án cần xây dựng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho rằng, đề án sẽ đưa ra khung kiến trúc hệ thống, chiến lược và các giải pháp về cơ chế chính sách, về công nghệ và đầu tư, nhằm xây dựng hệ thống giao thông Thủ đô Hà Nội an toàn, thông minh, hiện đại, bền vững; là cơ sở để quản lý đầu tư các dự án ứng dụng giao thông thông minh trong tương lai. Thông qua tọa đàm, đơn vị tư vấn sẽ tập hợp các ý kiến, kinh nghiệm của chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý về các nhiệm vụ đã thực hiện của đề án.