Dịch cúm gia cầm xuất hiện, càn quét đàn vịt cả vạn con của nông dân xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên (Hà Nội). Vịt chết, người dân trắng tay, trong khi lãnh đạo xã và cơ quan thú y Hà Nội đều chối: “Làm gì có dịch”.Dân lao đao Nhận được tin báo của người dân, ngày 28/2, PV đã về xã Phượng Dực. Chúng tôi tìm đến hai hộ có đàn vịt mắc dịch cúm là ông Nguyễn Trọng Túc và ông Nguyễn Trọng Cường ở thôn Đồng Tiến. Quanh nhà, trại vịt của ông Túc rắc đầy vôi trắng. Ngôi nhà đìu hiu cạnh lán vịt đã bị tháo dỡ sau khi có vịt chết và tiêu hủy hết. Ông Túc đứng lặng một lúc bên bãi thả vịt, nói như mếu: “Đàn vịt gần 9.000 con của tôi và khoảng 3.000 con của nhà chú Cường (ông Nguyễn Trọng Cường, em trai ông Túc, cùng thôn) bị dịch quét sạch. Cả hai anh em thiệt hại hơn 270 triệu đồng”. Đàn vịt này được ông Túc tiêm phòng viêm gan, dịch tả; còn vaccine cúm gia cầm H5N1 tìm mua không có, nên không tiêm được.
Trong cuộc họp khẩn mới đây, chỉ đạo về phòng chống dịch cúm gia cầm, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát nói: “Ở một số địa phương có xu hướng giấu dịch, sợ ảnh hưởng uy tín của địa phương. Đây là quan điểm cũ, không phù hợp tinh thần chống dịch. Chúng ta làm không phải vì để quốc tế khen, mà vì người dân. Nghiêm cấm giấu dịch”.
Ông Túc kể, ngày 16/2, ông phát hiện thấy vịt chết lác đác, khoảng 30-40 con. “Linh tính có sự chẳng lành, tôi lên báo với ông Huy - thú y viên của xã (ông Doãn Văn Huy). Ông Huy nói lại là có dịch thì gia đình phải tự lo, thích xử lý thế nào thì tùy, nhà nước không hỗ trợ gì đâu. Bốn ngày sau đó, lúc ngủ dậy thì hàng nghìn con vịt chết lăn lóc, trắng bờ ao. Vợ tôi kìm nước mắt, mẹ con cả đêm khênh từng bao tải vịt đi quăng. Tôi hoảng hốt quá, tìm lên ông chủ tịch xã để nói rõ sự tình, cầu mong chính quyền giúp đỡ”. Thấy vịt chết quá nhiều, cuối cùng lãnh đạo xã Phượng Dực cũng xuống kiểm tra, sau đó là thú y huyện Phú Xuyên đến lấy mẫu xét nghiệm, rồi chỉ đạo tiêu hủy. “Trạm thú y huyện thông báo là đàn vịt nhà tôi và nhà chú Cường có dịch cúm gia cầm. Sau đó họ đưa tờ giấy xét nghiệm của cơ quan Trung ương cho chúng tôi”, vợ ông Túc nói. Theo quan sát của PV, gần gia đình nhà ông Túc và ông Cường không có chốt kiểm dịch. Một số hộ dân nuôi vịt gần đó với tổng đàn lên đến cả nghìn con vẫn đang thả trên sông Nhuệ, không chắn, nhốt.Giấu dịch Trong tờ phiếu trả lời xét nghiệm của Trung tâm Chẩn đoán Thú y T.Ư (mà ông Túc đưa cho phóng viên xem) ngày 22/2, xác nhận mẫu bệnh phẩm lấy từ đàn vịt gia đình hai hộ trên dương tính với virus cúm gia cầm. Trong tờ phiếu này, có đề nơi gửi là Cục Thú y Hà Nội, Trạm Thú y Phú Xuyên. Thế nhưng vì sao có dịch cúm gia cầm, mà cơ quan chức năng, chính quyền sở tại lại không công bố để người dân biết, để chủ động phòng chống?
Ông Nguyễn Trọng Túc đứng bần thần bên lán vịt đã tháo dỡ sau khi tiêu hủy |
Làm việc với phóng viên, chiều 28/2, ông Đinh Văn Thùy, Bí thư Đảng ủy xã Phượng Dực nói: “Ngày 22 và 23/2, chính quyền xã, trạm Thú y huyện cho phun tiêu độc khử trùng, tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm của hai hộ trên. Đàn vịt nhà ông Túc, ông Cường chết là do nuôi ở chuồng trại tạm bợ, thời tiết lạnh, lại gần bên sông Nhuệ đang bị ô nhiễm nặng, chứ chưa xác định là có dịch cúm gia cầm. Vì thế chúng tôi không công bố dịch. Đến nay tôi chưa biết là xã mình bị dịch cúm gia cầm”. Cũng theo ông Thùy, cách đây 3-4 hôm, có đoàn của Chi cục Thú y Hà Nội về kiểm tra, và họ cũng nói là không vấn đề gì. Phượng Dực là xã chăn nuôi gia cầm lớn của Phú Xuyên, với tổng đàn khoảng 20 vạn con. Từ trước tới nay, xã chưa có dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng, hay tai xanh. Khi phóng viên thông báo về dịch cúm gia cầm xuất hiện ở Phú Xuyên, ông Cấn Xuân Bình, Chi Cục trưởng Thú y Hà Nội, nói: “Thông tin này không chính xác. Dân họ nói linh tinh. Vừa rồi có thông tin lên sở, chúng tôi đã chỉ đạo, huyện người ta đã lập đoàn xuống kiểm tra, thì không phải như thế. Những bao tải vứt trên sông là bao tải rác thôi, không phải vịt. Huyện Phú Xuyên cũng làm rất quyết liệt”. Cũng theo ông Bình, Hà Nội vẫn có 11 chốt liên ngành, hoạt động liên tục để kiểm soát gia súc, gia cầm ra vào thành phố. Tuần trước, chi cục xử lý 4 tấn gia cầm không có nguồn gốc.
Theo Phạm Anh/Tiền Phong