> Tra cứu ĐIỂM THI ĐH-CĐ 2012 nhanh, chính xác nhất> Tìm hiểu đất nước Ireland, cơ hội nhận quà cực lớn> Cả xã hội quan tâm: Tình hình biển Đông Tập Cận Bình, người được cho là sẽ trở thành Chủ tịch nước Trung Quốc vào cuối năm nay, có thể sẽ phải đối mặt với thách thức lớn khi sự ảnh hưởng của 2 tiền nhiệm là Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân sẽ vẫn còn kéo dài trong nhiệm kỳ của ông - tờ South China Morning Post của Hồng Kông nhận định.
Tập Cận Bình (trái) được tin sẽ trở thành người kế nhiệm ông Hồ Cẩm Đào vào cuối năm nay. |
Theo thông tin được tiết lộ trước đó, các quan chức đương nhiệm cấp cao của Đảng cộng sản Trung Quốc đang bí mật hội họp tại khu nghỉ mát cao cấp Bắc Đới Hà ở tỉnh Hà Bắc, cách Bắc Kinh khoảng 60km. Tham gia cuộc hội đàm này gồm có các cựu lãnh đạo và lãnh đạo đương nhiệm của Trung Quốc cùng 9 thành viên Thường vụ Bộ Chính trị ĐCS Trung Quốc.
Theo thông lệ, danh sách các thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ chính trị ĐCS Trung Quốc và các tân lãnh đạo sẽ không được công bố công khai cho đến ngày cuối cùng của Đại hộ 18, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 10 tới.
Giới phân tích cho biết, hiện có 2 nhân vật được đánh giá chắc chắn sẽ có mặt trong danh sách này đó là Phó Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Phó Thủ tướng Lý Khắc Cường, người dự kiến sẽ thay thế ông Ôn Gia Bảo vào cuối năm nay.
Ông Giang Trạch Dân và ông Hồ Cẩm Đào trong một buổi họp. Tờ The South China Morning Post cho rằng sau Đại hội 18 ĐCS Trung Quốc sắp tới, hai cựu lãnh đạo này sẽ vẫn duy trì ảnh hưởng của mình đối với các quyết sách quan trọng của ban lãnh đạo thế hệ mới ở Trung Quốc |
Tuy nhiên, theo một bài báo đăng tải trên tờ The South China Morning Post hôm 13/8, quá trình chuyển giao quyền lực cho các nhà lãnh đạo thế hệ 6 của Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn từ sự bất mãn ngày càng tăng của dân chúng đối với nạn tham nhũng và sự lan rộng của tình trạng bất bình đẳng về kinh tế trong xã hội.
Ngoài ra, còn có một lý do đáng lưu tâm hơn là sự ảnh hưởng của cả 2 tiền nhiệm của ông Tập Cận Bình là Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân vẫn còn. Lần đầu tiên trong lịch sử Công hòa nhân dân Trung Hoa sẽ xảy ra trường hợp, 2 cựu nguyên thủ quốc gia - Chủ tịch Trung Quốc vẫn còn sống và tương đối khỏe mạnh đồng thời vẫn duy trì ảnh hưởng của mình sau khi nghỉ hưu.
Thực tế cho thấy, mặc dù đã chuyển giao quyền lãnh đạo cho Hồ Cẩm Đào vào năm 2002-2003, nhưng Giang Trạch Dân vẫn giữ chức Chủ tịch Đảng và Chủ tịch Quân ủy trung ương, lãnh đạo tối cao đối với quân đội Trung Quốc cho đến năm 2004-2005, một hình thái được Đặng Tiểu Bình tiên phong áp dụng nhằm để ngăn chặn bất kỳ một sự thay đổi nhanh chóng nào diễn ra trong giới lãnh đạo cấp cao Trung Quốc khi ông hết nhiệm kỳ.
Ban lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc dưới thời ông Hồ Cẩm Đào theo thứ tự bước vào hội trường của một kỳ họp |
Mặc dù Giang Trạch Dân đã chính thức nghỉ hưu, nhưng sức ảnh hưởng của ông vẫn còn đáng kể và các nhà lãnh đạo đương nhiệm của Trung Quốc vẫn xin các ý kiến của ông trước khi đưa ra bất kỳ quyết định hay sự thay đổi nhân sự quan trọng nào. Tờ The South China Morning Post nhận định, Giang Trạch Dân đứng vị trí thứ 2 trong Đảng, sau Hồ Cẩm Đào.
Ông Hồ Cẩm Đào sẽ rời vị trí Tổng bí thư ĐCS Trung Quốc vào cuối năm nay và chức Chủ tịch nước vào tháng 3 sang năm. Tuy nhiên, một số nguồn tin riêng của tờ The South China Morning Post khẳng định, Hồ Cẩm Đào cũng sẽ giống như Giang Trạch Dân, vẫn tiếp tục giữ vai trò Chủ tịch Quân ủy trung ương, là người đứng đầu quân đội trong 1 đến 2 năm sau đó.
Đối với Tập Cận Bình, người dự kiến sẽ trở thành Chủ tịch Trung Quốc, sự ảnh hưởng của 2 người tiền nhiệm có thể vẫn là một trở ngại lớn nhất của ông trong việc điều hành đất nước trong tương lai - tờ The South China Morning Post kết luận.
Nguyễn Hường (nguồn SCM)