Phía sau vụ cháy xưởng may ở Tân Dân còn nhiều điều đáng nói, nhất là trách nhiệm trước sinh mạng của đồng loại.
“Ngọn lửa bùng lên! Thấy hơn chục thanh niên trai tráng đứng nhìn, vừa cố gắng dập lửa, vừa cứu người, tôi gào lên van xin “các anh ơi cứu với...”. Họ vẫn đứng yên xem đám cháy bùng lên dữ dội chỉ cách đó hơn 20 mét. Họ chỉ cần giúp một tay phá mảng tường phía sau bằng gạch ba-banh thì sẽ cứu được tất cả. Sẽ không có ai bị chết...”, chị Bùi Thị Thêm (39 tuổi, công nhân may mắn thoát chết) nói trong nước mắt.
Chị Thêm cũng chính là người đã ngăn cản hai thợ hàn tiếp tục công việc vì thấy muội hàn rơi xuống xốp lót nền, vật liệu da giầy để dưới đất. Nhưng, hai thợ hàn này không hề đếm xỉa, chỉ buông một câu “không việc gì đâu!”. Chị Thêm có hai đứa cháu bị chết thảm và hai đứa cháu bị bỏng rất nặng trong vụ cháy này.
Giờ đây, hễ ai hỏi chuyện, chị Thêm chỉ biết ôm mặt khóc: “Sao họ lại nhẫn tâm đến thế. Toàn người cùng làng với nhau cả... Sao họ lại không cứu giúp trong khi người ta kêu cứu thảm thiết”.
Chỉ một phút bất cẩn, vụ cháy có thể nói là rất nhỏ bắt nguồn từ muội hàn nhưng đã gây ra thảm họa kinh hoàng, quá khủng khiếp với 13 người chết và 25 người bị bỏng rất nặng trong vòng gần một tiếng đồng hồ tại xưởng may mũi giầy nhỏ, rộng 150 m2 (rộng 5 m và dài 30 m) ở xã Tân Dân, huyện An Lão, Hải Phòng lúc hơn 16 giờ ngày 29/7.
Xưởng may này chỉ có một đường ra vào duy nhất là cửa chính, không có bất cứ thiết bị phòng cháy nào... Tuy nhiên, mặt phía sau xưởng giáp với cánh đồng nên chỉ cần vài người phá mảng tường được xây tạm bợ bằng gạch ba-banh thì hậu quả chắc chắn là sẽ được giảm thiểu. “Nhẫn tâm! Họ đã “giết” chết 13 người dân cùng làng”, nhiều người lắc đầu ngao ngán.
Bầu không khí tang tóc vẫn bao trùm ngôi làng bé nhỏ thuần nông Tân Dân. Nhưng, nỗi đau khác sẽ khắc sâu mãi là sự vô cảm đến nhẫn tâm của những người đứng xem ngọn lửa thiêu chết bà con cùng làng.
Luật sư Lê Nguyên Bằng (Trưởng văn phòng Luật Nguyên Bằng, Hải Phòng) nói: “Nếu đúng như chị Bùi Thị Thêm kể và việc xác minh điều tra chứng minh rõ thái độ của những thanh niên cùng làng đứng cách đó không xa thấy lửa bốc cháy dữ dội và người kêu cứu mà họ không cứu giúp thì về lương tâm, đạo đức họ thực sự đáng lên án. Bộ luật Hình sự cũng quy định tại điều 102 “Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng”. Hậu quả vụ cháy tại xã Tân Dân là đặc biệt nghiêm trọng. Vì thế, cơ quan chức năng cần điều tra về hành vi trên, xử lí nghiêm để cảnh báo chung. Gần đây, những vụ án xảy ra hậu quả nghiêm trọng do sự vô cảm của một vài người không cứu giúp đã bị pháp luật xử lí.”
