Người chết cũng không tha
Người dân xã Cẩm Hưng bức xúc phản ánh đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về nạn khai thác đất nông nghiệp, đất rừng, thậm chí phá rừng để đào xới lấy đất của hai Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Hưng Thành Đạt và Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Đông Á hoành hành tại tiểu khu 312 thuộc núi Choác.
Tình trạng này đã kéo dài trong nhiều năm qua nhưng không thấy chính quyền địa phương đả động gì đến việc xử lý sai phạm. Không những xẻ núi lấy đất, hai doanh nghiệp này còn cho xe múc vào đào bới phá khu nghĩa địa nơi đây.
Núi Choác đang bị các DN ngày đêm "xẻ thịt" |
Tới tiểu khu 312, chúng tôi không khỏi giật mình chứng kiến hàng chục chiếc xe tải tấp nập ra vào. Hệ quả là toàn bộ cây xanh trên núi Choác đã được “giải phóng” và người ta đang từng ngày, từng giờ “xẻ thịt” vùng núi này. Những chuyến xe chuyên chở đất, nối đuôi nhau lên xuống núi.
Theo quan sát của PV, chừng 5- 10 phút lại có một chiếc xe xuất bến, thùng xe chứa đầy đất nhưng không phủ bạt theo quy định nên khiến đất đá vương vãi khắp nơi, bụi bay mù mịt. Mỗi khi người đi đường ngang qua là phải chịu cảnh chìm trong bụi đất. Điều đặc biệt nghiêm trọng là mỏ đất này nằm ngay tại nghĩa địa của các thôn lân cận, việc khai thác đất ở đây đã làm cả khu vực nghĩa địa chìm trong làn khói bụi nhờ nhờ không dứt…
Anh Đặng Văn H., một người dân sống ở khu vực này bức xúc: “Không biết các cơ quan chức năng cấp phép cho họ hoạt động như thế nào, nhưng các xe chuyên chở hoạt động suốt cả ngày, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Ngày nắng khói, bụi mù mịt, ngày mưa đường sá lầy lội, trơn trượt. Tình trạng này kéo dài khiến người dân sinh sống cạnh đường chỉ còn nước đi sơ tán vì không thể chịu nổi tiếng gầm rú của máy móc cùng với khói, bụi cuốn lên mù mịt. Từ khi mỏ đất này hoạt động, con đường vào thôn đã bị băm nát, đi lại rất khó khăn, nguồn nước thì không sử dụng được, người dân đành phải mua nước ngọt về sử dụng”. Anh H. cho biết thêm: “Nếu chính quyền không ngăn chặn kịp thời thì mùa mưa bão sắp đến, nguy cơ sụt lở rất cao, nếu tình huống đó xảy ra thì khu vực nghĩa địa ở phía dưới chắc chắn sẽ bị xóa sổ”.
Thấy vẻ mặt của một lão nông đứng bên cạnh anh H. khắc khổ nhìn trân trân khu nghĩa địa như muốn nói điều gì, chúng tôi chào cụ rồi hỏi thăm: “Bác đi thăm, thắp hương cho ai ở khu nghĩa địa này à?”. Ông cụ thở dài đánh thượt rồi chỉ tay về ngôi mộ mới xây mà bị phá nát: “Mấy chú thấy đấy, đây là hậu quả của việc các doanh nghiệp khai thác đất bừa bãi, khiến đất, đá ở trên đồi núi đổ xuống làm khu vực này như bãi chiến trường. Con tôi không may mất vì tai nạn khi còn trẻ, nó chết đã oan ức, vậy mà khi xuống suối vàng mà cũng không yên. Nằm ở dưới, mà ở trên đá rơi xuống ùn ùn. Mấy bữa nay tôi ngủ nó về cứ báo mộng hoài… Nơi này không còn yên bình như xưa nữa rồi”.
