Hai lần Thủ tướng Chính phủ có ý kiến, đường nối Phú Yên và Gia Lai vẫn dang dở

09/02/2017 10:22
Minh Anh
(GDVN) - Dự án tuyến đường bộ kết nối hai tỉnh Phú Yên và Gia Lai được kỳ vọng là tuyến giao thông huyết mạch… nhưng kỳ vọng này đang có nguy cơ “đổ bể”.

Dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường bộ nối hai tỉnh Phú Yên và Gia Lai, đoạn trên địa phận tỉnh Phú Yên được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho UBND tỉnh Phú Yên triển khai từ năm 2009 theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT) và áp dụng hình thức chỉ định Nhà đầu tư đàm phán trực tiếp Hợp đồng BT. 

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp Dự án vào Danh mục đề nghị được sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011- 2015 để hỗ trợ cho tỉnh Phú Yên.

Dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2011- 2015, nhưng dự án đã bị gián đoạn do chính sách cắt giảm đầu tư công theo tinh thần Nghị quyết 11 năm 2011.

Hai lần Thủ tướng Chính phủ có ý kiến, đường nối Phú Yên và Gia Lai vẫn dang dở ảnh 1
Hai lần Thủ tướng Chính phủ có ý kiến, dự án vẫn dang dở (Ảnh: Báo Tiền phong)

Đến giữa năm 2015, công trình mới được UBND tỉnh Phú Yên cùng liên danh các nhà đầu tư tiến hành khởi công với tổng mức đầu tư hơn 4.600 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. 

Tuyến đường có tổng chiều dài hơn 61 km, quy mô đường cấp bốn miền núi, được thi công theo hình thức BT và áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư gồm Liên danh Cty TNHH Đầu tư - Xây dựng và Thương mại Phương Anh, Cty TNHH Xây dựng Vương Quốc Anh, Cty TNHH Môi trường và Xây dựng Thái Sơn. 

Đến cuối năm 2015, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có ý kiến chỉ đạo yêu cầu UBND tỉnh Phú Yên khẩn trương rà soát lại quy mô, tổng mức đầu tư để phân kỳ đầu tư Dự án nâng cấp tuyến đường bộ nối 2 tỉnh Phú Yên và Gia Lai, đoạn trên địa bàn tỉnh Phú Yên phù hợp với khả năng nguồn vốn;

Còn Bộ Kế hoạch và đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp nhu cầu vốn của dự án vào kế hoạch đầu tư bằng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016-2020, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Tuy nhiên, tại buổi làm việc với UBND tỉnh Phú Yên vào tháng 8/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có kết luận, nêu rõ, Dự án tuyến đường bộ nối tỉnh Phú Yên với tỉnh Gia Lai là công trình dở dang.

Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Phủ Yên và Gia Lai rà soát quy mô, tổng mức đầu tư, phân kỳ đầu tư Dự án (đoạn qua địa phận mỗi tỉnh) phù hợp với khả năng nguồn vốn. 

Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp nhu cầu vốn của Dự án vào Danh mục dự án đầu tư bằng nguồn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016-2020…, đảm bảo đầu tư đồng bộ tuyến đường, trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

Phú Yên tiếp tục “kêu” Chính phủ giúp về dự án đường bộ

Thực hiện ý kiến chỉ đạo trên, ngày 10/1/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Hoàng Văn Trà có văn bản số 116 gửi Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội và các Bộ Kế hoạch và đầu tư, Tài chính đề nghị đưa dự án nâng cấp tuyến đường bộ nối hai tỉnh Phú Yên và Gia Lai vào kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2020. 

Hai lần Thủ tướng Chính phủ có ý kiến, đường nối Phú Yên và Gia Lai vẫn dang dở ảnh 2

Điểm danh những dự án BOT bị nghi vấn nhất hiện nay

(GDVN) - Quốc lộ 1A đoạn Hà Nội – Bắc Giang, Quốc lộ 1B Pháp Vân – Cầu Giẽ, Quốc lộ 51... là những dự án BOT đang bị dư luận đặt nhiều nghi vấn nhất hiện nay.

Trong văn bản, lãnh đạo tỉnh Phú Yên kiến nghị Thủ tướng quan tâm đến việc Bộ Kế hoạch và đầu tư dự kiến bố trí  900 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ trong giai đoạn 2016-2020 cho hai dự án sửa chữa, nâng cấp công trình chỉnh trị cửa sông Đà Nông (700 tỷ đồng) và chương trình kiên cố hóa trường lớp mẫu giáo tiểu học (200 tỷ đồng).

Bởi trước đó, địa phương này bất ngờ khi biết rằng, theo kế hoạch đầu tư trung hạn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017 - 2020 tuy được bố trí 900 tỷ đồng, nhưng Bộ Kế hoạch và đầu tư lại không trình phương án đầu tư số vốn này cho Dự án nâng cấp tuyến đường nối Phú Yên - Gia Lai. 

Điều lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên lo ngại rằng, nếu Bộ Kế hoạch và đầu tư không trình phương án đầu tư số vốn đó sẽ dẫn tới việc tỉnh phải đơn phương chấm dứt hợp đồng và sẽ phải chịu phạt 12% giá trị hợp đồng, tương ứng hơn 435,1 tỷ đồng. 

Ngoài ra, tỉnh sẽ phải thanh toán hợp đồng với những khối lượng các nhà đầu tư đã thực hiện như giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn, tư vấn khảo sát thiết kế, các khối lượng đã thi công trên tuyến... Dự án dừng thi công về lâu dài cũng sẽ gây bức xúc cho nhân dân trong vùng.

Theo ông Hoàng Văn Trà, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, dự án tuyến đường bộ nối hai tỉnh Phú Yên và Gia Lai đã được bố trí 55 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011-2015.

UBND tỉnh đã rà soát, phân kỳ đầu tư và thực hiện giai đoạn 1 dự án với chiều dài tuyến là 31,54 km trên tổng số 61,3 km toàn tuyến và triển khai 8 cầu trên tổng số 15 cầu trên tuyến để phục vụ nhân dân đi lại trong mùa mưa lũ với mức đầu tư 1.547 tỷ đồng.

Minh Anh