Em Đỗ Thị Ngọc Hà bị bỏng 40% khi tuổi đời còn rất trẻ, mạng sống mong manh do bỏng hô hấp |
Hành trình truy bắt vợ chồng chủ xưởng
Gần 17 giờ ngày 29/7, được người nhà báo tin hỏa hoạn đã thiêu rụi xưởng may và có rất nhiều công nhân chết và bị bỏng nặng, vợ chồng chủ xưởng là A Phong (40 tuổi, người Trung Quốc) và Bùi Thị Hiên (24 tuổi, ở xã Tân Dân) vội tạt qua nhà xách vali, bế đứa con trai 4 tuổi tìm đường trốn chạy. Để có tiền đi đường, A Phong qua nhà máy của một đồng hương vay tiền.
Ngay sau đó, vợ chồng A Phong bắt taxi tháo chạy thẳng hướng biên giới Móng Cái (Quảng Ninh) hòng tìm đường về Trung Quốc trốn tội. Trên đường trốn chạy. Vợ chồng A Phong đổi taxi nhằm đánh lạc hướng và cắt đuôi lực lượng truy bắt. Đến gần Móng Cái, sợ công an truy đuổi bắt được, A Phong lại bảo taxi nhằm hướng cửa khẩu Hoành Mô (huyện Bình Liêu, Quảng Ninh). Tuy nhiên, vợ chồng A Phong đã bị lực lượng công an bắt gọn tại khu vực huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) ngay trong đêm 29/7. Cả hai vợ chồng chủ xưởng này bị di lí về Hải Phòng ngay lập tức để phục vụ công tác điều tra.
Nỗi đau
Mọi người rơi nước mắt trước hoàn cảnh quá thương tâm của chị Lê Thị Hồng, 49 tuổi, ở xã Tân Dân. Chị Hồng là người kiếm cơm nuôi cả gia đình. Giờ chị Hồng chết, chồng chị sức khỏe yếu lại ngẩn ngơ không làm được gì với đứa con trai 21 tuổi bị bại liệt nằm bất động từ khi sinh ra. Hôm đưa ma chị Hồng, bà con làng xóm phải xúc từng thìa cơm cho cậu con trai bại liệt của chị.
Vợ chồng ông Bùi Văn Biên khóc cạn nước mắt đứng thẫn thờ khi hai đứa con bị chết thảm và vợ chồng đứa con gái lớn (A Phong và Bùi Thị Hiên là chủ xưởng) vướng vào lao lí. Khi đám cháy bùng lên, Bùi Thị Yến (22 tuổi, vừa tốt nghiệp ĐH Hải Phòng) vội lao vào xưởng lấy giấy tờ cho chị nhưng không kịp đã bị ngọn lửa trùm lên. Thấy chị kêu cứu, Bùi Xuân Anh (18 tuổi, vừa đỗ ĐH Hàng hải VN) băng qua lửa vào cứu chị. Cả hai chị em Yến và Xuân Anh bị chết cháy. Mới đây, thi thể Yến mới được xác định sau khi có kết quả giám định ADN. Hầu hết, gia cảnh các nạn nhân thiệt mạng đều éo le, thương tâm...
Phó Chủ tịch huyện An Lão Phạm Duy Đảm cho biết, mỗi gia đình có người chết được hỗ trợ 19 triệu đồng/người. 9 người bị bỏng rất nặng được hỗ trợ 25 triệu đồng/người. 14 người bị bỏng nặng được hỗ trợ 23 triệu đồng/người. 15 triệu đồng/người tiền hỗ trợ cho 2 nạn nhân bị bỏng hiện điều trị tại bệnh viện ở Hải Phòng. Đến nay, các tổ chức, cá nhân đã ủng hộ các nạn nhân tổng số tiền hơn 3 tỉ đồng.
Chủ tịch Hải Phòng Dương Anh Điền yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế của thành phố miễn phí cấp cứu, điều trị các nạn nhân chữa trị tại Hải Phòng.
{iarelatednews articleid='9303,9061,9304,9121,9153,9062,9035'}
Theo Tiền phong