Chúng tôi thắc mắc hỏi: “Sao các bác không phản ánh lên chính quyền?”, thì ông lão này cắt ngang lời: “Nói như mấy chú ai nói không được. Chúng tôi có nói rồi nhưng không thấy họ hỏi han gì. Khi tiếp xúc cử tri, dân ở đây cũng nói hoài nhưng mấy ổng im thin thít… Chán lắm mấy chú ơi!”
Anh H. nói thêm: “Máy nổ, xe chạy suốt ngày đêm. Nếu cứ khai thác theo đà này thì một ngày không xa những cánh rừng, nghĩa địa này sẽ bị “xóa sổ” mất thôi!”.
Chính quyền làm ngơ?
Từ xa, khu vực núi Choác như bị “chặt” ra làm đôi, các doanh nghiệp chia nhau mạnh ai nấy làm. Những chiếc xe ben nghênh ngang ầm ầm ra vào trên địa bàn nhưng không thấy một trở ngại nào từ cơ quan chức năng xã Cẩm Hưng cũng như huyện Cẩm Xuyên. Nghe tiếng nói chuyện rôm rả phát ra từ khu vực trên, anh L rỉ tai tôi bảo: “Đó là “quân” của mấy doanh nghiệp nói trên đó, tụi nó chả sợ ai đâu? Vì chính quyền địa phương ở đây chẳng thấy ai kiểm tra, dòm ngó gì cả nên bọn nó tha hồ mà tung hoành nơi này. Cuối cùng chỉ có dân khổ thôi!”.
Dư luận địa phương cho rằng đang có sự "bảo kê" của chính quyền địa phương. |
Được biết, UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp giấy phép chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang khai thác đất san lấp cho 2 doanh nghiệp. Công ty cổ phần Đầu tư - Xây dựng Hưng Thành Đạt được cấp phép khai thác 3 ha đất tại khoảnh 1 tiểu khu 312 (Số 2336/QD-UBND, ngày 15-7-2011); Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Đông Á được cấp phép khai thác 4 ha cũng tại khoảnh số 1 thuộc tiểu khu 312 (Số 1137/GP-UBND, ngày 26-4-2010). Theo quy định thì thời hạn Giấy phép khai thác đất do UBND tỉnh cấp cho hai doanh nghiệp này thì đã hết thời hạn. Tuy nhiên, trong suốt thời gian dài, cả hai doanh nghiệp kể trên, vẫn ung dung khai thác mà không hềgặp một trở ngại nào từ chính quyền địa phương
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đình Dũng, Phó chủ tịch UBND xã Cẩm Hưng cho biết: “Mặc dù giấy phép khai thác đã hết thời hạn, đang trong giai đoạn đề nghị gia hạn nhưng hai doanh nghiệp này vẫn ngang nhiên khai thác như vậy là hoàn toàn sai quy định. UBND xã cũng đã nhiều lần phối hợp với các lực lượng chức năng của huyện kiểm tra, xử lý việc khai thác đất trái phép của các doanh nghiệp này. Nhưng tình trạng doanh nghiệp đồng thời vừa khai thác, vừa chạy giấy tờ vẫn cứ diễn ra, bất chấp sự có mặt của chính quyền địa phương”.
Theo quyết định của UBND tỉnh, tại khu vực này giấy phép hết hạn khai thác đất, nhưng tình rạng này vẫn diễn ra một cách công khai. Thực tế là đến thời điểm này vẫn không có một cơ quan chức năng và chính quyền địa phương nào vào cuộc để ngăn chặn.
Chính vì vậy, nhiều người dân ở đây có quyền đặt dấu hỏi: “Phải chăng việc các doanh nghiệp trên tự tung tự tác trong thời gian dài có thể là do đã “ăn chia” với một số vị “tai to mặt lớn” nên họ mới ngày càng trở nên lì lợm, tác oai tác quái hơn?”
Với những gì đã và đang diễn ra ở đây, đề nghị lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh vào cuộc làm rõ, trả lại sự yên bình cho người dân xã Cẩm Hưng cũng như bảo vệ tài nguyên môi trường, ổn định sản xuất, đời sống của người dân địa phương.
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.