Hải Phòng sử dụng căn cước công dân gắn chíp trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế

17/05/2022 07:16
LÃ TIẾN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thành phố Hải Phòng đang đẩy mạnh việc sử dụng căn cước công dân gắn chip khi đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Tiện ích của việc sử dụng căn cước gắn chip khi đi khám chữa bệnh

Theo ông Nguyễn Văn Thạnh, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội Hải Phòng, từ ngày 1/3/2022, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Công an, Bộ Y tế đã thống nhất chỉ đạo triển khai thí điểm sử dụng căn cước công dân gắn chíp để khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế.

Đây là minh chứng rõ nét trong việc hướng tới nền hành chính hiện đại, chính phủ số, tạo điều kiện tối đa cho người có thẻ Bảo hiểm y tế về các thủ tục khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, không phát sinh bất kỳ thủ tục giấy tờ, thời gian thực hiện thủ tục khám chữa bệnh được tiết giảm tối đa.

Người dân sử dụng căn cước công dân gắn chíp trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Hải Phòng (Ảnh: LT)

Người dân sử dụng căn cước công dân gắn chíp trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Hải Phòng (Ảnh: LT)

Không những thế, khi các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tích cực, chủ động triển khai công tác này sẽ mang lại lợi ích thiết thực không chỉ cho người bệnh mà ngay cả trong khâu quản lý người bệnh của cơ sở khám chữa bệnh.

“Đối với người bệnh được cấp căn cước công dân gắn chíp, khi đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế chỉ cần sử dụng căn cước công dân hoặc ứng dụng VNEID (ứng dụng định danh điện tử quốc gia của Bộ Công an).

Nhân viên y tế quét mã QR code trên căn cước công dân hoặc qua ứng dụng VNEID để thực hiện kiểm tra, đối chiếu thông tin về thẻ bảo hiểm y tế và đón tiếp người bệnh theo quy trình khám chữa bệnh bảo hiểm y tế hiện hành.

Đồng thời, nhân viên y tế thông tin cho người bệnh biết để đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế kể từ lần sau bằng căn cước công dân gắn chíp hoặc bằng ứng dụng VNEID.

Trường hợp khi kiểm tra thông tin nhưng không có thông tin hợp lệ về tham gia bảo hiểm y tế, nhân viên y tế giải thích để người bệnh biết tình trạng của thẻ bảo hiểm trên căn cước công dân chưa thể thực hiện được và thực hiện tiếp đón người bệnh theo quy trình khám chữa bệnh bảo hiểm y tế hiện.

Riêng đối với người bệnh chưa được cấp căn cước công dân gắn chíp, cơ sở y tế thực hiện tiếp đón người bệnh theo quy trình khám chữa bệnh bảo hiểm y tế hiện hành (xuất trình thẻ bảo hiểm và giấy tờ tùy thân có ảnh hoặc thẻ bảo hiểm trên ứng dụng VssID – Bảo hiểm xã hội số)”, ông Nguyễn Văn Thạnh nói.

Ông Thạnh cho biết thêm, hiện nay, do việc xác thực thông tin công dân giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm đang được hoàn thiện.

Do đó, người bệnh đi khám chữa bệnh lần đầu cần lưu ý mang theo thẻ bảo hiểm kèm giấy tờ tuỳ thân có ảnh hoặc điện thoại thông minh có tích hợp ứng dụng VssID để đề phòng các trường hợp thẻ căn cước công dân chưa tích hợp với dữ liệu thẻ bảo hiểm y tế hoặc chưa được cấp tài khoản VNEID, tránh mất thời gian đi lại, tốn kém các chi phí.

Hải Phòng thí điểm sử dụng căn cước gắn chip thế nào?

Cũng theo ông Nguyễn Văn Thạnh, ngay sau khi có hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Hải Phòng thông báo và cung cấp tới các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn thành phố tài liệu hướng dẫn tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế thông qua căn cước công dân gắn chíp.

Theo đó, các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế có thể tra cứu trực tiếp trên Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế tại địa chỉ https://gdbhyt.baohiemxahoi.gov.vn (quét mã vạch/nhập trực tiếp) hoặc tra cứu bằng hàm tra cứu tự động (API).

Sử dụng căn cước công dân gắn chíp trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đem lại nhiều tiện lợi cho người bệnh (Ảnh: LT)Sử dụng căn cước công dân gắn chíp trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đem lại nhiều tiện lợi cho người bệnh (Ảnh: LT)

Bảo hiểm xã hội thành phố chủ động phối hợp với ngành y tế, hỗ trợ kịp thời cho cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và người tham gia bảo hiểm y tế trong quá trình sử dụng căn cước công dân gắn chíp khi đi khám chữa bệnh.

Đồng thời, đề nghị Sở Y tế thường xuyên đôn đốc, kiểm tra giám sát các cơ sở y tế để không xảy ra hiện tượng từ chối khám chữa bệnh khi người dân cung cấp căn cước công dân gắn chíp mà thông tin này đã được đồng bộ giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bên cạnh đó, cơ quan Bảo hiểm xã hội tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông rộng rãi đến người tham gia bảo hiểm y tế sử dụng căn cước công dân gắn chíp khi đi khám chữa bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng; thông báo tại các địa điểm trong cơ sở khám chữa bệnh để người dân dễ tiếp cận nhất.

Trong quá trình triển khai thí điểm, Bảo hiểm xã hội Hải Phòng sẽ thường xuyên tổng hợp, nắm bắt các ý kiến của người dân, cơ sở y tế kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc (nếu có) để đề xuất, kiến nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các đơn vị liên quan giải quyết, tháo gỡ.

LÃ TIẾN