Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an; Kế hoạch số 4897 ngày 24/9/2024 của Cục Cảnh sát giao thông; Kế hoạch số 304 ngày 30/9/2024 của Công an thành phố Hà Nội (CATP) về cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh; từ ngày 1/10/2024, lực lượng Cảnh sát giao thông phối hợp với chính quyền, nhà trường, các tổ chức chính trị xã hội tổ chức đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; các kỹ năng an toàn giao thông cho các em học sinh các cấp trên địa bàn Thành phố.
Đại tá Trần Đình Nghĩa - Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội), cho biết, thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về "tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới"...
"Nhằm bảo đảm an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh, Phòng Cảnh sát giao thông sẽ bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, và xử lý nghiêm những trường hợp học sinh, sinh viên, phụ huynh điều khiển phương tiện vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông.
Từ đó, phòng ngừa tai nạn giao thông, góp phần hình thành ý thức chấp hành pháp luật cho các em khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Công tác này sẽ được thực hiện thường xuyên, liên tục các ngày trong tuần và xuyên suốt năm học", Đại tá Trần Đình Nghĩa nhấn mạnh. [1]
Mới đây, Phòng Cảnh sát giao thông - Công an Thành phố Hà Nội đã phối hợp với Công an quận Ba Đình triển khai tổ công tác thực hiện đợt cao điểm về đảm bảo an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh. Đây là đợt phối hợp đầu tiên giữa hai đơn vị trong cao điểm với mục tiêu giảm thiểu tai nạn, xây dựng văn hoá giao thông người Hà Nội.
Cụ thể, sáng 2/10/2024, chốt kiểm soát liên ngành ở khu vực nút giao Liễu Giai – Phan Kế Bính – Vạn Phúc tổ chức ra quân gồm, tổ công tác Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 2 (Phòng Cảnh sát giao thông - Công an Thành phố Hà Nội), Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự, Công an phường Cống Vị (Công an quận Ba Đình).
Theo đó, hàng loạt trường hợp học sinh bị xử lý với các vi phạm như, không có bằng lái xe, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, giao phương tiện cho người chưa đủ điều kiện để điều khiển…
Bên cạnh việc lập biên bản người vi phạm, lực lượng chức năng cũng tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật với phụ huynh, học sinh. Quá trình giải quyết vi phạm, cơ quan chức năng sẽ xác minh thông tin phụ huynh, người giám hộ, người giao xe cho học sinh khi chưa đủ điều kiện cầm lái và xử lý nghiêm theo quy định.
Trung tá Nguyễn Văn Hải – Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 2 (Phòng Cảnh sát giao thông - Công an Thành phố Hà Nội) cho biết, từ trước khi đợt cao điểm được triển khai, đơn vị đã thực hiện nghiêm Chỉ thị số 31 của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong lứa tuổi học sinh.
"Hằng năm, đơn vị đều phối hợp với các nhà trường tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ tới học sinh. Tuy nhiên, tình hình học sinh vi phạm khi tham gia giao thông vẫn diễn biến phức tạp. Quá trình kiểm soát, xử lý vi phạm, Cảnh sát giao thông sẽ kết hợp tuyên truyền, giáo dục, phối hợp áp dụng các chế tài xử lý, bảo đảm quy định của pháp luật về quyền trẻ em, không gây bức xúc và làm ảnh hưởng đến tâm lý lứa tuổi học sinh", Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 2 cho hay.
Trung tá Ngô Lê Tuấn Anh - Đội phó Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự, Công an quận Ba Đình cho biết, công tác giáo dục, tuyên truyền kiến thức về trật tự an toàn giao thông đối với lứa tuổi học sinh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đơn vị đặc biệt quan tâm.
"Trong nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông, ngoài việc xử lý vi phạm thì nâng cao ý thức là điều không thể thiếu và cần phải tập trung ngay từ lứa tuổi học sinh để trang bị cho các em kiến thức một cách bài bản, "mưa dầm thấm lâu", từ đó khiến văn hóa giao thông không chỉ của riêng Hà Nội mà của toàn quốc thay đổi theo hướng tích cực", Trung tá Ngô Lê Tuấn Anh nói.
Cũng theo Trung tá Ngô Lê Tuấn Anh, đối với các bậc phụ huynh, họ phải hiểu được rằng mình chính là tấm gương cho con trẻ nhưng nhiều người lại không nghiêm chỉnh chấp hành. Những hành động sai này về lâu dài sẽ để lại hậu quả không nhỏ đến tương lai của trẻ. Chính bởi vậy, các bậc phụ huynh cần thay đổi ý thức từ những điều nhỏ nhất như, đội mũ bảo hiểm khi đi xe cho mình và con.
Khu vực cổng Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội), một trong những điểm được triển khai mô hình "Cổng trường an toàn giao thông". Theo đó, nơi đây được được sơn, kẻ vạch để phương tiện giao thông của phụ huynh dừng đỗ, không gây cản trở giao thông tại tuyến phố xung quanh như Liễu Giai, Phan Kế Bính. Hoạt động này đã giúp hình thành nên thói quen cho các em học sinh cũng như học sinh, tạo nên nét đẹp văn hóa giao thông trước cổng trường học.
Chia sẻ về mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” đang được triển khai trên địa bàn, Thiếu tá Trịnh Văn Thành (cán bộ Công an phường Cống Vị) cho biết, tiêu chí mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” phải bảo đảm bố trí, lắp đặt đầy đủ hệ thống biển báo hiệu, biển chỉ dẫn, biển cảnh báo, vạch kẻ sơn, khu vực xếp xe...; không để xảy ra tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; dừng đỗ xe đưa đón học sinh, sắp xếp phương tiện đi lại thành hàng lối, không gây cản trở, ùn tắc giao thông; khu vực cổng trường không có hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông, nhất là vi phạm không đội mũ bảo hiểm và điều khiển mô tô, xe máy khi chưa đủ tuổi tham gia giao thông.
Từ những hiệu quả đạt được, quận Ba Đình tới đây sẽ triển khai mô hình "Cổng trường an toàn giao thông" đến tất cả các trường học còn lại trên địa bàn.
Link bài viết tham khảo:
1) https://congan.hanoi.gov.vn/an-toan-giao-thong/ha-noi-trien-khai-ke-hoach-cao-diem-28266